Nở rộ cho vay nặng lãi

Nở rộ cho vay nặng lãi
TP - Ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp và người dân phải gõ cửa các dịch vụ cho vay nặng lãi với lãi suất cao nhất tới 108%/năm nhưng vẫn phải cắn răng vay...

> Giới kinh doanh vàng đang trong cơn 'bĩ cực'

Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, cho vay nặng lãi thêm đất sống (Ảnh minh họa) Ảnh: Đ.D
Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, cho vay nặng lãi thêm đất sống (Ảnh minh họa) Ảnh: Đ.D.
 

9%/tháng cũng phải vay

Cách đây ít hôm, ông Minh Hùng, giám đốc một công ty TNHH có trụ sở tại quận 8, TPHCM đến ngân hàng V., chi nhánh gần văn phòng công ty xin làm hồ sơ vay 3 tỷ đồng. Người có chức trách của chi nhánh ngân hàng này tiếp ông một cách hờ hững với lời hẹn: “Để xem xét!”, nhưng không đưa ra thời hạn trả lời. Trong khi đó, thời hạn thanh toán một hợp đồng mua hàng với đối tác đã cận kề khiến ông Hùng không thể chờ đợi.

Ông lại ôm giấy chủ quyền nhà xưởng đến một ngân hàng khác có trụ sở tại quận 1. Sau một hồi lật qua lật lại tập hồ sơ xin vay vốn và hỏi tới hỏi lui nhiều thứ, người tiếp ông Hùng trả lời: “Đợi xin ý kiến rồi trả lời sau”.

Không thể chờ, ông Hùng vội gõ cửa dịch vụ cho vay nóng. “Lãi suất 3%/tháng, phí dịch vụ vay ngân hàng 5%-7% của tổng số tiền vay” – ông Hùng nói về điều kiện cho vay vốn ở nơi ông tìm đến.

Ông Hùng tâm sự: “Với mức lãi suất này thì không lợi nhuận nào có thể bù nổi, nhưng để giữ uy tín với các đối tác làm ăn lâu dài, và vì không muốn đóng cửa nhà xưởng sản xuất nên tôi không còn cách nào khác là vay nóng. Cách duy nhất có thể làm trong lúc này là xoay vòng vốn thật nhanh để trả nợ thật nhanh”.

“Vay nóng thì xưa nay vẫn có, nhưng gần đây do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng phải chấp nhận vay nóng, nếu không muốn đóng cửa, ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh”, Quang Linh - kế toán trưởng một doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng tại Hà Nội, cho biết.

Ngay như công ty của anh Linh cũng thường phải vay nóng, khi thì để đáo hạn, giải chấp, khi thanh toán hợp đồng hoặc trả lương cho công nhân. Mỗi lần vay từ 2 đến 3 tỷ đồng và thời hạn vay ngắn, có khi chỉ vài ngày và phổ biến từ một tuần đến một tháng nhưng lãi suất thì không thể tưởng tượng: 9%/tháng.

Vay 1 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả lãi 90 triệu đồng. “Một con số ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác” - anh Linh nói.

Theo anh Linh, lãi suất vay nóng ngày càng tăng theo mức độ và thời gian siết tín dụng của ngân hàng. Cụ thể, nếu như ở thời điểm nhà nước chưa siết chặt tín dụng, lãi suất vay nóng tối đa 6%/tháng. Khi nhà nước bắt đầu siết tín dụng, lãi suất vay nóng nhích dần lên và hiện tại đang ở mức phổ biến 9%/tháng.

Đối mặt rủi ro

Dù đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng cho đến bây giờ mọi người trong gia đình bà Trương Thị Dư ở Q.8, TPHCM vẫn chưa hết kinh hãi khi đi vay nặng lãi.

Chị Tám, con gái của bà Dư, kể: “Tui làm nghề chạy chợ, tháng 8-2008 đến hạn trả nợ vay, do muốn có thêm ít tiền làm ăn nên tôi đã năn nỉ ba má cho mượn giấy tờ nhà để đi vay tiền và tìm đến một đường dây cho vay nặng lãi. Họ đồng ý cho vay 60 triệu đồng, với lãi suất 2,5%/tháng nhưng với điều kiện là ba má tôi phải ký giấy nhận cọc bán nhà cho họ”.

Sau khi ông bà Dư ký giấy nhận cọc bán nhà, người cho vay ký hợp đồng công chứng bán sang tên cho người khác và người này đã đem giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng. Khi tới phòng công chứng (nơi chứng hợp đồng mua bán nhà) tìm hiểu mới biết căn nhà đã được bán cho một người khác.

Người cho vay chỉ đồng ý trả nhà lại cho ông bà Dư (bằng cách ký giấy bán lại nhà) với điều kiện ông bà Dư phải trả lại 350 triệu đồng. “Tôi chỉ vay có 60 triệu, tính đến thời điểm đó đã trả góp được 9,4 triệu rồi, vậy mà lại bắt trả 350 triệu đồng”, chị Tám nói. Nhưng với hồ sơ như vậy, gia đình chị đành ngậm bồ hòn, để khỏi mất nhà.

Không riêng chị Tám, nhiều người đi vay nặng lãi do sơ hở đã bị sập bẫy chủ nợ. Nhiều người khác vỡ nợ bởi không trả nổi khoản lãi suất cắt cổ.

Theo một chuyên gia tài chính, việc nở rộ các hình thức cho vay tín dụng nóng là do nhu cầu về vốn của cá nhân và doanh nghiệp quá lớn, trong khi vì nhiều lý do các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng kịp thời. Người vay phải chịu mức lãi suất cao, người cho vay khó thẩm định kỹ đối tượng đi vay nên cả hai phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính.

Theo một cán bộ pháp chế của một ngân hàng thương mại, hiện các tổ chức tín dụng không bị khống chế trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với các cá nhân, vẫn bị khống chế lãi suất cho vay, không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Quyết định số 2868 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1-12-2010, lãi suất cơ bản là 9%. Như vậy, lãi suất cho vay tối đa của các cá nhân không được vượt quá 13,5%/năm.

Công khai cho vay nặng lãi

Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “vay nóng”, hàng loạt địa chỉ cho vay nóng lập tức hiện ra. Chưa bao giờ dịch vụ cho vay nóng, lãi suất cao, trên mạng lại nở rộ như lúc này. Sau khi lướt qua một lượt, tôi chọn một địa chỉ với lời rao khá ngộ: “Vay nóng lãi suất thấp”.

Đây là một doanh nghiệp tư nhân, chuyên làm cò vay vốn kiêm cho vay nặng lãi. “Lãi suất 3%/tháng, nếu muốn vay ngân hàng thì phí dịch vụ 5-7% mỗi lần vay”- người đại diện của công ty chuyên làm cò và cho vay nặng lãi trả lời qua điện thoại bằng giọng lạnh lùng. Một phép tính lướt nhanh trong đầu: Nếu vay nóng 1 tỷ đồng trong thời hạn một tháng, tiền lãi suất là 30 triệu đồng.

Tìm đến một địa chỉ khác với lời rao ngọt ngào: “Kênh tìm kiếm đối tác hiệu quả”, lãi suất vẫn 3%/tháng. Bấm số điện thoại 0908736xxx ghi kèm được rao là của chính chủ, tên Hành. Tôi đến căn nhà 3 tầng nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TPHCM). Vừa thấy tôi, ông Hành vào thẳng vấn đề: “Muốn vay thời hạn bao lâu cũng 3%, điều kiện cho vay rất dễ dàng, các thủ tục đơn giản”.

Thấy tôi ngần ngừ vì lãi suất 3%/tháng là quá cao, Hành thuyết phục bằng cách lật bài ngửa: “Tôi đi vay của ngân hàng cũng đã 2 “lai” (2% - PV), về cho vay lại 3 “lai”, có gì mà cao?”.

Thấy tôi còn lừng khừng, Hành nhấn thêm: “Nếu đồng ý thì làm hợp đồng ngay và chồng tiền đủ sau khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, tôi sẽ “ngắt” ngay 3% lãi suất”. Có nghĩa là, tuy vay 1 tỷ nhưng số tiền tôi thực nhận về chỉ 970 triệu đồng, 30 triệu còn lại là trả lãi suất trước.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG