PVN tháp tùng Thủ tướng thăm và làm việc với “đại gia xi măng và hoá dầu Thái Lan”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký giữa 2 tập đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký giữa 2 tập đoàn.
Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã thăm và làm việc tại Vương quốc Thái Lan từ ngày 17 đến ngày 19/8/2017. Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn dẫn đầu tháp tùng Thủ tướng.

Tham gia đoàn công tác của PVN có Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) Đoàn Văn Nhuộm và lãnh đạo một số Ban chuyên môn của Tập đoàn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 17/8, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, PVN và Tập đoàn Siam Cement (SCG – đơn vị được mệnh danh là đại gia xi măng và hoá dầu của Thái Lan) đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam.

Theo Thỏa thuận được ký, PVN và SCG sẽ thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và sự phát triển của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) - Chủ đầu tư Dự án. Cụ thể: Hai bên đồng ý hỗ trợ tối đa để LSP bắt đầu thực hiện Hợp đồng EPC sớm nhất có thể trong Quý IV năm 2017; hai bên đồng ý rằng LSP sẽ ưu tiên các đơn vị thành viên/công ty con của PVN tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hoá cần thiết phục vụ cho Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam với điều kiện không vi phạm pháp luật hiện hành, đảm bảo tính chất cạnh tranh thị trường và lợi ích của LSP…

Dự án xây dựng Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam tại xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư. Đây là Tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỉ USD. Tính đến 21/6/2017, tỷ lệ góp vốn của các bên vào LSP như sau: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (29%), Công ty Hoá chất VSCG Chemical thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất TPC (Thái Lan - 18%).

Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66ha đất xây dựng cảng. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…

Trong quá trình xây dựng, Dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm. Còn khi đi vào vận hành thương mại sẽ tạo ra trên 1.000 việc làm và dự kiến sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước tính khoảng 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỉ VNĐ/năm) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.

PVN tháp tùng Thủ tướng thăm và làm việc với “đại gia xi măng và hoá dầu Thái Lan” ảnh 1 Lãnh đạo PVN làm việc với đối tác.

Tại buổi làm việc giữa PVN và SCG, Lãnh đạo hai Tập đoàn khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác truyền thống và hiệu quả trong lĩnh vực dầu khí, quyết tâm thúc đẩy hoàn thành dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (LSP), đồng thời đề xuất và nghiên cứu những hướng đi mới, đầu tư vào khâu sau (Downstream), tập trung vào lĩnh vực chế biến dầu khí, hóa dầu, hóa chất và các dịch vụ liên quan.

Trao đổi với đoàn công tác của PVN, đại điện SCG đã bày tỏ sự quan tâm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các đơn vị khâu sau của PVN, hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu, đã và đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa, nổi bật là Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (“BSR”), hiện đang quản lý và điều hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có công suất chế biến trên 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, cung cấp sản phẩm xăng dầu và hóa dầu có chất lượng cao, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, thế mạnh của NMLD Dung Quất là cơ cấu các sản phẩm nhẹ như khí nhiên liệu (Fuel Gas), LPG, xăng và phân đoạn Kerosene chiếm tới trên 55% khối lượng, có chất lượng rất tốt được đánh giá là nguồn nguyên liệu quý và quan trọng cho phát triển các sản phẩm hóa dầu và hóa chất như Olefine sản xuất các sản phẩm nhựa PE, PP, PVC, Benzen-Toluene-Xylene (BTX), các loại dung môi, xăng trắng (White Spirit),…

Thêm vào đó, Nhà máy có vị trí nằm gần mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng lớn nhất Việt Nam, dự kiến đưa vào khai thác thương mại từ năm 2023 sẽ tạo điều kiện để Nhà máy tích hợp để phát triển các sản phẩm hóa dầu khác như Urea, DME, hợp chất nhựa và một số hóa chất khác (tương tự như Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam).

Nói về định hướng phát triển của BSR trong giai đoạn tới, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho hay: Hoạt động đầu tư cốt lõi của BSR thời gian tới sau khi thực hiện cổ phần hóa (IPO) năm 2017 là tìm kiếm và hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hóa dầu, có tiềm lực tài chính vững mạnh nhằm tập trung vào công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và hóa dầu.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.