Núi chất thải độc hại của DAP Đình Vũ sẽ thành phụ gia xây dựng

Các bãi thải GYPS của Nhà máy phân bón DAP Vinachem thuộc KCN Đình Vũ- Hải Phòng
Các bãi thải GYPS của Nhà máy phân bón DAP Vinachem thuộc KCN Đình Vũ- Hải Phòng
Các núi thải độc hại, cao hàng chục mét từ quá trình sản xuất phân bón của nhà máy DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng sẽ trở thành phụ gia trong sản xuất xi măng. Đây là kết quả nghiên cứu, triển khai thành công trong thực tế của nhóm các nhà khoa học đến từ Công ty TNHH Ngọc Linh ở Hà Nội.

Nhiều lần xảy ra sự cố

Ô nhiễm từ nhà máy sản xuất phân bón DAP Vinachem- KCN Đình Vũ, Hải Phòng nhức nhối nhiều năm qua. Ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng chia sẻ, Nhà máy DAP là trọng điểm ô nhiễm, vị trí ô nhiễm nhất chính là bãi thải GYPS của nhà máy. Bãi thải nằm ngay vị trí hết sức nhạy cảm là cửa ngõ đi vào vùng du lịch Cát Hải, Cát Bà. Các bãi thải ở đầu nguồn gió, lại gần nguồn nước ngầm, thủy triều lên dễ gây ô nhiễm, rất nhạy cảm về vấn đề sinh thái. Bên cạnh đó là bụi, ô nhiễm môi trường không khí và hơi axit. Trong quá trình sản xuất, vận hành gây nên rất nhiều bức xúc trong nhân dân và cử tri thành phố.

Theo thống kê, từ khi hoạt động đến nay, DAP Đình Vũ từng bốn  lần xảy ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường. Lần thứ nhất, từ giữa năm 2009, DAP Đình Vũ rò rỉ khoảng 7 tấn axit sunfuric (H2SO4) tại kho chứa. Rất may, nhà máy kịp thời khắc phục sự cố, không để phát tán ra môi trường. Đầu năm 2011, tại khu vực cầu cảng rò rỉ khí amoniac (NH3). Giữa năm 2013 lại xảy ra vụ nước từ bãi thải tràn qua đê vào hồ điều hòa làm nước trong hồ chứa nước thải nhiễm ra hồ nước sạch của công ty, làm chết cá của các hộ nuôi trồng thủy sản xung quanh. Tháng 9/2015, một lượng lớn bã GYPS từ mỏm cao nhất của bãi thải tràn xuống vùng hồ chứa nước axit bên trong bãi chứa GYPS, làm bùn dung dịch GYPS và nước axit thu gom từ hồ chứa tràn qua đập chắn ra khu vực ngã ba đường giao thông KCN Đình Vũ.

Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Ngọc Linh, có trụ sở tại Hà Nội, đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chế biến bã thải GYPS thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng. Đề tài do ba nhà khoa học của công ty gồm ThS Vũ Đức Tuấn, KS Trịnh Văn Tiến và ThS Trịnh Hồng Tú thực hiện. Đây là ba nhà khoa học đã nhiều lần nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec).

Núi chất thải độc hại của DAP Đình Vũ sẽ thành phụ gia xây dựng ảnh 1

ThS Vũ Đức Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh trình bày kết quả nghiên cứu biến chất thải GYPS thành thạch cao nhân tạo, dùng làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Việc biến bã thải GYPS độc hại thành phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng giải quyết đồng thời hai mục tiêu là giảm ô nhiễm môi trường do các núi bã thải GYPS chứa chất độc và tạo ra phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng có giá thành rẻ bằng một nửa giá nhập ngoại.

Sau nhiều năm nghiên cứu, triển khai, đề tài đã thu hồi thành công thạch cao có chất lượng đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn của Ấn Độ, Trung Quốc và dự thảo tiêu chuẩn của Việt Nam. Theo PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Vật liệu Xây dựng, dự thảo tiêu chuẩn của Việt Nam khắt khe hơn nhiều của Trung Quốc nhưng sản phẩm của Công ty Ngọc Linh vẫn đáp ứng được.

PGS Long cũng cho biết, quy trình công nghệ của Công ty Ngọc Linh có cơ sở khoa học và có thể xử lý được các sản phẩm thạch cao đạt yêu cầu chất lượng để làm phụ gia điều chỉnh đông kết trong xi măng. Thạch cao tái chế có khả năng điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng tương tự thạch cao tự nhiên. Tính tương tác của xi măng dùng thạch cao tái chế và thạch cao tự nhiên không có khác biệt lớn. Thạch cao tái chế của Công ty Ngọc Linh có thể thay thế thạch cao tự nhiên làm phụ gia cho vật liệu xây dựng.

Việc thu hồi thành công thạch cao nhân tạo từ bã thải GYPS có ý nghĩa kinh tế quan trọng bởi giá sản phẩm khoảng 600.000 đồng/tấn, bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman. Công ty Ngọc Linh cho biết, bước đầu cung cấp sản phẩm cho một số nhà máy sản xuất xi măng như Xi măng VINACONEX Yên Bình, Xi măng Yên Bái và Xi măng Tân Quang.

Núi chất thải độc hại của DAP Đình Vũ sẽ thành phụ gia xây dựng ảnh 2

Một công đoạn trong quá trình thu hồi thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS

Tin vui với Hải Phòng

Trước thông tin có thể biến chất thải GYPS thành thạch cao nhân tạo, ông Phạm Quốc Ka chia sẻ: “Đây là tin vui đầu năm của Hải Phòng, người vui nhất có lẽ là tôi, trong tất cả các nghị trường rồi cơ quan truyền thông liên tục chất vấn về điểm ô nhiễm này”.  Ông Ka đề nghị phía Công ty Ngọc Linh sớm có kế hoạch triển khai dự án. Ông cũng cho biết thêm, ngày 19/9/2016, Công ty Ngọc Linh và Công ty DAP Vianchem đã ký hợp đồng với nhau để thực hiện xử lý bãi thải GYPS. Về phía Hải Phòng, sẽ tạo điều kiện triển khai dự án.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong một kỳ họp HĐND thành phố Hải Phòng, đại biểu và cử tri rất quan tâm đến vấn đề chất thải của Nhà máy Phân bón DAP Đình Vũ, có đại biểu nói không xử lý được vấn đề môi trường ở đó thì có thể xảy ra sự cố Formosa thứ 2. Vì vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội, việc Công ty Ngọc Linh tự bỏ nghiên cứu, tìm ra hướng giải quyết là một việc làm rất tốt. Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cái quan trọng nhất hiện nay là sản phẩm thạch cao nhân tạo phải đảm bảo tính ổn định, tiêu chí môi trường, tiêu chuẩn và hiệu quả kinh tế xã hội lâu dài.

Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, mỗi năm có khoảng 20 triệu tấn tro xỉ, 6-7 tấn chất thải từ nhà máy sản xuất đạm, hóa chất, nếu không xử lý tốt sẽ có khả năng xảy ra sự cố môi trường nặng nề. “Vì thế, Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực, cố gắng của các nhà đầu tư, sản xuất để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng nói. Ông cũng đề nghị, các đồng chí ở Công ty Ngọc Linh hoàn thiện quy trình sản xuất để khi đưa vào sản xuất đại trà đạt được hiệu quả. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Viện Vật liệu Xây dựng, Vụ Vật liệu Xây dựng nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chuẩn về thạch cao nhân tạo. Ông cũng gợi ý áp dụng thạch cao nhân tạo trong việc ứng dụng sản xuất của Tổng Công ty Xi măng. 

Việc biến bã thải GYPS độc hại thành phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng giải quyết đồng thời hai mục tiêu là giảm ô nhiễm môi trường do các núi bã thải GYPS chứa chất độc và tạo ra thạch cao nhân tạo phụ có giá thành rẻ bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman.

MỚI - NÓNG