Ông Phùng Quốc Hiển: Phải xử nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
TPO - Ngoài chia thành 3 nhóm nợ xấu để xử lý cho hiệu quả, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu do không chấp hành quy định của pháp luật.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, mục tiêu nghị quyết đề ra, đến năm 2020 phải xử lý nợ xấu xuống dưới 3%. Hiện nợ xấu theo báo cáo của NHNN đang ở mức cao trên 10%, nợ xấu đang thực sự là cục máu đông, là gánh nặng lớn, nếu không xử lý sẽ rất khó khăn.

Mục tiêu đã rõ, nhưng theo ông Hiển, quan trọng nhất của nghị quyết này là nhận dạng nợ xấu thế nào? Chính phủ có đưa ra khái niệm nợ xấu để nhận dạng nhưng vẫn ở thể tổng quát. Để minh bạch công khai, tránh hiểu thế này thế khác thì Quốc hội phải cụ thể hóa nghị quyết này.

“Hồn cốt của nghị quyết này là xử lý cái nào khó khăn nhất hiện nay, chính là vấn đề xử lý đối với tài sản, dù là tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được dẫn tới nợ xấu”, ông Hiển cho hay.

Với 14 – 15 nghìn vụ việc mà cá nhân tổ chức đem tài sản thế chấp tại ngân hàng, với trên 55 nghìn tỷ nợ, nhưng ngân hàng không làm thế nào để thu được. Chuyển sang tòa thì cũng khó khăn về mặt thời gian, vì thế, theo ông Hiển, lần này phải có giải pháp để ngân hàng có quyền nhất định. Trên cơ sở đó có thể chia thành 3 nhóm:

Thứ nhất, theo phó chủ tịch Quốc hội, đối với loại tài sản tự nguyện đi thế chấp tại ngân hàng để vay vốn, mà tự nguyện và không có tranh chấp thì cho phép ngân hàng có quyền thu giữ để phát mại, bán.

Nhóm thứ 2 là tài sản đó có tranh chấp, cá nhân có biểu hiện chống đối, phải xử lý bằng các biện pháp khác, ví dụ phải khởi kiện ra tòa, nhưng cho phép sử dụng biện pháp rút gọn. Nhóm thứ 3, các vụ án phải dứt khoát phải ra tòa quyết định.

Với 3 nhóm tài sản như vậy, nhiều người bảo như thế là vi phạm quyền công dân, nhưng theo ông Hiển, anh đã mang tài sản thế chấp rồi, đương nhiên phải chấp nhận, điều đó hoàn toàn bình đẳng.

Ngoài ra nợ xấu ở thời điểm nào cũng còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến nói sẽ tính từ trước thời điểm 31/12/2016, tuy nhiên ý kiến khác lại cho rằng, vẫn có thể xuất hiện một số loại tài sản khác có khả năng không thu hồi được, nếu khống chế chỉ trước 2016 thì lại mắc, không triệt để. Tuy nhiên, đã là nợ xấu thì không phân biệt khách quan chủ quan nữa mà cho thời hạn trong vòng 5 năm để xử lý nợ xấu đó, có giới hạn chứ không phải mãi mãi.

Đặc biệt, ông Hiển cũng nhấn mạnh là phải có điều kiện, phải xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra nợ xấu do không chấp hành quy định của pháp luật, phải xử lý một cách minh bạch.

“Đó là những cái hồn cốt nhất mà chúng ta phải giải quyết”, ông Hiển nói.

ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) thì đặt vấn đề: Phải chăng nợ xấu xuất phát từ khâu thẩm tra, thẩm định tài sản cho vay có vấn đề? Nếu tổ chức tín dụng thấy có nghị quyết, rồi cứ hí hửng với nhau là chết. Cần phải làm dứt điểm, nợ xấu trước năm 2016 phải xử lý dứt điểm. Ông cũng cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thực sự tiếp thu đầy đủ báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, nếu cứ đánh đồng hết sẽ rất khó.

“Các nhóm nợ 90 ngày, 180 ngày, 360 ngày cứ liên tiếp như thế, phải chặn ngay chứ, không có khóa thì chết rồi. Nghị quyết của Quốc hội ban hành, kết quả mục tiêu không đạt thì rất khó và cũng phải có lộ trình, không thể giải quyết sớm được”, ông Chinh bày tỏ.

MỚI - NÓNG