Nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp đến Việt Nam

Nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp đến Việt Nam
TP - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”. Hội thảo có hơn 200 đại biểu tham dự và thu hút nhiều tên tuổi diễn giả quốc tế và trên 20 bài tham luận của các bộ, các chuyên gia của Việt Nam…

Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,  Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đưa Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình,  đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề và gợi mở làm thế nào để nhận diện cuộc CMCN lần thứ 4 và muốn mổ xẻ tác động của cuộc CMCN đến Việt Nam ra sao?

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc CMCN lần thứ tư, cần thúc đẩy chính sách tạo ra những “vườn ươm công nghệ”, khuyến khích khởi nghiệp; thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia vào cuộc cách mạng này.

 TS Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) thì khẳng định: Công nghệ cao đồng nghĩa với rủi ro và an ninh mạng cao hơn bao giờ hết và có thể nói giờ đây, trong thế giới kết nối như hiện nay, không có từ tuyệt đối an toàn cho hoạt động của mọi tổ chức doanh nghiệp, nhất là ngân hàng
thương mại.

Ở vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Tô Hoài Nam đã đặt doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vào cuộc CMCN lần thứ tư với những thách thức, từ đó đề cập tới việc phải khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm như: hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản phẩm mới, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị doanh nghiệp hiện đại...

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.