Những “chiếc bẫy” tín dụng đen

Những “chiếc bẫy” tín dụng đen
TP - “Giải chấp, thế chấp, vay vốn, đáo hạn ngân hàng... nhanh chóng, đơn giản, chi phí thấp” - quả là một dịch vụ quá hấp dẫn với những người đang kẹt vốn làm ăn! Nhưng đằng sau lời quảng cáo ấy là gì?
Những “chiếc bẫy” tín dụng đen ảnh 1

Một dịch vụ tiện lợi hay “cái bẫy tài chính” vô hình?

Lãi suất cắt cổ!

Đầu tháng 3/2007, cùng với một người bạn là Giám đốc Cty TNHH cần thêm 300 triệu đồng để tăng thêm vốn điều lệ Cty, chúng tôi được bà Khánh- một “chủ dịch vụ” tín dụng tại chợ Bàn Cờ (Q.3 TPHCM) hẹn tiếp chỉ sau 30 phút từ cuộc gọi đầu tiên.

Xem qua giấy tờ nhà - thứ “thế chấp” được ưa chuộng nhất - bà ta phán: “Khỏi cần hợp đồng, chi phí 15 triệu, 3 ngày có tiền, còn 1 tuần thì 10-12 triệu, lãi suất theo ngân hàng, ok thì đưa bản gốc chủ quyền nhà làm luôn chiều nay”.

Bà chủ này cho hay: “Đó là tui giúp chú vay ngân hàng”, còn muốn mượn vốn của bà thì khỏi đợi sau 3 tiếng sẽ có nhưng lãi suất hàng tháng đến 5% và 300 triệu chỉ cầm về 280 triệu!

Sợ chúng tôi không tin, bà hẹn 2 tiếng nữa quay lại và y rằng đã có 2 nhân viên của ngân hàng A. chờ sẵn với đầy đủ mẫu, hồ sơ còn chuyện “bồi dưỡng” thì “cứ hỏi bà Khánh”.

Hai vị cầm hồ sơ có công chứng về, chỉ 2 ngày sau, chúng tôi đã được “duyệt” và nhắn cầm hồ sơ gốc đem vào thế chấp từ sáng đến chiều là “giải ngân, nhớ trừ luôn 20 triệu chi phí”!

Cũng với bộ hồ sơ này, tháng 1/2007, chúng tôi trực tiếp đến ngân hàng A. xin vay chỉ 150 triệu đồng (căn nhà được chính A. định giá đến 1,628 tỷ đồng) nhưng lên xuống, bổ sung đủ loại giấy hai tuần vẫn chưa xong. Mà người thụ lý hồ sơ đâu xa lạ gì, chính là một trong hai nhân viên trên của ngân hàng A!?

Ông Nguyễn Minh Chánh, chủ một Cty nhựa tại Q.5 cho biết: “Tôi cũng đem nhà xưởng thế chấp tại ngân hàng Đ. để vay 500 triệu ba tuần mà vẫn chưa xong, quá kẹt quay ra ngoài họ giúp mình vay tại chính Đ. đến 700 triệu mà chỉ có 4 ngày, nhưng tui cầm về được có 660 triệu!”.

Trong giới làm ăn ở Sài Gòn, ai cũng biết tiếng bà Khánh (chợ Bàn Cờ ), ông Tâm ( khu Soái Kình Lâm), ông Long (Lý Thường Kiệt- Tân Bình), bà Hồng (khu sân bay Tân Sơn Nhất)… những chủ tín dụng đen có khả năng “giải chấp” đến 4-5 tỷ đồng chỉ trong vòng 1,2 ngày, còn vay nóng với lãi suất 6-7%/ tháng cùng lắm 2,3 tiếng !?

Thủ tục thì quá đơn giản: thế chấp chủ quyền nhà hay nhà xưởng máy móc, xe cộ, thiết bị... đều được nhưng phải viết giấy cam kết trong vòng bao lâu không trả thì gán nợ.

Nhưng đã đụng vào họ thì nhẹ cũng “trầy vi tróc vẩy” nặng “tán gia bại sản” như chơi.Những người chấp nhận “chơi” với tín dụng đen đều biết bảy tám phần rủi, hai ba phần may còn sống sót vì lãi suất cắt cổ nhưng không còn cách nào khác nên đành chấp nhận...

“Lệ” của tín dụng đen luôn luôn “cắt” lại thấp nhất là 2% tổng số tiền vay (nếu vay ngân hàng), tối thiểu là 3 triệu đồng và không cho vay dưới 100 triệu vì “quá ít, mất công làm”. Còn vay nóng thì ngoài lãi suất cắt cổ còn phải “cắt” lại 4- 6% tổng số vay vì “ tụi tui đi vay lại cho chú”!

Để bảo toàn vốn, tín dụng đen thường chỉ nhận thế chấp nhà, đất (giải ngân cao lắm 50% giá trị thật) hoặc xe hơi (chỉ 20-30% giá mua), nhà xưởng (ít khi quá 50% giá thị trường) và đối tượng được “tin tưởng” là gia chủ có nhà, đất đáng giá từ 300 lượng SJC trở lên hay chủ các doanh nghiệp tư cần vốn.

Ông Long cười bảo: “Từ ngày mở dịch vụ hồi 1992 đến nay khoảng 300 giám đốc đã đến tìm tôi, còn những căn nhà 300-400 cây đem thế chấp thì nhớ không nổi”.

Đường vào ngõ cụt

Hỏi một khách hàng vừa ra khỏi cửa ông Long, tưởng cùng cảnh ngộ, anh Phạm Vỹ Mỹ, giám đốc một Cty tin học than thở: “Cùng đường rồi mới tìm tới đây, chớ mấy lần bị “ cắt cổ” tôi ngán lắm, lần nào đem vô mấy ngân hàng cũng bị hành rồi… từ chối, cuối cùng đem ra dịch vụ, cũng vay của mấy ngân hàng đó chứ ai”.

Điều đáng ngạc nhiên là những ngân hàng từ chối hay làm khó dễ chúng tôi và những người như anh Vỹ, ông Chánh... là các ngân hàng cổ phần đang “đánh bóng thương hiệu” như A., Đ, P...!?

Với mức “chi phí” rẻ bằng những “lãi suất, cắt xén” như trên thì ban đầu nhiều người tưởng chịu nổi nhưng chỉ cần một “sự cố, chậm trễ” nhỏ thì gặp ngay hậu quả lớn”.

Thời gian gần đây, có không ít người tới cầm cố nhà, xe đề đầu tư vào chứng khoán vì lập luận “đây lãi có 6-10%, trong khi chứng khoán lãi 50-70% trong vài tháng nay”?!

Ông Long cho biết 3,4 năm trước cũng có người cầm nhà chơi chứng khoán rồi mất luôn vì cổ phiếu xuống giá thê thảm vào giai đoạn 2001-2003. Ông cười nhẹ: “Chắc tới đây tôi sẽ có nhiều căn nhà của khách hàng chơi chứng khoán nữa”.

Để chứng minh, ông Long cho chúng tôi xem 16 sổ hồng bản gốc “mới nhận 2 ngày nay lu bu quá đang còn để đó, mấy cha này vay có 300, 400 triệu mà tới năn nỉ hoài”.

Bà Y. chủ một sạp vải ở chợ Tân Bình vay của ông Long 200 triệu, lãi suất 5%/tháng thế chấp căn nhà trị giá 870 triệu. Cầm về được có 190 triệu nhưng lại trả lãi đến 10 triệu/ tháng, 7 tháng không đủ tiền trả lãi và nay tiếp tục trả 15 triệu/ tháng của “ lãi mẹ đẻ lãi con” mà tổng số nợ “không biết ông ấy tính kiểu nào mà lên tới 270 triệu tiền vốn gốc rồi chú ơi!”.

Còn Giám đốc Cty tin học V. thế chấp căn nhà 3 tỷ đồng để vay 1,8 tỷ, sau 2 năm phải sang tên luôn cho bà Hồng mà chỉ được trả lại 230 triệu “thông cảm vợ con chú khó khăn, thôi cầm mướn nhà ở tạm, lần sau kẹt nhớ đến chị nhé!”!

Tính “bài xù” hay trốn nợ ư? Chẳng cần đến xã hội đen đòi mướn, các ông bà chủ “tín dụng đen” cũng có cách để con nợ không dám nghĩ đến điều ấy. Giấy tờ nhà đã thế chấp kèm giấy cam đoan nếu đến thời hạn nào đó không trả được nợ sẽ “cấn” nhà cho chủ nợ chính căn nhà thế chấp (giá cao lắm chỉ 80% giá thật)! Chỉ có nước trốn biệt tích và bỏ luôn nhà thì may ra mới khỏi trả nợ.

Ngay cả khi con nợ chết bắt đắc kỳ tử, chủ “tín dụng đen” cũng có đủ giấy tờ và cách để những người thừa kế buộc bán nhà trả thay. Lãi suất được định rất cao nhưng không bao giờ vượt quá 10 lần của Ngân hàng Nhà nước cùng thời điểm để tránh tội “cho vay nặng lãi” mà “cắt” bằng nhiều cách khác không phạm luật!

 Cứng đầu quá mới có “vài đứa em” đến “nói chuyện làm ăn” mà những kẻ đã nói thì hầu như chẳng con nợ nào còn ý định “xù” dù chẳng có xô xát xảy ra.

Còn khiếu kiện, kêu ca ư? Chỉ là tranh chấp dân sự, mà có hình sự chút ít thì chủ “tín dụng đen” cũng “chạy” thành dân sự thôi. Vậy vô phương tránh! Chỉ còn cách đừng đụng vào nhưng cũng giống như mấy vụ chạy sổ đỏ, sổ hồng, doanh nhân nào có “máu mặt” thì ngân hàng còn đoái hoài chứ những kẻ không thân cũng chẳng thế lại cần vốn gấp chỉ còn cách chui vào bẫy tín dụng đen.

Nhiều ngân hàng quảng cáo “vay vốn siêu tốc, thủ tục đơn giản” nhưng quảng cáo thường ít khi song hành với thực tế nên tín dụng đen vẫn còn đất sống khỏe và chung sống “hợp tác hòa bình” với những nhân viên ngân hàng biến chất...

MỚI - NÓNG