Nhân tài ở xứ cà phê

Chuyên gia cơ khí người Mỹ tìm hiểu công nghệ của cơ khí Ðăng Phong.
Chuyên gia cơ khí người Mỹ tìm hiểu công nghệ của cơ khí Ðăng Phong.
TP - Ai cũng biết danh tiếng cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng ít người biết góp phần không nhỏ cho ngành cà phê Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ đô la, có công sức và tài nghệ sáng tạo, chế tác đủ các loại máy móc chất lượng cao, giá thành rẻ, phục vụ đắc lực cho cả nông dân lẫn thương gia của đội ngũ những người chuyên nghề cơ khí định cư trên cao nguyên này.

Hội Cơ khí Ðắk Lắk được thành lập năm 2008 nhưng phải tới năm 2014, khi Ðắk Lắk tổ chức Hội chợ triển lãm hàng Công nghiệp lần thứ I vào “tháng Ba mùa con ong đi lấy mật”, thì đông đảo quan khách xa gần mới tận mắt thấy ngành cơ khí bản địa đã sản xuất được rất nhiều loại máy cho các ngành nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, xây dựng... với chất lượng, kiểu dáng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong - ngoài tỉnh.

Tới nay, nhiều xưởng cơ khí trên địa bàn tỉnh đã đầu tư được thiết bị và công nghệ hiện đại, điều khiển tự động, bán tự động, sản xuất được các linh kiện, chi tiết đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu suất công việc, tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp... như ứng dụng công nghệ lò trung tần trong công đoạn nấu luyện gang để sản xuất các sản phẩm gang đúc của công ty TNHH SX&DV Ðắc Hải. Trong 4 đơn vị được công nhận là doanh nghiệp khoa học và kỹ thuật của tỉnh, thì đã có 3 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí, là công ty TNHH cơ khí Viết Hiền, công ty TNHH SX-DV-XNK Ðăng Phong và công ty TNHH cơ khí Xuân Hòa.

Một trong những nhân tài của ngành cơ khí Ðắk Lắk, là kỹ sư Nguyễn Ðăng Phong, tác giả các loại “bơm chìm Ðăng Phong” giá rẻ gấp nhiều lần so với máy ngoại nhập, rất bền, bán ra nhiều tỉnh thành và xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Ngoài ra, Ðăng Phong còn sản xuất bồn nước inox, máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy gặt đập liên hợp, hệ thống máy làm đất, thuyền thúng phao cho các khu du lịch và ngư dân. Nhiều đoàn doanh nhân Séc, Mỹ, Nhật, Hàn đã đến công ty TNHH SX-DV-XNK Ðăng Phong tham quan công nghệ, tìm hiểu khả năng liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

Nhân tài ở xứ cà phê ảnh 1

Photo: ..

Nhân tài ở xứ cà phê ảnh 2

Một góc xưởng cơ khí Đăng Phong

Chiều ngày 22/9 tại xưởng cơ khí Ðăng Phong giòn giã tiếng máy trong khu công nghiệp Tân An, ngoại thành Buôn Ma Thuột, phóng viên trò chuyện với công nhân nhà máy là những thanh niên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Các bạn trẻ Y Nem Êban, Y Toái Mlô, Y Thu Niê vui vẻ kể với mức lương ổn định năm, bảy triệu một tháng, được hưởng đầy đủ các chế độ chăm sóc đãi ngộ, công ty còn cho nghỉ hè, nghỉ tết, vui chơi du lịch hàng năm nên hàng trăm công nhân đều muốn được gắn bó dài lâu với nơi này.

Kho báu sau... nghĩa trang

Tôi từng tưởng mình không... sợ ma, cho tới khi vòng vèo chạy xe lạc quanh khu nghĩa trang km5 lô xô mồ mả, trong một chiều vần vũ mây dông để tìm xưởng cơ khí Viết Hiền. Ðón tôi, là trung niên có mái đầu bạc và nụ cười thân thiện rộng mở - “quái kiệt làng cơ khí Ðắk Lắk” Lê Viết Vinh.

Anh Vinh cho biết, giàn máy tương tự, công suất tương đương, chế tạo tại Thụy Sĩ giá 360.000 Euro. Còn ở đây, chỉ khoảng 25.000 USD!

Khó tưởng tượng nổi từ vuông nhà xưởng 4.000m2 đơn sơ heo hút này, rất nhiều loại máy sấy, máy xay bóc vỏ cà phê, máy sàng phân loại, máy sàng trọng lượng, máy đánh bóng, máy thổi hạt cà phê vào container, thiết bị gàu tải băng chuyền chất lượng cao đã được chế tạo. Rẻ nhất là chiếc máy xay tách vỏ cà phê tươi, giá 500 USD/chiếc, xuất bán sang Australia. Ðắt nhất là máy đánh bóng cà phê, giá 600 triệu đồng, nặng 2 tấn, bán cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, tập đoàn FDI, sang Indonesia, sang Lào. 

Ðiều đặc biệt, cả anh Lê Viết Vinh nói tiếng Anh “như gió”, và em trai anh - Lê Viết Hiền đều chưa từng cầm tấm bằng đại học nào, nhưng kỹ năng cơ khí và tự động hóa của 2 anh được hầu hết đồng nghiệp tôn lên hàng bậc thầy. Lớn lên giữa bát ngát cà phê là nguồn cội khiến trên website của công ty, anh em nhà Lê Viết không chỉ tự tin giới thiệu về đủ các loại máy móc tinh xảo “nhà làm” phục vụ công nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu ra toàn cầu, mà còn có những bài hướng dẫn tỉ mỉ giúp nông dân biết cách xây lò đốt cho máy sấy sử dụng được lâu bền mà rẻ, cách tự lắp thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời...

Trang web đầy sáng tạo, tâm huyết và gần gũi với nhà nông của đôi nhân tài vùng sâu này bất ngờ rơi vào cặp mắt xanh UNIDO- Ủy ban khoa học kỹ thuật của Liên hiệp quốc, nơi vận động các nguồn lực công nghệ của nước giàu cho nước nghèo. Nhóm chuyên gia đã tìm đến tận xưởng cơ khí của anh em Lê Viết, xem xét chất lượng các sản phẩm công ty làm ra trong suốt 1 năm rưỡi, rồi mới quyết định tài trợ 2 anh sang Thụy Sĩ học chuyển giao công nghệ máy đốt nhiệt phân.

Nhân tài ở xứ cà phê ảnh 3

Buổi học cơ khí lý thú của anh em nhà Viết Vinh-Viết Hiền tại Thụy Sĩ.

Khóa đào tạo 10 ngày diễn ra tại Oko Zentrum (Trung tâm nghiên cứu Sinh thái - Thụy Sĩ) được giảng dạy bởi những chuyên gia năng lượng hàng đầu như nữ tiến sĩ Hacker, tiến sĩ Martin Schmid giám đốc Trung tâm, cố vấn về năng lượng và sinh thái cho Chính phủ Thụy Sĩ. Mục tiêu của Oko Zentrum là nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có lợi cho môi trường, rồi chuyển giao cho những nhà sản xuất có khả năng chế tạo với giá rẻ nhất. Sản phẩm đầu tay của 2 anh em sau chuyến đi, là hệ thống máy sấy nhiệt phân mà anh Vinh đưa tôi đi xem. Nhiên liệu vỏ quả cà phê đốt nóng lên tới 1.2000C trong tâm lò đốt đưa ra hòa trộn với khí sạch, chỉ sau 14 giờ đủ sấy khô 4 tấn cà phê quả tươi, không ô nhiễm môi trường, lại cho ra 2 loại phụ phẩm quý là than sinh học và “dấm gỗ”- một nguyên liệu để bào chế thuốc trừ sâu sinh học, không mùi, vô hại. Anh Vinh cho biết, giàn máy tương tự, công suất tương đương, chế tạo tại Thụy Sĩ giá 360.000 Euro. Còn ở đây, chỉ khoảng 25.000 USD! 

Chị Nguyễn Thị Huệ giám đốc công ty TNHH cơ khí Viết Hiền, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, vợ anh Lê Viết Hiền đang chuẩn bị sang Nhật dự một khóa học về kỹ năng lãnh đạo xung phong lái xe chạy trước, dẫn đường cho tôi khỏi lạc lối. Ðường về vẫn băng qua nghĩa trang nhấp nhô bia mộ, mà tôi bỗng thấy niềm vui dâng trào.

Ông Nguyễn Hải Ninh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhận xét: Điều đáng ghi nhận, là đội ngũ các nhà cơ khí trên địa bàn tỉnh rất dồi dào năng lực sáng tạo, năng động, tiếp cận nhanh chóng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo được nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực cho sinh hoạt của người dân, thúc đẩy kinh tế và sản xuất kinh doanh của địa phương phát triển, đủ uy tín để xuất khẩu. Tỉnh đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Hội Cơ khí tiếp cận thị trường, đưa hàng về vùng sâu vùng xa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm nguồn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.