Nhà chậm tiến độ, cắt lỗ hàng tỷ đồng không ai mua

Nhà chậm tiến độ, cắt lỗ hàng tỷ đồng không ai mua
Mua nhiều căn hộ từ khi giá cao, nay dự án thi công ì ạch, nhiều nhà đầu tư đang chật vật rao bán, thậm chí chấp nhận lỗ một phần ba để thu hồi vốn.

Giữa năm 2011, anh Lâm chi hơn 3 tỷ đồng để nộp tiền mua 2 căn hộ tại dự án trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông) nhằm đầu tư kiếm lời khi thị trường tăng giá. Đến nay, số tiền phải nộp cho chủ đầu tư đã lên tới khoảng 6 tỷ đồng. Thời điểm đó, giá mỗi m2 vào khoảng 1.300-1.400 USD (khoảng 28 triệu đồng thời điểm đó), chưa kể khoản 'chênh' 100 triệu đồng một căn. Dự án được khởi công vào năm 2009 và theo kế hoạch sẽ bàn giao vào năm 2012-2013.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, thị trường đi xuống, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên dự án đắp chiếu và trải qua giai đoạn khiếu kiện kéo dài. Sau nhiều lần gia hạn, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. 

Mệt mỏi vì phải chờ đợi kéo dài trong khi cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên anh Lâm quyết định rao bán 2 căn hộ với giá 17 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, hơn một năm nay vừa đăng tin trên mạng, vừa gửi môi giới các sàn nhưng 2 căn hộ của anh vẫn chẳng có ai hỏi mua. 

"Kể cả có giao dịch thành công thì số tiền thu về cũng bị lỗ một phần ba", anh Lâm cho biết.

Theo nhà đầu tư này, một trong những nguyên nhân khiến căn hộ của anh không giao dịch được là vì dự án bị chậm tiến độ và mang tiếng xấu trong suốt mấy năm gần đây. Anh cho biết hiện đã nộp 100% tiền nhưng không biết khi nào mới được nhận nhà sau nhiều lần hứa hẹn, gia hạn của chủ đầu tư. Theo nhà đầu tư này, anh vẫn còn may mắn hơn khi mua căn hộ ở tòa nhà sắp vào giai đoạn hoàn thiện. "Nhiều người mua ở những tòa chưa triển khai thì khả năng thu hồi vốn còn mờ mịt hơn vì hiện nay chủ đầu tư đã gần như kiệt sức", anh Lâm nhận định. 

Cùng chung cảnh ngộ, năm 2012, anh Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ tiền đầu tư 3 căn hộ tại dự án ở Long Biên. Thời điểm đó, anh mua dự án với giá khoảng 28 triệu đồng một m2 và định sau này lên giá sẽ bán. Tuy nhiên, sau đó thị trường đi xuống, phân khúc căn hộ cao cấp thanh khoản gần như "đóng băng" nên anh Bình không bán được. Có thời điểm cần tiền, anh rao bán cắt lỗ còn 22 triệu đồng một m2 nhưng không giao dịch được.

Anh kỳ vọng sau khi dự án bàn giao có thể dễ bán hơn. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ hơn nửa năm so với hợp đồng. Hơn nữa, hiện dự án đang được thi công cầm chừng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Theo anh Bình, tính đến nay, cả 3 căn hộ anh chịu lỗ khoảng một tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giờ có người mua, anh sẵn sàng bán để thu hồi vốn.

"Giờ có chờ đợi cũng không biết khi nào mới được nhận nhà vì chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, khách hàng, ngân hàng và chủ đầu tư đã phải họp bàn để tìm phương án tài chính mới cho dự án nhưng vẫn bế tắc", anh Bình cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc sàn bất động sản Vinh Phúc (Hà Đông) cho biết, hiện đơn vị đang có trong tay danh sách khoảng 30 căn hộ nằm trong các dự án thuộc dạng "đắp chiếu" của các nhà đầu tư gửi bán. Tuy mức giá rao bán đã lỗ thậm chí đến một nửa vốn đầu tư trước đây, nhưng vẫn không có khả năng giao dịch được.

"Người mua nhà để ở hoặc đầu tư hiện nay đều rất cẩn trọng trong việc chọn lựa dự án để mua. Hơn nữa, bản thân đơn vị môi giới cũng không muốn giới thiệu những dự án này cho khách vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của sàn mặc dù bên bán sẵn sàng chi mức phí cao", ông Trường nói.   

Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh miền Bắc cho biết tiến độ và tính pháp lý của dự án là một trong hai yếu tố được khách hàng quan tâm đầu tiên khi xem xét mua căn hộ để ở hoặc đầu tư. Do đó, bản thân các sàn cũng rất cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm để bán.   

Theo Ngọc Tuyên

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.