Người phụ nữ đưa củ gừng Tây Nguyên vượt đại dương

Người phụ nữ đưa củ gừng Tây Nguyên vượt đại dương
TP - Từ một nông dân nghèo, chỉ học hết lớp 4, chị đã trở thành bà chủ, người đầu tiên ở cực bắc Tây Nguyên đưa củ gừng sang Nhật Bản, Mỹ…
Người phụ nữ đưa củ gừng Tây Nguyên vượt đại dương ảnh 1
Chị Lê Thị Thanh Lan và sản phẩm gừng chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ

Lấy chồng, một nách 3 con nhỏ, nhà chỉ có vài sào ruộng làm không đủ ăn, chị Lê Thị Thanh Lan (tổ dân phố 4, phường Nguyễn Trãi,TX Kon Tum), với chiếc xe đạp cà tàng, cọc cạch rong ruổi khắp phố chợ Kon Tum buôn thúng, bán mẹt kiếm lãi ngày 10 -15 ngàn đồng đong gạo nuôi con.

Thời gian rảnh, chị trồng thêm vài sào gừng, bán hết gừng nhà, chị đi mua thêm gừng của bà con nông dân trong khu vực.

Lợi dụng khi có xe tải đến chở hàng tại nhà, chị theo xe xuống TP HCM để tìm hiểu nơi tiêu thụ và thị trường, một mình đi khắp nơi để tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Điều không ngờ là gừng của chị đưa đi giới thiệu đến đâu, liền được các đối tác chấp nhận ngay, có bao nhiêu gừng đều tiêu thụ hết đến đó.

Bước ngoặt lớn nhất là vào năm 1995, có một vị khách người Nhật Bản tên Kawakami, khi thấy gừng của chị xuất hiện tại thị trường TP HCM, đích thân ông tìm đến nhà chị Lan, đi thăm thú các vùng trồng, kiểm tra chất lượng gừng. Khi về ông mang theo hơn 300 kg để nghiên cứu.

Thời gian bẵng đi hơn 2 năm không thấy tăm hơi gì, bỗng nhiên ông Kawakami trở lại Tây Nguyên và tìm đến nhà chị. Kể từ đây, chị trở thành bạn hàng tin cậy của ông khách ngoại quốc, hàng ngàn tấn gừng của chị Lan vượt đại dương để chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản.

Ông Kawakami nhiều lần đề nghị chị Lan nên mở Cty riêng, ông lo toàn bộ vốn liếng... rồi sẽ thoả thuận cho chị làm Giám đốc Cty, với điều kiện là sẽ xuất khẩu trực tiếp gừng từ Kon Tum, phí tổn vận chuyển, thủ tục để đưa hàng từ Tây Nguyên về Nhật ông chịu hết!

Nhưng chị Lan vẫn chưa “ưng bụng”, chị bảo: “Mình không muốn làm rùm beng!”, hàng ngày chị vẫn theo chiếc xe tải, rong ruổi khắp các buôn làng Tây Nguyên để thu mua gừng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Tháng 2/2006, có người gọi từ Mỹ về và đề nghị chị Lan chuẩn bị 500 tấn gừng để xuất sang thị trường Mỹ. Tháng Ba này, chị được tiếp đón 2 khách hàng khác đến từ Mỹ, họ yêu cầu mua gừng già. Chị lại đi khắp nơi gom đủ 2 công-ten-nơ (hơn 40 tấn).

“Bà đỡ” cho bệnh nhân nghèo

Vào thời điểm chính vụ, chị phải thuê từ 450-500 nhân công khắp trong làng, ngoài xã, công cán trả sòng phẳng. Chúng tôi có dịp đến khu sơ chế, hệ thống kho tàng thấy hàng trăm thùng gừng ngổn ngang đang chuẩn bị xuất khẩu.

Vừa tổ chức đi thu mua, vừa mở rộng diện tích trồng gừng của gia đình, chị Lan còn đi khắp các buôn làng gần xa trong tỉnh, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng gừng, chị bỏ vốn đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Được sự giúp đỡ của chị nhiều hộ gia đình đã bỏ các loại cây trồng khác để trồng gừng và cho thu nhập khá ổn định. Hiện nay chị đang đầu tư trồng hơn 20 ha mía cho Nhà máy đường Kon Tum khoảng 600 triệu đồng.

Ngoài giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong vùng, chị Lan luôn giúp đỡ người nghèo. Lúc rảnh, chị lại đến với các bệnh nhân ở Trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TX Kon Tum), tâm tư tình cảm với họ, ai khó khăn cần giúp đỡ chị giúp liền.

Đến nay, hơn 60 hộ gia đình trong trại đều là người dân tộc thiểu số Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… được chị giúp đỡ từ 1-2 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, không ít trong số đó nhờ chị mà thoát cảnh đói nghèo.

MỚI - NÓNG