Sắp nới điều kiện cho vay đóng “tàu 67”

Sắp nới điều kiện cho vay đóng “tàu 67”
TP - Tròn 1 năm thực hiện Nghị định 67 (NĐ 67) cho ngư dân vay vốn đóng tàu, đã có bao nhiêu con tàu được hạ thủy, bao nhiêu ngư dân có nhu cầu được vay. Tới đây, Chính phủ các bộ ngành gỡ vướng cho ngư dân thế nào? Tiền phong đã trao đổi với ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đơn vị phụ trách lĩnh vực rót vốn cho tàu 67.

Đã phê duyệt 150 tàu trị giá gần 1.500 tỷ

Ngư dân than khó vay vốn ngân hàng để đóng tàu theo Nghị định 67. Không hiếm người xin rút hồ sơ bởi thấy quy trình đăng ký phức tạp. Là đầu mối lo vốn, ngành ngân hàng nghĩ sao, thưa ông?

Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 đến nay vừa tròn 1 năm. NHNN luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị và đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các NHTM triển khai quyết liệt.Ngoài đi thực tế khảo sát hàng chục chuyến làm việc với địa phương, bộ ngành, cán bộ NHNN  đã về các miền biển làm việc, lắng nghe ngư dân. Những ý kiến ngư dân trao đổi chúng tôi đều lưu ý.

Theo kế hoạch sẽ đóng mới 2.284 tàu cá do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đến nay, các chính sách của Nhà nước để triển khai đã sẵn sàng, các NHTM đã cam kết bước đầu dành 14.000 tỷ để cho vay đóng tàu theo NĐ 67.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM xử lý nhanh các hồ sơ đề nghị vay vốn đã tiếp nhận từ chủ tàu trong thời gian qua để bà con kịp tiến độ đóng tàu phục vụ cho mùa vụ mới.

Ông Võ Minh Tuấn

Trong 1 năm qua, đã có 26/28 địa phương phê duyệt hồ sơ với số lượng chủ tàu đăng ký đóng mới là 821 tàu. (bằng 36% tổng số lượng). Hiện, các ngân hàng đã nhận được 343 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn và đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 150 con tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là gần 1.500 tỷ đồng.

Trong số các hồ sơ còn lại có 3 trường hợp không được các ngân hàng cho vay vì không đáp ứng điều kiện vay vốn của các ngân hàng, 10 trường hợp là chủ tàu chủ động xin rút hồ sơ không vay theo Nghị định 67 và 180 hồ sơ đang được các ngân hàng tư vấn cho ngư dân hoàn thiện hồ sơ để thẩm định. Tôi cho rằng khi quyết định đóng tàu khai thác hải sản xa bờ, ngư dân phải cân nhắc nhiều khía cạnh từ mức vốn phải bỏ ra, số tiền cần vay ngân hàng đến hiệu quả đánh bắt để có thể trả nợ ngân hàng.

Sắp nới điều kiện cho vay đóng “tàu 67” ảnh 1 Ông Võ Minh Tuấn.

Thực tế  ngư dân nhiều địa phương vẫn “kêu” thủ tục phiền hà thậm chí ngân hàng có rót vốn thì “nhỏ giọt”?

Việc cho vay chưa được như kỳ vọng là do nhiều nguyên nhân và Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ cho ngư dân. Nghị định 67 quy định nhiều khâu trong quá trình đóng mới tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ  và thẩm định cho vay là khâu cuối cùng. Do đó, nếu các khâu khác chưa hoàn thành thì ngân hàng cũng chưa thể cho vay được, ví dụ như phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện, thiết kế mẫu tàu, ký hợp đồng với cơ sở đóng tàu, phương án đánh bắt và khả năng trả nợ ngân hàng. Có những trường hợp ngư dân sau khi được địa phương phê duyệt vẫn nhiều lần thay đổi cách thức thực hiện như đổi từ tàu vỏ thép sang tàu vỏ gỗ phải làm thủ tục trình địa phương phê duyệt lại hoặc từ tàu vỏ gỗ sang tàu composite…Còn về quy trình giải ngân, ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ đóng tàu được thỏa thuận giữa ngư dân và cơ sở đóng tàu.

Sắp nới một số điều kiện

Nghị định 67 là một chính sách lớn không chỉ về mặt tín dụng mà còn là chính sách đầu tư lâu dài cho ngư dân trên biển. Với những điểm vướng, nghe nói Chính phủ rất sốt ruột và muốn xử lý tháo gỡ cho thật nhanh?

Hiện Bộ Nông nghiệp đã được Chính phủ giao phối hợp các bộ, ngành chỉnh sửa Nghị định 67 (sửa đổi, bổ sung) và lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Dự kiến sẽ có những điểm mới như: dự thảo NĐ cho phép nâng cấp tàu được sử dụng máy cũ (tỷ lệ máy cũ bao nhiêu sẽ được Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Nông nghiệp hướng dẫn); bổ sung nhu cầu vốn vay đối với nâng cấp tàu vỏ vật liệu mới. Đặc biệt, qua thực tế, NHNN đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận nâng thời gian cho vay từ 12 năm lên 16 năm đối với tàu vỏ thép và composite; điều chỉnh mức lãi suất cho vay lưu động 7%/năm còn 6,5%/năm.

Có 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình này. Và với 150 tàu đã ký hợp đồng tín dụng, BIDV tham gia cho vay đóng 76 tàu; Agribank cho vay 54 tàu; VietinBank là 12 tàu và Vietcombank là 8 tàu. Trong quá trình triển khai, cả ngư dân và ngân hàng thương mại còn lúng túng trong việc xác định giá trị con tàu đóng mới bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần có một bên định giá khách quan về giá tàu và đã giao cho địa phương phê duyệt, công bố các đơn vị thẩm định này.

NĐ 67 sẽ khép lại vào ngày 31/12/2016, chỉ còn 1 năm nữa mà còn tới 2/3 số lượng tàu cần đóng mới. Như vậy, e có kịp không? Nhiều e ngại vay “đóng tàu 67” cũng sẽ  nảy sinh nợ xấu như chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm xưa?

Tôi cho rằng không phải hết năm 2016 là Chương trình khép lại mà đây chỉ là mốc thời gian để Chính phủ và các bộ, ngành tổng kết chương trình từ đó kịp thời có những điều chỉnh cần thiết để chương trình  đạt kết quả tốt hơn. Khác với chương trình cho vay đánh bắt xa bờ theo Quyết định số 393 trước đây, chương trình cho vay theo Nghị định 67 đã rút kinh nghiệm có nhiều chính sách phối hợp đồng bộ (ví dụ như chính sách đầu tư, thuế, bảo hiểm…), đảm bảo hiệu quả sẽ cao hơn và nợ xấu sẽ được kiểm soát.

Cũng phải nói thêm rằng, hoàn cảnh triển khai cho vay đóng “tàu 67” khác với cho vay theo QĐ 393 (đánh bắt xa bờ) năm xưa. Vay đóng “tàu 67” có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, nhưng giữa ngân hàng và ngư dân vẫn là quan hệ vay, trả, phải đảm bảo hiệu quả. Khi triển khai, ngân hàng phải đặt ra mục tiêu, không những thu hồi được nguồn vốn cho vay ra mà còn phải gia tăng lợi ích kinh tế cho các địa phương vì nếu hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ phát triển sẽ tạo động lực để địa phương tổ chức lại mô hình sản xuất, các dịch vụ đi kèm về hạ tầng cơ sở, hậu cần nghề cá…mang lại nhiều lợi ích cho người dân sống với biển, vì biển.

Cảm ơn ông!

Để được địa phương phê duyệt vay vốn theo NĐ 67, chủ tàu cần đáp ứng các điều kiện, đó là: chủ tàu đánh bắt có kinh nghiệm; có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Khi hồ sơ đã được địa phương phê duyệt chuyển cho ngân hàng,  chủ tàu sẽ trải qua thủ tục gồm 3 giai đoạn sau: Được đưa vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện; lựa chọn thiết kế phù hợp sau khi đã thương lượng với cơ sở đóng tàu về loại vỏ tàu, công suất. Cuối cùng là đến ngân hàng để lập phương án vay vốn. Còn sắp tới, sẽ có thêm khâu thẩm định giá của tổ chức thẩm định độc lập.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.