Ô tô ế ẩm, nhiều mẫu xe cả tháng không bán nổi một chiếc

Mazda CX9 liên tiếp ế ẩm thời gian qua
Mazda CX9 liên tiếp ế ẩm thời gian qua
TPO - Trước làn sóng xe giá rẻ, xe từ ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều, các hãng xe liên doanh sản xuất, lắp ráp liên tục giảm giá hút khách. Tuy nhiên doanh số bán hàng của nhiều mẫu xe không mấy khả quan khiến thị trường ô tô cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), trong danh sách 10 ô tô ế khách nhất nước tháng 5/2017 có tới 4 mẫu xe đều không bán được chiếc nào trong tháng này. Đó là Kia Sportage, Mazda CX-9, Mitsubishi Outlander Sport và Mitsubishi Pajero. Riêng Mazda CX-9 và Pajero của Mitsubishi đã không bán được chiếc nào trong những tháng trước đó.

Đứng vị trí thứ 5 trong danh sách xe ế khách nhất tháng 5/2017 là mẫu Suzuki Swift, chỉ bán được 3 chiếc. Đáng lưu ý, tháng 4/2017 mẫu xe này vẫn có doanh số bán hàng khá tốt với 46 chiếc.

Một mẫu xe khác của Suzuki cũng rơi vào top những xe bán ế khách nhất thị trường là Grand Vitara với 6 chiếc được bán trong tháng 5/2017. Được biết mẫu xe này đã bị "khai tử" và đang trong quá trình giải phóng hàng tồn kho.

Tiếp đến mẫu Chevrolet Trax và Toyota Land Cruiser đều có 12 chiếc bán ra trong tháng vừa qua. Honda Odyssey chỉ với 14 chiếc, Accord chỉ bán được 20 chiếc.

Nguyên nhân khiến nhiều mẫu xe dù có giảm giá sâu vẫn khó được khách hàng Việt 'xuống tiền' bởi thiết kế, tiện ích của các mẫu xe này đều thua các mẫu xe cùng phân khúc, giá tiền bỏ ra lại cao.

Ngoài ra một nguyên nhân nữa được giới kinh doanh ô tô cho hay, các mẫu xe bán chạy đều đua nhau giảm giá bán, tặng quà, tặng dịch vụ nên các mẫu xe vốn đã ế ẩm thời gian qua nay lại càng khó tiêu thụ.

Chẳng hạn, theo chương trình ưu đãi tháng 6 này, giá bán của mẫu xe đa dụng Honda CR-V được liên doanh ô tô Nhật Bản áp dụng giá mới là 1,008 tỷ đồng cho phiên bản 2.4 AT cơ bản, thấp hơn giá đề xuất 150 triệu đồng và 1,078 tỷ đồng cho phiên bản 2.4 AT-TG, thấp hơn giá đề xuất 100 triệu đồng. Đây là mức giảm giá chưa từng có trong lịch sử của Honda CR-V kể từ khi được chào bán.

Đầu tháng 6 này, Trường Hải công bố giảm từ 30-40 triệu đồng cho mẫu Mazda CX5 tùy phiên bản. Đây là mức giá thấp kỷ lục kể từ khi Mazda CX-5 được chính thức bán ở Việt Nam từ cuối năm 2012.

So với mức giá trước đây của Mazda CX-5 là 1,04 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng, giá bán của mẫu crossover cỡ C này ở thời điểm này đã giảm từ 150-200 triệu đồng tùy từng phiên bản. Hiện Mazda CX-5 đang dẫn đầu về doanh số cũng như có giá bán hấp dẫn nhất phân khúc.

Nissan Việt Nam cũng giảm từ 10-98 triệu đồng với xe X-Trail trong tháng 6 này. Trước đó, vào tháng 3/2017, Nissan Việt Nam đồng loạt giảm giá bán lẻ cả 3 phiên bản X-Trail từ 49-85 triệu đồng.

Đầu tháng 5/2017, mẫu SUV này lại được giảm vào khoảng 40-50 triệu đồng tùy từng phiên bản. Mức giảm cao nhất dành cho mẫu SUV X-Trail là 125 triệu đồng cho bản 2.5 SV 4WD.

Mặc dù không nằm trong phân khúc crossover tầm trung như 3 mẫu xe trên, tuy nhiên mẫu SUV 7 chỗ Huyndai SantaFe lắp ráp trong nước trong tháng 6 này cũng được giảm giá mạnh, lên tới 70 triệu đồng tiền mặt.

Một mẫu xe SUV khác cũng có mức giảm giá kỷ lục Ford Everest. Tháng 5 vừa qua, phiên bản Everest Trend 2.2L giảm đến 134 triệu đồng. Nhiều mẫu sedan tầm 1 tỷ cũng được giảm giá mạnh, nhằm lôi kéo khách hàng. Chẳng hạn, khách mua Honda Civic từ 5/6 sẽ được giảm trực tiếp vào giá bán 50 triệu đồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2), diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 5 vừa qua, đã có cuộc đối thoại về ngành công nghiệp ô tô APEC. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm thuế ô tô cao cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Nhóm nước có mức thuế trung bình gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Mexico. Còn Peru, Chilê, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei và Hoa Kỳ có thuế thấp.

Riêng tại Việt Nam, thuế nhập khẩu, TTĐB và giá trị gia tăng đã chiếm khoảng 50% giá bán xe. Thuế cao làm cho giá xe bị đẩy lên cao ngất ngưởng, trong khi thu nhập còn thấp, khiến cho đa số người dân không có điều kiện tiếp cận với ô tô.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi cho khu vực ASEAN cũng khiến thị trường ô tô trong nước có nhiều biến động.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá của ngành ô tô tại 3 nước ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đạt trung bình 45%, cao nhất là mẫu xe bán tải của Thái Lan đạt trên 75%. Do đó, ngay sau khi thuế nhập giảm thêm 10% năm 2017 (còn 30%), xe Thái Lan, Indonesia đã ồ ạt về Việt Nam.

Từ năm 2018 trở đi, thuế nhập giảm về 0%, chắc chắn xe sản xuất, lắp ráp ở Thái Lan, Indonesia thậm chí Malaysia và Philippines sẽ ồ ạt vào Việt Nam tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Trước những biến động trên, liên bộ Công thương và Giao thông vận tải cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo về điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu, lắp ráp. Tuy nhiên, nhiều quy định trong này lại đang có xu hướng “mở rộng cửa” cho xe nhập khẩu, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước vừa phải tăng cường tỉ lệ nội địa hóa vừa phải giảm giá xe để cạnh tranh với xe ngoại, thị trường ô tô lại thêm nhiều biến động.

Mới đây, Tổng cục Hải quan phải ra văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường kiểm tra xuất xứ (C/0)đối với ô tô NK từ thị trường Ấn Độ và ASEAN trong bối cảnh xe nhập đang đổ bộ ồ ạt về Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ và khi chỉ còn 6 tháng nữa là "hạn chót" Việt Nam phải xoá bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN.

MỚI - NÓNG