Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Quá nhiều lực cản kìm hãm tăng trưởng

Tranh minh họa: Khều.
Tranh minh họa: Khều.
TP - Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 9/6, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cảnh báo, tăng trưởng dựa vào tài nguyên chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và có thể gây hệ lụy cho tương lai. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc tăng khai thác dầu thô sẽ tốt cho nền kinh tế, chứ không phải khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước.

Để dành tài nguyên cho con cháu

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế- xã hội thời gian qua, nhất là việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, nhưng ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, nếu không có nhân tố mới thì GDP năm 2017 sẽ chỉ tăng 6,2%, khó đạt được mức 6,7% như kế hoạch đề ra. Từ đó bà Hà đề nghị giải pháp đột phá là tăng lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra (tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng) để thúc đẩy tăng trưởng.

“Với mức tăng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi”, bà Hà nói và đề nghị khi thực hiện giải pháp trên không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác trong năm 2017.

Đề cập đến giải pháp tăng khai thác dầu thô, khoáng sản để thúc đẩy tăng trưởng, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề trên. “Chúng ta không nên dùng giải pháp tập trung vào việc khai thác dầu, khai thác tài nguyên, nguồn thu từ tiền sử dụng đất mà hãy coi đó như của để dành cho con cháu mai sau”, ông Tuấn Anh đề nghị.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Quá nhiều lực cản kìm hãm tăng trưởng ảnh 1 ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị không dùng giải pháp tập trung vào việc khai thác dầu, khai thác tài nguyên, nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Tuấn Anh, để thúc đẩy tăng trưởng cần phải chú trọng và tăng cường sản xuất trong nước bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tập trung cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Kèm với đó là xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cùng chung quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, nhân dân sẽ phấn khởi nếu để nguồn lực có hạn này cho năm sau và cho thế hệ sau. ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, việc tăng khai thác dầu khi giá cả phục hồi là cần thiết, nhưng nếu chỉ để tăng trưởng GDP thì phải cân nhắc khi chúng ta đang hướng đến chất lượng tăng trưởng. Theo ĐB Hạnh, phương thức đóng góp tài nguyên cho tăng trưởng GDP chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và có thể hệ lụy cho tương lai.

Giải phóng 5,4 triệu tỷ đồng “chôn” trong DNNN

Đề cập đến sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị làm rõ liệu có tình trạng trì hoãn, cố tình làm chậm tiến độ? Theo ông Sơn, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp hiện nay là khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, kèm theo là số lượng lớn người nhà nước tham gia quản lý, với nhiều thụ hưởng về chế độ, quyền lợi. “Có một câu hỏi, phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương CPH DNNN, một chủ trương lớn giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Vị đại biểu này cũng phản ánh ý kiến của cử tri Đà Nẵng rằng, có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong câu chuyện này? “Thật khó có thể trả lời rằng ở đâu đó có hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách rõ ràng và không bất thường vẫn đang diễn ra”, ông Sơn bộc bạch.

Theo ông Sơn, việc một số người có chức, có quyền trong DNNN và người thân của họ lợi dụng việc nắm bắt thông tin thao túng quá trình CPH, chuyển những lô đất vàng được định giá với giá trị thấp nhưng sau đó được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm ra được bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm cho đột biến tăng giá như vậy. “Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Vì vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để người dân yên tâm đối với vấn đề trên”, ông Sơn kiến nghị.

ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng bày tỏ băn khoăn về sự chậm trễ CPH và “sức khỏe” của DNNN. “CPH, thoái vốn DNNN chậm phần nhiều do sự thiếu kiên quyết, có tâm lý chờ đợi cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc chậm xử lý số dự án thua lỗ lớn cũng làm quá trình CPH chững lại”, ông Hùng nhận diện và đặt câu hỏi, phải chăng việc này do “lợi ích nhóm”?

Đề cập đến 12 dự án thua lỗ, ông Hùng cho biết, cử tri rất bức xúc khi nói về các dự án nghìn tỷ thua lỗ. “Đề nghị cho phá sản doanh nghiệp, kiên quyết không dùng tiền thuế của dân bù lỗ cho số doanh nghiệp, dự án thua lỗ này”, ông Hùng nói và kiến nghị, Chính phủ cần tổng kết đánh giá thực hiện mô hình tập đoàn, tổng công ty, vốn được thành lập với kỳ vọng là “xương sống nền kinh tế, nhưng thực tế hiệu quả đóng góp thấp”.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Quá nhiều lực cản kìm hãm tăng trưởng ảnh 2 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khai thác thêm dầu thô sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. Ảnh: Như Ý.

Thủ tục hành chính - nút thắt kìm hãm tăng trưởng

Một điểm nghẽn lớn về tăng trưởng được ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) chỉ ra là thủ tục hành chính. “Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm để cải cách nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế’, bà Hà nói và phản ánh hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục rất phức tạp làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả chính quyền địa phương. Theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng mới, số dự án công trình phải thông qua bộ, ngành nhiều hơn trước đây. 

“Từ năm ngoái, Chính phủ đã có chủ trương trình Quốc hội sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư xây dựng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Đây là điểm nghẽn từ sự bất cập của luật cần sớm được tháo gỡ. Nếu như tháo gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính sẽ tạo được sức bật trong tăng trưởng mà nền kinh tế hiện nay còn rất nhiều dư địa”, bà Hà nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết 35 của Chính phủ, nhất là chỉ thị không được kiểm tra, thanh tra chồng chéo. Bởi việc kiểm tra, thanh tra chồng chéo, trùng lặp không chỉ gây phiền hà, sách nhiễu mà đôi khi còn tước đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Khai thác thêm dầu thô sẽ tốt hơn cho nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 được cho là cao, nhưng Chính phủ thấy có cơ sở đạt được nếu triển khai đồng bộ các giải pháp và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bởi năm 2017, cả bối cảnh quốc tế và trong nước đều có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Khu vực nông nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ hơn, công nghiệp chế biến chế tạo có bước chuyển biến tích cực và có khả năng đạt mức tăng 13%, tăng trưởng xuất khẩu cũng có khả năng đạt 10%...

Liên quan đến nội dung đang được nhiều người quan tâm hiện nay là tăng cường khai thác dầu thô để hỗ trợ tăng trưởng, ông Dũng cho hay, đầu năm Chính phủ đặt mục tiêu khai thác 12,28 triệu tấn dầu trong năm 2017. Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu phục hồi tốt và khả năng vẫn còn có thể khai thác được, nên Chính phủ đã quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm, bổ sung thêm 1 triệu tấn dầu cho tăng trưởng. “Chúng tôi nghĩ điều này sẽ tốt cho nền kinh tế chứ không đến mức khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Xin báo cáo để Quốc hội yên tâm”, ông Dũng khẳng định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.