Phát triển chuỗi thịt lợn sạch

Người tiêu dùng Việt chưa quen với thịt đông lạnh (ảnh minh họa).
Người tiêu dùng Việt chưa quen với thịt đông lạnh (ảnh minh họa).
TP - Những lợi ích của quy trình giết mổ công nghiệp với việc làm mát hoặc cấp đông tránh tình trạng bị vi khuẩn xâm nhập, đảm bảo dinh dưỡng đang trở thành xu hướng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Trang trại Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội rộng hơn 10.000 m2 hiện đang cung cấp hơn 1,5 tấn thịt lợn cấp đông/ngày cho các thị trường Hà Nội và TPHCM. Chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sử dụng thức ăn tự phối trộn và lên men sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khép kín từ chăn nuôi – giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc giết mổ khép kín, quy trình pha lọc, đóng gói cũng được thực hiện trong nhà mát, có điều hòa.

Theo lãnh đạo trang trại Bảo Châu, quy trình giết mổ được bảo quản lạnh trong nhiệt độ từ 0 – 5 độ C trong vòng 6 – 12 tiếng, giúp thịt tránh tình trạng bị vi khuẩn xâm nhập, bảo quản được lâu hơn. Quy trình đóng gói được thực hiện trong phòng tiệt trùng, túi hút chân không theo quy trình an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo các chất dinh dưỡng. Khi tiêu thụ, trang trại thực hiện việc bán nguyên con, có đánh dấu mã vạch trên mỗi con lợn. “Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc nên đảm bảo chất lượng từng con lợn xuất ra”, chủ trang trại khẳng định. Đại diện Bảo Châu cho biết, chi phí xây dựng quy trình pha lọc đóng gói, làm nhà đông mất hơn 1 tỷ đồng. Được biết, đã có một số doanh nghiệp thực hiện giết mổ thịt lợn cấp đông như Vinh Anh, Minh Hiền…

Tham khảo trên thị trường, giá các loại thịt lợn hữu cơ cấp đông có giá cao hơn 150% thậm chí 200% so với giá thịt tươi ở chợ truyền thống. Tuy giá cao hơn nhưng thịt cấp đông đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Đặc biệt là thị trường tại Hà Nội và TPHCM, thịt cấp đông tăng sản lượng đến hơn 100%. Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt đông cho thị trường TPHCM cho biết, đây là thị trường tiềm năng vì người dân ý thức cao về thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng việc hào phóng trong chi tiêu. “Thời gian tới, thịt cấp đông sẽ dần chiếm lĩnh thị trường thịt tươi”, vị này dự báo. Đối với Trang trại Bảo Châu, từ chỗ chỉ bán được 4 – 5 con lợn/tuần, đến nay, trang trại này đã cung cấp thường xuyên hơn 15 con lợn/ngày. Thịt cấp đông đã phân phối hơn 50 chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Thay đổi quan điểm về thịt cấp đông

Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Cty CP thực phẩm Vinh Anh cho biết, Cty có dây chuyền giết mổ với công suất 1.000 con/ngày. Nhà máy có khu xử lý nước thải tự động, hệ thống kho mát, sơ chế đóng gói... Tuy nhiên, hiện nay công suất nhà máy chỉ đạt 10%, do thói quen của thị trường dùng thịt nóng, không phù hợp với mô hình giết mổ công nghiệp. Theo ông Vinh, nguyên do là ở Việt Nam, thị phần thịt tươi chiếm đến 80%, được bán tại các chợ truyền thống theo dạng giết mổ thủ công nhỏ lẻ, khiến các cơ sở giết mổ công nghiệp không có việc làm.

Trong khi người Việt Nam thường có xu hướng chọn thịt tươi sống vì cho rằng đây là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tại hầu hết các quốc gia phát triển người tiêu dùng lại chủ yếu chọn thịt đông lạnh.

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, đa số người Việt nhầm lẫn về thịt tươi với thịt cấp đông và thịt mát. Thịt tươi bày bán lộ thiên, không bao bì, không bảo quản nên bị vi khuẩn tấn công ngay từ khi giết mổ. Thịt giết mổ công nghiệp qua quy trình làm mát hoặc cấp đông giúp đảm bảo độ PH giảm từ 7 xuống 5, giúp thịt tránh tình trạng bị vi khuẩn xâm nhập. Giết mổ, bảo quản đúng quy trình giúp thịt lợn đảm bảo chất lượng, mềm, nhiều dinh dưỡng. “Đối với thịt làm mát có thể bảo quản được hơn 10 ngày, thịt cấp đông bảo quản ít nhất 6 tháng”, ông Tường khẳng định.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho rằng, người tiêu dùng, người dân chưa quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông và có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống. Do đó, để tăng cường kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo chuỗi sản xuất cần tổ chức tuyên truyền thay đổi thói quen của người dân. Tương lai, các cửa hàng tiện ích sẽ là nơi mua sắm thực phẩm chủ yếu của người dân. Khi liên kết được chuỗi sản xuất từ khâu giết mổ cấp đông ở các trang trại, đưa đến các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị thì lúc đó kiểm soát theo chuỗi dễ dàng hơn, đảm bảo vệ sinh ATTP.

Ông Tạ Văn Tường nhận định, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích sẽ trở thành kênh mua bán chính của người dân trong tương lai. Bởi ngoài việc đảm bảo ATTP, chỉ làm theo chuỗi mới giúp giảm giá thành sản phẩm. Ông Tường lý giải, hiện nay, thực phẩm ở chợ truyền thống phải qua quá nhiều khâu trung gian, khiến giá thịt lợn chỉ tăng chứ không giảm. Nếu có đầu ra ổn định, chắc chắn các chuỗi sản xuất sẽ có thể giảm giá ngang bằng với giá thịt ở các chợ truyền thống.

MỚI - NÓNG