Trước nguy cơ đàn vịt ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm H5N1:

Người chăn nuôi “đứng ngồi không yên”

Người chăn nuôi “đứng ngồi không yên”
Việc Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ công bố kết quả xét nghiệm 80% trên 3065 mẫu huyết thanh từ đàn vịt tại TP Cần Thơ bị dương tính với H5N1 đang làm người dân nuôi vịt ở ĐBSCL đứng ngồi không yên. Tiêu huỷ sẽ rơi vào cảnh trắng tay, mà giữ lại thì sợ.

Trước tiên bởi số lượng vịt ở ĐBSCL rất lớn, mỗi tỉnh có trên dưới 2 triệu con, hầu hết nuôi chạy đồng. Nhiều gia đình nuôi vịt lâu đời, cha truyền con nối thành nghề truyền thống, bên cạnh là các gia đình nghèo mà cuộc sống dựa chủ yếu vào đàn vịt. Khi tỷ lệ vịt nhiễm vi rút cúm H5N1 được phát hiện ngày càng cao thì người nuôi vịt càng hoang mang. Bởi từ Tết Nguyên đán, vịt đàn đã lăn ra chết rải rác khắp các cánh đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ lò vịt giống Long Đỉnh (Phú Tân, An Giang) vừa nuôi vịt đàn vừa sản xuất vịt giống vào cỡ lớn ở ĐBSCL, những năm trước thường xuyên nuôi 20.000 con vịt, năm nay chỉ nuôi  5.000 con cầm cự để chờ ngày được ấp giống trở lại. Hiện gia đình bà phải chi phí mỗi ngày mấy triệu đồng, bán vịt thịt thì khó người mua mà tiêu huỷ chỉ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng. Không cầm cự được thì cũng coi như mất nghề truyền thống.

Anh Bảy Sen ở xã Tân Hoà (Phú Tân, An Giang) nuôi vịt đàn cha truyền con nối đã hơn 50 năm. Anh đầu tư 140 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi và ấp trứng khép kín: 2.500 con vịt đẻ quây trong gần 3 công đất có 2 ao rộng 1.000 m2 cho vịt tắm. Từ khi không được ấp vịt giống đến nay mỗi ngày anh lỗ 700.000 đồng. Bảy Sen đang lo đàn vịt “ăn” hết 10 công ruộng rồi lăn ra chết thì gia đình anh trắng tay.

Ông Hai Tạo ở xã Mỹ Phước (Mỹ Tú, Sóc Trăng) cũng lâu năm trong nghề nuôi vịt, vượt qua khó khăn năm ngoái, nay vốn liếng cuối cùng dồn vào 500 con vịt đẻ, từ khi cấm ấp giống thì giá trứng vịt rớt liên tục. Vịt không được chạy đồng nên đẻ cũng ít. Ông nói như khóc: “Ôm đàn vịt này mà mua thức ăn thì lỗ to rồi”.

Chung cảnh ngộ như ông Hai Tạo là anh nông dân trẻ Nguyễn Văn Hoà ở xã Thuận Hoà nuôi 300 con vịt đẻ. Khi cấm cho vịt chạy đồng thì anh chỉ cho vịt loanh quanh trong xã rồi trong mảnh ruộng 6 công của nhà. Anh than thở: “Giá lúa hiện nay mà mua cho vịt ăn thì chơi sang quá, tôi không dám. Cũng muốn bán đàn vịt nhưng không có người mua bởi người ta nghi vịt mình bị bệnh”.

Ông Hai Thiệt ở xã Hoà Lộc (Long Hồ, Vĩnh Long) nhìn đàn vịt buồn so đang phải nhốt trong vuông đất chật hẹp, giọng rầu rĩ: “Vịt mà nuôi nhốt như vậy nếu chúng không bị bệnh thì tui cùng... bệnh. Mà cả nhà tôi lại sống nhờ vào đàn vịt”.

Nhiều người nuôi vịt không có đất làm nhà ở, lấy đâu ra đất nhốt vịt? Bao năm họ sống theo đàn vịt chạy đồng, nhà là những chòi lá cắm tạm trên bờ ruộng “rách như lều nuôi vịt”. ở Vĩnh Long có anh bộ đội phục viên không tấc đất cắm dùi, được một đồng đội cũ cho mượn bằng khoán đất vay ngân hàng 50 triệu đồng để gây dựng cơ nghiệp với đàn vịt 1.500 con. Bây giờ vợ chồng anh đang như người thất thần. Anh nói: “Muốn tiêu huỷ đàn vịt cũng không có đất chôn”.

Băn khoăn lớn nhất của người nuôi vịt ở ĐBSCL hiện nay là: Tình hình nhiễm bệnh của đàn vịt hiện nguy hiểm ở mức độ nào, có phải tiêu huỷ cả đàn vịt không? Nếu không phải tiêu huỷ thì sau ngày 30/6/2005 đã được ấp vịt giống trở lại chưa? Được thì có thể cầm cự để duy trì nghề nghiệp còn không phải dứt khoát chuyển nghề từ bây giờ, không kéo dài thêm thiệt hại. Nguyện vọng chính đáng của người nuôi vịt rất cần được các cấp, các ngành có trách nhiệm lắng nghe và đáp ứng kịp thời. 

MỚI - NÓNG