Nghiêm trị sai phạm thì các nhà tài trợ sẽ yên lòng

Nghiêm trị sai phạm thì các nhà tài trợ sẽ yên lòng
TP - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Võ Hồng Phúc bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.
Nghiêm trị sai phạm thì các nhà tài trợ sẽ yên lòng ảnh 1
Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc

Hàng loạt vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ODA đã được báo giới đặt ra với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc 

Nhiều ý kiến nói Bộ KH&ĐT có trách nhiệm rất lớn trong vụ PMU 18, ông có nghĩ như vậy?

Đây là trách nhiệm chung của tập thể Chính phủ và từng bộ, từng ngành đều có trách nhiệm.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ KH&ĐT đã xem lại tất cả các khâu trong công việc của mình như giám sát, kiểm tra, thanh tra như thế nào. Còn việc chịu trách nhiệm chính trong việc ở PMU 18 là Bộ chủ quản trực tiếp.

Nếu như không phanh phui được vụ việc PMU18 thì việc thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư của Bộ KH&ĐT liệu có được xem lại?

Hiện nay, bộ phận thanh tra của chúng tôi có 40 người, vừa đào tạo vừa triển khai công việc. Quan niệm của chúng tôi là những lĩnh vực, những dự án nào mà Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, ngành đã thanh tra rồi thì thôi,  chuyển sang thanh tra, kiểm tra ở các dự án, đơn vị khác.

PMU18 đã có 3 lần Thanh tra Chính phủ tổ chức giám sát nên chúng tôi  không triển khai nhiệm vụ thanh tra ở PMU 18. Nhưng có thể nói, năng lực thanh tra của Bộ KH&ĐT chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Bộ KH&ĐT đã có kế hoạch phát triển mạnh mẽ hệ thống thanh tra của mình.

Việc đổi mới hoạt động của các Ban quản lý dự án đã được Chính phủ tính toán thế nào, thưa ông?

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa rồi chúng tôi đã có báo cáo đầy đủ về việc chấn chỉnh công tác đầu tư xây dựng. Hiện nay các Ban quản lý dự án của chúng ta, đặc biệt là ở Bộ GT-VT được tổ chức chưa hợp lý.

Bởi vì Ban quản lý dự án chưa gắn với người sau này sử dụng và vận hành công trình đó, họ chỉ là người xây dựng xong thì bàn giao nên  trách nhiệm về mặt chất lượng, hiệu quả của công trình sau này có vấn đề gì người sử dụng gánh chịu.

Sai sót ở tất cả các khâu

- Tổng vốn đầu tư từ ngân sách 5 năm 2001-2005 là 274, 3 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ODA đưa vào ngân sách để đầu tư là 41,75 nghìn tỷ).

Giao thông Vận tải và Bưu chính- Viễn thông được ưu tiên cao nhất với số vốn ODA khoảng gần 6,3 tỷ USD.

- Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng đã dẫn đến sai sót trong quản lý kế hoạch đầu tư và quá trình xây dựng thể hiện ở tất cả các khâu: từ xác định chủ trương, xây dựng, thẩm định dự án, ra quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán đến khâu triển khai thực hiện, giám sát thi công, theo dõi cấp phát thanh quyết toán...

(Nguồn: Báo cáo về quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn ODA của ông Võ Hồng Phúc trước Quốc hội)

Muốn gắn trách nhiệm chủ đầu tư với người sử dụng công trình thì phải thay đổi toàn bộ cách thức quản lý các Ban quản lý dự án ở Bộ GT-VT hiện nay.

Theo ông, vụ PMU18 ở Bộ GT-VT liệu có ảnh hưởng đến vốn ODA tài trợ cho Việt Nam?

Theo tôi là không ảnh hưởng. Về mức độ sai phạm thì đang chờ cơ quan điều tra kết luận. Điều căn bản phải nhấn mạnh là thái độ của chúng ta đối với những người sai phạm thế nào, có nghiêm trị hay không.

Nếu chúng ta nghiêm trị những người sai phạm và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đấu tranh chống tham nhũng thì các nhà tài trợ sẽ yên lòng và tiếp tục tài trợ cho chúng ta.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã quyết định cử đoàn thanh tra sang Việt Nam, vậy họ sẽ có những hoạt động nào đáng chú ý, thưa ông?

Chúng tôi vừa nhận được thông tin là họ cử các chuyên viên sang xem xét lại một số dự án và Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ. Họ chưa có đề nghị cụ thể nhưng cuối tuần này sẽ có những cuộc gặp gỡ để trao đổi.

Nhìn chung, chúng ta sẽ tích cực hợp tác với họ để cùng tìm hiểu xem có những điểm nào còn thiếu sót để khắc phục, đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng.

Hữu Khôi ghi

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.