Ninh Vân và 500 pho tượng La Hán

Ninh Vân và 500 pho tượng La Hán
Ninh Vân là xã miền núi thuộc huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có giao thông thuỷ bộ thuận lợi, nằm ngay sát quốc lộ 1A. Cách đây khoảng 400 năm, Ninh Vân đã có nghề khai thác và chế tác đá.

Là xã có diện tích núi đá hơn 400 ha, ngoài khối lượng lớn đá xây dựng cung cấp thường xuyên cho các nơi, Ninh Vân còn có nghề chế tác đá mỹ nghệ, sở trường là sản phẩm lớn đến siêu lớn.

Từ Ninh Vân, nhiều sản phẩm mỹ thuật hiện diện ở khắp nơi, như: Cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh, cụm tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn, cụm tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Chí Linh (Hải Dương), tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, cụm tượng đài Pắc Pó ở Cao Bằng...

Ông Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đá mỹ nghệ Hệ Dưỡng - cho biết: Rất nhiều công trình nổi tiếng được xây dựng từ thời Pháp thuộc có sự tham gia của các nghệ nhân làng đá Ninh Vân như: Kho bạc Nam Định và Hà Nội, mố cầu Long Biên (Hà Nội), Nhà thờ đá Phát Diệm, Lăng Thánh mẫu Liễu Hạnh Phủ Giày... Nhiều tác phẩm do các nghệ nhân thời trước để lại đã được Bộ Văn hoá - Thông tin đánh giá là có một không hai như: đình làng Côn Lăng hạ - thượng, các cỗ ngai bằng đá...

Hiện tại, những người thợ đá Ninh Vân đang khẩn trương thực hiện đơn đặt hàng của Doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) làm 500 pho tượng La Hán để xây dựng Công viên tâm linh đặt tại thị xã Ninh Bình. Các pho tượng có kích cỡ lớn, chiều cao trên 2 m.

Mỗi pho tượng La Hán đều được đúc một mẫu thạch cao riêng nên rất phong phú và sinh động, tinh xảo và cầu kỳ đòi hỏi phải có những đôi tay lành nghề.

Hơn 100 pho tượng La Hán đã hoàn thành và hàng chục pho tượng khác đang ở khâu tinh chế. Nếu ai đó tò mò muốn được xem trước một phần của Công viên tâm linh thì có thể đến Ninh Vân lúc này để thưởng thức.

15 năm trở lại đây, nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển mạnh đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của Ninh Vân và nâng cao đời sống người dân. Nghề truyền thống này đã tạo ra nhiều việc làm với thu nhập khá cho người lao động.

Hiện đang có 8 doanh nghiệp tư nhân chuyên khai thác, chế biến đá mỹ nghệ với số vốn tự có khoảng 35 tỷ đồng thu hút trên 700 lao động. Ngoài ra còn có 50 hộ sản xuất với hàng trăm lao động. Nghề chế tác đá còn tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề khác phát triển như vận tải, cơ khí... Xã đang có hàng trăm xe vận tải các cỡ, nhiều cụm cơ khí nhỏ và vừa với việc làm ổn định.

Người thợ trẻ Đào Văn Toản, 26 tuổi 4 năm trong nghề cho biết: Mỗi ngày anh làm việc khoảng 7 - 8 tiếng, thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Một người thợ khác, anh Phạm Văn Tới (34 tuổi), cũng kiếm được vài ba triệu mỗi tháng.

Công việc chế tác đá rất nặng nhọc, nó không chỉ đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo mà còn phải có sức khoẻ thật tốt. Chính vì vậy mà phần đông những người thợ đều còn trẻ. Để nâng cao tay nghề cho những người thợ trẻ, UBND xã Ninh Vân đã tổ chức cho họ tham quan, học hỏi nghề tại Đà Nẵng nơi có truyền thống làm nghề đá; phối hợp với một trường dạy nghề của Nam Định tổ chức được 3 lớp nâng cao tay nghề cho thợ trẻ trong làng, hiện đã có một lớp tốt nghiệp.

Vấn đề bức xúc kéo dài trong nhiều năm ở xã là là ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm. Ngoài việc ô nhiễm do nghề đá, trên địa bàn xã còn bị ô nhiễm bởi 2 nhà máy xi măng và phân lân. Người dân đã có ý kiến nhiều năm rồi nhưng vì khó khăn nên nó vẫn tồn tại. Chính quyền xã đã đề xuất với cấp trên cho quy hoạch một khu vực sản xuất tập trung rộng chừng 20 ha nhằm giải quyết vấn đề cho dân cư sinh sống. Tuy nhiên, chưa biết đến bao giờ dự án này mới thành hiện thực.

MỚI - NÓNG