Phá sản vì... ếch Thái

Phá sản vì... ếch Thái
Rất nhiều người dân ở ĐBSCL đang đổ xô nuôi ếch Thái Lan với hy vọng đổi đời theo lời quảng cáo của các điểm bán ếch giống, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Phá sản vì... ếch Thái ảnh 1
Thân hình to tròn trông giống... ễnh ương khiến ếch Thái Lan khó tìm đầu ra. Ảnh: Trương Công Khả

Thời gian gần đây, đàn ếch Thái của những hộ nuôi ở huyện Chợ Mới và TP Long Xuyên của tỉnh An Giang tuy đã đến kỳ thu hoạch, nhưng chẳng một thương lái nào đến hỏi mua.

Nuôi ếch thành ễnh ương

Cách nay khoảng một năm, vì giá cá tra, cá ba sa lên xuống thất thường khiến không ít người nuôi cá ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ... phải lâm vào cảnh phá sản, trong đó có gia đình chị Hoa (huyện Chợ Mới).

Đang lúc định bỏ nghề chăn nuôi để chuyển sang trồng lúa thì chị Hoa được bạn bè rủ sang Cao Lãnh (Đồng Tháp) mua ếch Thái Lan về nuôi với lời giới thiệu của các trại ếch giống: “Chỉ cần nuôi khoảng 3-5 tháng, ếch sẽ đạt trọng lượng 4 con/kg; giá bán lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg”.

Sau vài đêm trăn trở, chị Hoa thấy chuyện nuôi ếch Thái cũng có lý. Bởi lẽ hiện tại nguồn ếch đồng đang rất khan hiếm nên đầu ra của con ếch Thái sẽ rất thênh thang.

Nghĩ là làm, vợ chồng chị Hoa liền mướn nhân công đào mấy cái ao rồi vay tiền của ngân hàng lẫn tiền “nóng” bên ngoài gần 40 triệu đồng để “rước” gần 8.000 con ếch giống thả nuôi.

Cùng cảnh ngộ với chị Hoa, sau vài vụ cá tra nuôi hầm thất bát, ông Tám Tân (ngụ tại huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng vì nghe theo lời quảng cáo... trên mây của một chủ cơ sở cung cấp ếch Thái giống ở Vĩnh Long nên đã háo hức mua 4.000 con ếch giống.

Kết quả, sau hơn 4 tháng thả nuôi, bây giờ ông Tám Tân chẳng biết kêu ai đến tiêu thụ hết số ếch của mình, trong khi đó số tiền lãi ngân hàng cứ tăng lên.

Một trong những nguyên nhân khiến đầu ra của con ếch Thái bị bít đường là vì lớp da của chúng không được vàng hay đen mượt như loài ếch đồng, lại có mùi tanh rất khó chịu nên không thích hợp để chế biến món ăn.

Đặc biệt, điều mà người nuôi ếch Thái không hề ngờ tới đó là việc do ít vận động, nên phần lớn ếch Thái có cặp đùi sau rất nhỏ, thịt lại bở và cái bụng trương lên rất to.

Một hộ nuôi ếch Thái Lan tại Vĩnh Long cho biết, mặc dù đã hạ xuống còn 13.000 đồng/kg, nhưng khi nhìn thấy những con giống ễnh ương hơn là ếch trong ao nhà chị thì các thương lái đều lắc đầu từ chối.

Giống như ốc bươu vàng, hải ly?

Không chỉ có hình dáng... khó coi và chất lượng thịt không ngon, loài ếch Thái Lan và các loại ếch ngoại nhập tràn vào Việt Nam thời gian gần đây, như: ếch Nam Mỹ, ếch Đài Loan, ếch Malaysia... đều tạo cảm giác bất an cho người nuôi lẫn các nhà khoa học.

Sau nhiều ngày tiếp xúc các điểm nuôi ếch Thái được lai tạo với ếch Nam Mỹ, chúng tôi phát hiện một điều là giống ếch này có “máu sát thủ”. Không chỉ tranh giành thức ăn mạnh bạo mà chúng còn ăn thịt lẫn nhau khiến cho tỉ lệ hao hụt của chúng có khi lên đến trên 50%.

ột cán bộ của Phòng NN-PTNT thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích bà con nuôi giống ếch này vì nhận thấy nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao theo như lời quảng cáo”.

Về góc độ ảnh hưởng đến môi trường, GS- TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, nhận định: “Do có khả năng sinh sản nhiều trứng (khoảng 5.000 trứng/năm), háu ăn và sẵn sàng tiêu diệt đồng loại của loài ếch ngoại nhập này nên các cơ sở nuôi phải thật thận trọng trong khâu thiết kế chuồng trại.

Nếu không, sẽ có thêm một bài học đắt giá về việc nhập khẩu vật nuôi có hại sau chuột hải ly và ốc bươu vàng”.

Theo Trần Công Tuấn
NLĐ

MỚI - NÓNG