Người đưa đồ sứ Việt lên đỉnh cao

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Giáo hoàng Bendict XVI bình hoa sứ Minh Long.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Giáo hoàng Bendict XVI bình hoa sứ Minh Long.
TP - “Ðồ sứ là niềm đam mê trọn đời tôi”, ông Lý Ngọc Minh - Chủ nhân hãng sứ nổi tiếng Minh Long I (Bình Dương) chia sẻ. Giữa hanh hao nắng Thu, người đàn ông sinh ra trong gia tộc có 3 đời làm gốm sứ lần giở lại ký ức.

Sản phẩm mang tên Minh Long I được khắp nơi biết đến và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước, đem về doanh thu hàng chục triệu đô-la mỗi năm. Hệ thống các nhà hàng, khách sạn cao cấp thường chọn sản phẩm sứ Minh Long I để tăng lên sự sang trọng, hiệu quả và Saigontourist là một ví dụ. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng sử dụng bộ bàn ăn sứ Minh Long I để phục vụ khách hạng thương gia đi trên tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế.

Không chỉ có chất lượng và giá trị sử dụng, sứ Minh Long I còn có giá trị cao về nghệ thuật. Những hoa văn, tạo hình trên sản phẩm, từ rồng phượng nơi cung đình đến phong cảnh nước non, cỏ cây hoa lá, cảnh sinh hoạt đời thường đều thấm đẫm văn hóa, hồn Việt. Ðó cũng chính là sức hút lớn và là lý do để sản phẩm sứ Minh Long I được chọn làm quà tặng của các quốc khách khi đến thăm Việt Nam và là một phần trong hành trang những chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia.  

Cuối năm 2009, khi đến thăm Tòa thánh Vatican, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trân trọng giới thiệu và tặng Giáo hoàng Benedict XVI sản phẩm được kết tinh từ đất và trí tuệ Việt Nam: Bình hoa sứ do Minh Long I chế tác. Nhiều sản phẩm độc đáo khác của Minh Long I như bộ ấm trà “Hồn Việt”, “Chén Ngọc Thăng Long”… cũng đã được chọn làm quà tặng các quốc khách trong những sự kiện trọng đại của quốc gia.

Sứ Minh Long I cũng là một thương hiệu Việt hiếm hoi được bước vào triển lãm dành cho những sản phẩm siêu sang, với tên gọi: Salon Deluxe Vietnam. Ðược mệnh danh là “Triển lãm Triệu phú”, Salon Deluxe Vietnam quy tụ các thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm đắt giá nhất thế giới.

Người đưa đồ sứ Việt lên đỉnh cao ảnh 1

Ông Lý Ngọc Minh giới thiệu sản phẩm Minh Long I tại Salon Deluxe Vietnam.

Con đường của sự đam mê 

Ông Lý Ngọc  Minh kể: “Từ năm lên 12-13 tuổi, tôi đã nhận ra đồ sứ của quê mình còn quá thô kệch so với Trung Quốc, Nhật Bản….Tôi âm thầm nuôi ý tưởng sẽ làm cuộc cách mạng thay đổi vị trí của gốm sứ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải nghỉ học sớm và mày mò thí nghiệm tìm men màu để làm gốm sứ. Những khó khăn trong thực tế vượt xa sự tưởng tượng của mình. Muốn làm được các sản phẩm gốm sứ cao cấp đòi hỏi phải có kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại. Ðiều đó lại nằm ngoài khả năng của tôi và gia đình. Một thời, gia đình tôi phải chia tay với nghề gốm sứ để trở thành người nông dân thực thụ. Nhưng những vụ mùa bội thu không làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nghề và trong tôi luôn nung nấu ý chí về một cuộc cách mạng gốm sứ”.

Năm 1970, ông và một người bạn cùng nhau thành lập Công ty gốm sứ Minh Long với 170 công nhân. Mười năm sau, công ty tách đôi và ông Lý Ngọc Minh làm chủ Công ty Minh Long I. Năm 1995, khi chuẩn bị cho việc sản xuất đồ sứ với bộ bàn ăn cao cấp, ông Lý Ngọc Minh bước vào cuộc tìm kiếm hình hài, vóc dáng và đặc trưng của sản phẩm. Ông rong ruổi đến những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu để tìm “chiếc chìa khóa” mở cánh cửa cho sản phẩm của mình. Sau 5 năm kiếm tìm, ông nắm được kỹ thuật, công nghệ làm sứ hiện đại. “Tưởng đã quá đủ, vậy mà tôi vẫn thấy thiếu. Những nơi tôi đã đi qua và công nghệ hiện đại chưa giúp tôi có được những sản phẩm mang phong cách riêng, tính nghệ thuật cao và đậm đà bản sắc Việt Nam. Tôi băn khoăn, day dứt mãi… Bỗng một hôm về quê, tôi nhìn thấy cái lu chứa nước. Cái lu mái vú mà thuở bé ngày nào tôi cũng gánh sáu đôi nước để đổ cho đầy. Nó đơn sơ mộc mạc nhưng rất duyên, lại gần gũi. Nó là đặc trưng của đồ gốm Bình Dương, trên hết nó rất Nam bộ. Tôi chụp chiếc nón lá lên miệng lu thấy nó đầy gợi cảm và rất Việt Nam. Từ đó, tôi bắt tay vào sáng tạo và đã cho ra đời hàng loạt những dòng sản phẩm dựa trên nền tảng của cái lu mái vú”.

Ông chủ họ Lý ví chuyện làm ăn cũng có lúc thăng, lúc trầm và quanh co, như chính đoạn đường đời mình đã đi qua. Nhưng ông luôn tâm niệm phải bình tĩnh để vượt qua, theo cách chậm mà chắc.

Ông đã đầu tư không ít thời gian, công sức tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những bộ sản phẩm “kinh điển”, được nhiều người ưa chuộng như ngày nay. Riêng với bộ bình trà Sơn Hà, Cẩm Tú - những dòng sản phẩm cao cấp đầu tiên - phải mất 5 năm tìm được ý tưởng và 3 năm tìm cách thể hiện. 

Ông kể: “Ðể biểu thị niềm tự hào con rồng cháu tiên của Việt Nam, tôi mạnh dạn cho vẽ một con rồng hơi khác từ trước đến giờ: đầu và mình rồng, cánh phượng, phần đuôi là những cánh sen. Tôi đã mời giáo sư Trần Quốc Vượng và Cao Xuân Phổ vào thỉnh ý, rồi ra tận Hà Nội đến nơi khai quật hoàng thành Thăng Long để tìm hiểu, nghiên cứu sau đó mới hoàn thiện hình ảnh con rồng”. 

Người đưa đồ sứ Việt lên đỉnh cao ảnh 2

Ông Lý Ngọc Minh.

Ý tưởng đã xong, nhưng ông vẫn chưa biết làm cách nào để thể hiện trên sản phẩm. Màu đỏ (của bộ Sơn Hà) vốn đã khó làm lại càng thêm khó khi nung ở nhiệt độ 1.250 độ C chìm dưới men và thêm cẩn vàng. Còn kỹ thuật làm sứ màu xanh da trời (bộ Cẩm Tú) trên thế giới đã bị mai một. Hiện có một hãng sứ nổi tiếng của Ðức làm được nhưng chỉ đạt 60-70%. 

“Khi bắt tay vào việc này, tôi nghĩ mình làm được 50-60% là đủ. Nhưng suốt gần 2 năm tôi không tìm thấy bóng dáng của nó. Sang đến năm thứ ba, trong lúc muốn bỏ cuộc vì chán nản, thì một hôm tôi bỗng tìm ra. Chẳng những làm được mà còn đẹp hơn dự kiến rất nhiều. Tôi reo lên trong sự sung sướng…” - ông nói khóe mắt rưng rưng.

Ông xác định, Minh Long I là công ty gia đình và ông xem doanh nghiệp như đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Doanh nghiệp này đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Con trai trưởng của ông, Lý Huy Sáng là người được xác định sẽ thay cha điều hành công ty trong tương lai không xa. Không chỉ tiếp nối cơ nghiệp, anh còn tiếp nối cả cha mình ở cách thức tiến về phía trước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.