Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu năm 2011
Kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu năm 2011
TP - Ngày 30-12, Hội nghị của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.
Kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu năm 2011
Kiềm chế lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu năm 2011 . Ảnh: Phạm Yên

Xuất khẩu kỷ lục

Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, vượt mức đỉnh 62,7 tỷ USD năm 2008.

Nhập siêu được khống chế ở mức 17,3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tương đương 12,4 tỷ USD. Lượng hàng hoá cao cấp, xa xỉ nhập khẩu đã có xu hướng giảm. Nhập khẩu điện thoại di động tăng 2,8%, nước hoa và mỹ phẩm tăng 14,8%...

Năm 2011, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%, tương đương kim ngạch 78,8 tỷ USD, nhập siêu không vượt quá 18%, tương đương 14,2 tỷ USD. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, mục tiêu này sẽ gặp một số khó khăn.

Do phục hồi kinh tế năm 2011 của nhiều quốc gia khó đạt được như mong muốn, các nước vẫn có xu hướng thắt chặt ngân sách, tiết kiệm chi tiêu và hạn chế nhập khẩu.

Xu hướng bảo hộ không những không giảm mà còn tiếp tục tăng. Việt Nam sẽ phải đối phó nhiều biện pháp mang tính rào cản thương mại. Chi phí sản xuất trong nước cũng tăng do chủ trương tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa theo thị trường.

Chính phủ họp với lãnh đạo 63 tỉnh, thành sáng 30-12
Chính phủ họp với lãnh đạo 63 tỉnh, thành sáng 30-12 . Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương xây dựng những ngành hàng có khối lượng xuất khẩu lớn, đảm bảo ổn định, chất lượng. Bộ sẽ tập trung xử lý tốt những tranh chấp thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu, giảm thiểu nhập siêu.

Cơ quan này còn đề nghị cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, điều, tiêu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch có lượng tồn kho lớn để giữ giá. Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa...

Nguyên nhân lạm phát cao

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2010, lạm phát ở mức 11,75%, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục, thực phẩm… Điều này có nguyên nhân từ lộ trình xã hội hoá giáo dục, tăng học phí tại một số địa phương; tiếp tục thực hiện áp giá thị trường đối với một số lĩnh vực như giá điện, xăng dầu, nước sạch.

“Lương thực tăng có lợi cho một bộ phận nông dân sản xuất nông nghiệp. Nhưng để bình ổn thị trường thì 37 tỉnh, thành phố đã phải hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gần 1.500 tỷ đồng”, ông Ninh nói.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng thừa nhận, do sự phối hợp chưa đồng bộ nên công tác bình ổn giá đạt hiệu quả chưa cao. Việc điều hành cung - cầu một số hàng hoá như điện, đường ăn, vàng, ngoại tệ… chưa nhuyễn đã tác động mạnh đến thị trường.

“Đặc biệt, khâu cung ứng hàng hoá, dịch vụ sắp xếp thiếu hợp lý, còn có hiện tượng độc quyền mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh. Hệ thống phân phối chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao, điển hình là phân bón, xi măng, sắt thép. Xử lý giá, phí một số hàng hoá, dịch vụ công chưa đảm bảo lộ trình thích hợp như nước sạch, học phí đã tác động làm tăng cao mặt bằng giá”, ông Ninh nói.

Chính sách tiền tệ không sai lầm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, khi rà soát tất cả chính sách điều hành tiền tệ đã ban hành, không thấy có chính sách nào sai lầm, không có nhân tố tiền tệ tạo ra lạm phát, bởi nếu có thì hậu quả sẽ kéo dài và khó khắc phục. Ngành ngân hàng đã thực hiện được 2 mục tiêu: ổn định vĩ mô và an toàn hệ thống.

" Cần xem xét lại chính sách đầu tư, FDI vào khu vực bất động sản, quản lý việc đầu tư ra nước ngoài" .

Tuy nhiên, năm 2010 cũng nổi lên một số vấn đề lớn. Đó là, mất cân đối cung - cầu tín dụng, tác động đến lãi suất, tỷ giá. Hệ thống ngân hàng hoạt động không đồng đều, nhất là tại những ngân hàng nông thôn chuyển lên đô thị...

Năm 2011, việc điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng. Tăng trưởng tín dụng khoảng 23%. Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng phương án điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, đưa thông tin điều hành dài hạn cho cả năm. Chỉ điều chỉnh khi có thay đổi mang tính đột biến.

Ông Giàu kiến nghị, chính sách tài khóa cần chặt chẽ ngay từ đầu năm. Cần xem xét lại chính sách đầu tư, FDI vào khu vực bất động sản, quản lý việc đầu tư ra nước ngoài.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, năm 2010, đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, đưa nước ta bước vào giai đoạn mới.

Tuy nhiên, cũng phải lường trước khó khăn để chủ động trong điều hành. Đó là, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, giá dầu tăng. Trong nước thì giá cả, lãi suất tăng, bội chi ngân sách còn lớn. Do vậy, mục tiêu số một, hàng đầu, nhất quán của cả năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG