Ngân hàng kéo khách bằng lãi suất

Các ngân hàng đang vào cuộc đua thu hút khách hàng bằng lãi suất. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các ngân hàng đang vào cuộc đua thu hút khách hàng bằng lãi suất. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay để kéo khách hàng doanh nghiệp làm ăn tốt. Ngân hàng nhỏ căng thanh khoản vẫn đẩy lãi suất huy động. Cuộc đua giành khách hàng giữa các ngân hàng khá quyết liệt.

> Khi doanh nghiệp là ‘con tin’ của ngân hàng

Các ngân hàng đang vào cuộc đua thu hút khách hàng bằng lãi suất. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các ngân hàng đang vào cuộc đua thu hút khách hàng bằng
lãi suất. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lãi suất rẻ kén khách

Một tuần trở lại đây thị trường liên tiếp đón nhận thông tin giảm lãi suất từ các ngân hàng quốc doanh: Agribank, Vietinbank, BIDV, VCB. Theo đó mức giảm thấp nhất thuộc về Agribank còn 14,5%/năm với các gói thu mua nông sản. Với mục tiêu dành vốn cho tam nông, Agribank cũng khẳng định sẽ giữ chắc thị phần số 1 tại thị trường nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank tuyên bố: “92% khách hàng nông thôn trả nợ tốt, nên Agribank sẽ đẩy mạnh cho vay thị trường này. Thực tế, các hộ nông dân vay từ 50 triệu trở xuống không cần tài sản thế chấp rất nhiều. Đối với các chủ trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông lâm trường nếu như họ có các dự án liên quan đến thu mua chế biến nông sản thực phẩm giúp cho các hộ nông dân có đầu ra tốt, các hộ sản xuất có phương án kinh doanh có hiệu quả, Agribank sẵn sàng đáp ứng”- ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo để có được gói lãi suất rẻ này, ngoài nguồn vốn được huy động từ trong nước và nước ngoài, ngân hàng sẽ sử dụng cả những nguồn tài trợ từ nước ngoài như ODA, WB, ADB, Jica.

Ngày 22-2, VIB cũng trở thành NH cổ phần đầu tiên công bố gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm so với thông thường cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt may…

Cùng thời điểm, Ngân hàng Á Châu (ACB) triển khai chương trình “Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, tập trung vào gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép…

Lãi suất tiền đồng dự báo sẽ giảm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Lãi suất tiền đồng dự báo sẽ giảm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đua vượt trần huy động

NHNN đang đề nghị các NHTM khẩn trương báo cáo về khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp để cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Do căng thẳng thanh khoản vẫn đang diễn ở không ít ngân hàng nên song song với hạ lãi suất huy động ở một số ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn ráo riết tìm kiếm nguồn vốn bằng mọi giá.

Dù khá dồi dào nguồn vốn nhưng Oceanbank đang sốt ruột khi có nhiều nguồn tiền gửi bị lặng lẽ rút đi. “Chúng tôi thực hiện đúng quy định không lách trần huy động 14%/năm của NHNN nhưng ngân hàng khác lại không vậy. Có giám đốc chi nhánh bên tôi phát khóc, vì lần lượt nhìn thấy những món tiền lớn của ngân hàng bị người gửi rút đi.

Có nơi chỉ với 2 tỷ đồng, ngân hàng bạn sẵn sàng mặc cả lãi suất lên 16,5-17%/năm, thậm chí còn thưởng thêm tiền tươi nếu khách đồng ý chuyển tiền gửi sang bên họ. Nhiều khách hàng dù rất quý mến chúng tôi nhưng so đo hơn thiệt, họ vẫn quyết định rút tiền”- một cán bộ Oceanbank nói.

Tại Bắc Ninh, nhân viên phụ trách khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần thuộc nhóm 2 thừa nhận việc giành khách đang diễn ra rất gay gắt. Dù ngân hàng nơi anh đang làm việc đã “bật tín hiệu” cho phép mời khách với mức lãi suất mới chào phổ biến 16% năm, nhưng vẫn chịu thua ngân hàng bạn có trụ sở sát cạnh mời khách lãi suất huy động lên tới 18%/năm.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giảm mạnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tỷ lệ lạm phát, thanh khoản của ngân hàng và lòng tin vào VND. Chỉ số lạm phát đang khá ổn, nhưng kỳ vọng lạm phát của dân chúng lại khá cao. Trong khi đó, tình hình thanh khoản của nhiều ngân hàng vẫn còn rất kém.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, thì cho rằng, việc thiếu thanh khoản chỉ là cục bộ, vẫn có những ngân hàng dư vốn cho vay kiếm lời trên thị trường liên ngân hàng. “Nếu nhóm ngân hàng gặp căng thẳng thanh khoản cũng là những đơn vị được xếp vào nhóm cần tái cơ cấu thì khi tái cơ cấu xong, vấn đề thanh khoản của hệ thống sẽ được giải quyết”- ông Ánh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG