Nhà máy dứa Kỳ Anh “thoi thóp” đến bao giờ?

Nhà máy dứa Kỳ Anh “thoi thóp” đến bao giờ?
Nhà máy dứa Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang "thoi thóp" khi mỗi năm chỉ hoạt động 2 tháng, 10 tháng còn lại đắp chiếu nằm không, người làm dứa phá bỏ vườn lấy đất trồng cây khác...
Nhà máy dứa Kỳ Anh “thoi thóp” đến bao giờ? ảnh 1
Nhà máy dứa một năm mười tháng bỏ hoang

Giữa năm 2002, ông Bùi Xuân Dương từ Sở NN - PTNT Hà Tĩnh được điều về làm Giám đốc nhà máy dứa Kỳ Anh khi hai vị tiền nhiệm để lại món nợ 13 tỷ đồng vốn sản xuất và 7 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản.

Hồi ấy tôi hỏi: “Nhà máy hoạt động thế nào?”, “Đang thở oxy!”, kỹ sư Dương trả lời và nói tiếp: Hãy cho tôi vay 18 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm là tôi sẽ chứng minh được nhà máy dứa tồn tại hay không tồn tại. Ba năm sau tôi trở lại, nhà máy vẫn thoi thóp…

Một dự án say thành tích hay để “xoay” tiền ?

Đầu năm 2000, “Cty rau quả Hà Tĩnh” là cái tên mới được tạo ra từ một đơn vị có tên cũ là Lâm trường Kỳ Anh, nơi chuyên khai thác gỗ tự nhiên và có tham gia trồng rừng. Cty này lập nên một dự án trồng dứa với lời lẽ trên mây xanh.

 Xin trích nguyên văn một đoạn: “Kỳ Anh - Hà Tĩnh hiện còn 24.429 ha đất chưa sử dụng, với 31.710 lao động đến nay 50% chưa có việc làm. Với bản quy hoạch vùng dứa nguyên liệu đã được phê duyệt cho thấy đủ khả năng cung cấp 30.000 tấn sản phẩm/ năm. (Nghĩa là 50.000 tấn nguyên liệu).

Trong diện tích quy hoạch 10.000 ha đất trồng dứa thì Công ty rau quả Hà Tĩnh đang quản lý 1.500 ha. Khả năng cho thấy việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy là hoàn toàn bảo đảm vững chắc miễn là có đầu tư thỏa đáng...”.

Năm 1997, tại Kỳ Anh đã thành lập trại giống trồng thực nghiệm khoảng vài trăm ha dứa CAYENE được tuyên truyền rất rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2001, Cty báo cáo đã trồng được 280 ha với năng suất bình quân 50 tấn/ha. Thông tin này đã được một tờ báo chuyên ngành TW đăng tải: “Vụ dứa đầu tiên ở Kỳ Anh đạt 14.000 tấn quả”... Với những người thông thạo địa bàn,  thì thông tin đó thật khó tin.

Thực ra, con số 280 ha dứa trồng thực nghiệm với năng suất 50 tấn bình quân để ra con số 14.000 tấn đấy chỉ là việc báo cáo thành tích trên giấy để thanh quyết toán tiền đầu tư.

Điều đáng buồn, nhà máy sản xuất chế biến dứa đóng hộp ở Đồng Giao bị thải loại, công nghệ lạc hậu nhưng Hà Tĩnh đã rước về. Khuôn máy này chỉ phù hợp với những loại quả tầm trung bình trở xuống. Loại quả to từ 1,2 kg trở lên đưa vào máy bị gọt bỏ chỉ còn phần lõi.

Nhà máy dứa Kỳ Anh “thoi thóp” đến bao giờ? ảnh 2
Dứa tốt người trồng vẫn buồn

Nhà máy không chấp nhận mua quả to, khiến những gia đình có hàng tấn dứa chất lượng tốt bị loại ra họ đành mang về ăn và bán không hết phải đem đổ. Nhiều gia đình làm dứa chán nản phá bỏ vườn, phải mang một khối nợ khá lớn. Kế hoạch đề ra là 10.000 ha nhưng sự thật năm cao nhất chỉ có 400 ha rồi tụt dần xuống 300 ha, 200 ha, 100 ha. Do cung cách làm ăn như vậy, nay hầu hết những người làm dứa đều phá bỏ lấy đất trồng cây khác.

Nhà máy dứa đi theo vết xe đổ “2D” ...!

Ba năm đã trôi qua khoản học phí cần tăng thêm 18 tỷ không thành hiện thực. Chẳng ngân hàng nào dám bỏ tiền vào lỗ hổng ấy. Ông Giám đốc ra Bắc vào Nam tìm “thuốc” chạy chữa nhưng nhà máy cũng chỉ “thoi thóp thở” được đến bây giờ.

Hướng sắp tới của Giám đốc Dương là duy trì khoảng hơn trăm hecta nguyên liệu của anh em công nhân và vận động nhân dân trồng thêm để mỗi năm có ba trăm tấn dứa quả cộng với việc mở rộng phạm vi hợp tác với dân Quảng Bình trồng khoảng 20 ha ngô và dưa chuột rồi về Hương Sơn đặt hàng dăm chục hecta ngô bao tử,  gắng gỏi chờ hết năm 2005 sẽ cổ phần hoá.

Ở Kỳ Anh dù trồng giống dứa gì cũng chỉ cho quả một đợt vào hai tháng mùa hè.  Dẫu có trồng đủ 10.000 ha đạt sản lượng 1 triệu tấn nguyên liệu đưa về trong khoảng thời gian 60 ngày nhà máy không sản xuất hết là phải bỏ đi. Làm kinh tế không ai chỉ hoạt động 2 tháng còn 10 tháng đắp chiếu nằm không mà nói là có hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh những năm trước đây chương trình “2D” đã thất bại. Hàng tỷ đồng đã đổ vào trồng hàng trăm ha Dâu nuôi tằm nhưng thất bại. Trồng hàng trăm ha Cọ Dầu không có hiệu quả khiến người dân phải dãi dầu mưa nắng đào bỏ đi để trồng cây khác. Nhà nước và nhân dân thất bại còn những cá nhân góp công lập ra nhà máy thì vẫn “thắng lợi”.

Anh Dương cho biết: Trong 4 nhà máy dứa ở miền Trung do Tổng Cty rau quả Việt Nam quản lý thì 3 cơ sở ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã “tắc tử” do thiếu nguyên liệu, chỉ còn nhà máy dứa ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh đang thoi thóp “thở oxy”. Tổng Cty rau quả sẽ tính thế nào đây? Lẽ nào để nỗi khổ này cứ đeo đẳng mãi những người công nhân ở miền quê đang nghèo đói. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.