PCI các tỉnh Tây Nguyên vẫn thuộc nhóm thấp kém

TP - Các tỉnh Tây Nguyên dù đã có nỗ lực để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng tới nay vẫn nằm trong nhóm PCI thấp. Kém nhất trong 5 tỉnh là Đắk Nông với vị trí thứ 3 tính từ dưới lên.

“Bôi trơn” cho chuyên viên

Tây Nguyên tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng kinh tế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đến nay vẫn là vùng nghèo so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 80,8% mức bình quân chung cả nước. Về diện tích, Tây Nguyên chiếm 16,5% cả nước nhưng thu ngân sách năm 2016 chỉ bằng 1,38% cả nước, bằng 67,8% thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi và tương đương với thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam. Phần lớn các tỉnh Tây Nguyên có PCI đang ở khu vực dưới của bảng xếp hạng.

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư và đóng chân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, họ thường phải “bôi trơn” cho các chuyên viên thực thi công vụ mặc dù cơ chế, chính sách đầu tư đã thông thoáng hơn trước. Một DN vận tải ở Đắk Nông (đề nghị giấu tên) nhận xét: “Nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh Đắk Nông rất tốt, nhưng người thực thi công vụ lại hay gây khó dễ cho DN. Nhiều chuyên viên làm thủ tục hành chính thường bắt bẻ câu chữ trong hồ sơ kê khai của DN thay vì giải thích, hướng dẫn DN viết đúng hơn. Việc thẩm định thuế trước bạ hay bị cán bộ thuế chậm trễ giải quyết, DN phải đưa “bôi trơn” mới xong”. 

Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 và triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố kết quả thẩm định, đánh giá, chấm điểm và xếp loại chỉ số CCHC trong tỉnh năm 2016. Trong số 19 sở, ban của tỉnh được hội đồng thẩm định, có tới 16 đơn vị có điểm số chỉ đạt ở mức độ trung bình và thấp đối với công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; trong đó có 7 đơn vị đạt thấp. Qua đánh giá, xếp loại cũng cho thấy, việc ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện công tác CCHC ở nhiều đơn vị chưa được thực hiện. Công tác phân công trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện chế độ thông tin báo cáo chưa được quan tâm.

Ở cấp độ các huyện, thị xã, tình trạng này còn yếu kém hơn. Trong 8 huyện, thị xã được đánh giá, xếp loại về chỉ số chỉ đạo, điều hành CCHC thì tất cả các địa phương này đều có số điểm ở mức trung bình và thấp, không có nơi nào được đánh giá cao. Nhiều đơn vị có điểm số rất thấp như: UBND thị xã Gia Nghĩa chỉ đạt 3,5 điểm/14 điểm, UBND huyện Đắk R’lấp đạt 4 điểm/14 điểm.

Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Đắk Nông, ở đâu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu quan tâm thì ở đó công tác CCHC được quan tâm đúng mức và thực hiện tốt. Ngược lại, ở đâu người đứng đầu hời hợt thì ở đó thủ tục hành chính rất rườm rà, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực.

Cần gỡ khó cho DN

Đa số DN khi được hỏi đều cho rằng nhiều thủ tục hành chính vẫn còn làm khó, cản trở hoạt động của DN.

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho biết: Chúng tôi là DN xuất khẩu cà phê và hồ tiêu, mặt hàng đặc thù xóa đói, giảm nghèo của vùng Tây Nguyên đang gặp khó với Thông tư số 24/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay bằng ngoại tệ, quy định kể từ ngày 1/4/2016 các DN không được phép vay USD để mua nguyên liệu hàng hóa cho xuất khẩu. Điều đó khiến chi phí xuất khẩu tăng, vì lãi suất vay bằng VND cao hơn nhiều so với lãi suất vay bằng USD, dẫn tới giảm tính cạnh tranh của các DN xuất khẩu nông sản với các DN nước ngoài (FDI) cùng ngành nghề kinh doanh đóng trên địa bàn. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho phép các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ để có lãi suất cạnh tranh được với các DN đầu tư nước ngoài. Họ cùng ngành nghề kinh doanh, do được vay ngoại tệ ở nước ngoài nên chi phí thấp hơn rất nhiều.    

Còn ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước -  Đắk Lắk chia sẻ: Hiện DN rất đơn độc, khó khăn vướng mắc không biết gặp cơ quan nào để giãi bày. Nên chăng ở mỗi tỉnh thành nên có ban chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh, chuyên tiếp nhận vướng mắc hoặc khó khăn của DN, giúp tháo gỡ và đồng hành cùng DN.

Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính gần đây, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng việc chú trọng cải cách thể chế và xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Một số bộ luật liên quan ban hành từ rất lâu tới nay vẫn chưa được cụ thể hóa, nhất là Luật Đất đai 2013. Có những nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành nhưng nhiều sở, ngành chậm cụ thể hóa thành các quy định của UBND tỉnh. Nhiều sở, ngành chưa công bố, công khai bộ thủ tục hành chính của đơn vị mình.

MỚI - NÓNG