Sẽ chủ động nguyên liệu đóng tàu

Sẽ chủ động nguyên liệu đóng tàu
Việc đạt được thỏa thuận hợp tác sản xuất thép đóng tàu trị giá 400 triệu USD với phía Trung Quốc, theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình, là dự án chiến lược để từ đó, Vinashin chủ động được nguyên liệu đóng tàu.

Thỏa thuận này được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. 19h tối qua (20/7), từ Trung Quốc, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đã có cuộc trao đổi qua điện thoại xung quanh bản thoả thuận.

Vinashin vừa ký thỏa thuận hợp tác sản xuất thép đóng tàu trị giá 400 triệu USD với Tổng Công ty Khoáng sản Trung Quốc. Đây được đánh giá là dự án có ý nghĩa chiến lược đối với ngành đóng tàu biển của Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về thoả thuận này?

Tàu biển được làm từ thép tấm, trong khi đó Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn, không thể chủ động trong sản xuất được, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế hiện nay. Do đó, biện pháp tốt nhất là Việt Nam phải tự sản xuất tấm thép.

Hiện nay, Vinashin đang đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thép tấm. Nhà máy này sẽ vận hành cuối năm 2006.

Song, để có thép tấm lại phải mua phôi thép (nguyên liệu chính để sản xuất thép). Do vậy, chúng ta mới chủ động được một nửa. Việc đạt được thoả thuận hợp tác sản xuất phôi thép với Trung Quốc sẽ giúp ta chủ động hoàn toàn, nhất là khi nhà máy này sản xuất phôi thép từ quặng.

Giai đoạn đầu ta có thể nhập quặng từ nước ngoài, sau đó chúng ta có thể sử dụng mỏ quặng ở Thạch Khê, Hà Tĩnh. Theo khảo sát, mỏ quặng sắt Thạch Khê là mỏ có trữ lượng lớn nhất ở Việt Nam hiện nay (khoảng 550 triệu tấn) với hàm lượng sắt trên 60%, có tính năng luyện kim tốt và lớn nhất Việt Nam.

Nhu cầu phôi thép của Vinashin trong việc sản xuất thép tấm là bao nhiêu, thưa ông?

Sẽ chủ động nguyên liệu đóng tàu ảnh 1
Ông Phan Thanh Bình,Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinashin

Theo tôi, nhu cầu này trong tương lai sẽ lên đến 1 triệu tấn. Tuy nhiên, theo quan điểm của Vinashin, việc sản xuất phôi thép trong nước phải đạt được một nửa, một nửa còn lại là xuất khẩu, khi đó mới đảm bảo thu hồi vốn. Số phôi thép này nếu không dành cho xuất khẩu thì Vinashin sẽ bán lại cho các nhà máy sản xuất thép khác trong nước.

Ông có thể cho biết tại sao Vinashin lại chọn đối tác là Tổng công ty Khoáng sản của Trung Quốc, mà không phải là một công ty khác trên thế giới?

Từ xưa đến nay nhiều người vẫn quan niệm nền công nghiệp của Trung Quốc là kém, công nghệ thấp. Song, trên thực tế, trong khoảng 10 năm lại đây, hầu hết máy móc chính của các nhà máy sản xuất phôi thép tại Trung Quốc cũng như các nước khác đều là do Trung Quốc sản xuất, tất nhiên hệ thống điều khiển, hệ thống điện tử là của châu Âu.

Ngay như những nhà máy thép lớn nhất của Trung Quốc, công suất hàng chục triệu tấn/năm, đều do nước này tự sản xuất, chất lượng rất tốt, giá cả lại rất hợp lý.

Vậy nhà máy liên doanh này bao giờ được triển khai xây dựng tại Việt Nam?

Chúng tôi đang bắt tay vào làm dự án khả thi, sẽ hoàn thành trong năm nay. Nhà máy sẽ được xây dựng trong năm 2006.

Trong liên doanh này phía Vinashin sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm vốn?

Sẽ chủ động nguyên liệu đóng tàu ảnh 2
Vinashin đang cố gắng nâng cao năng lực các nhà máy để đóng các loại tàu kỹ thuật cao.

Vinashin và Tổng công ty Khoáng sản còn đang bàn bạc xem như thế nào. Chúng tôi mong muốn đạt ít nhất là 30% vốn, nhưng Vinashin sẽ cố gắng đàm phán để đạt được 40-50%.

Nhờ đó, Vinashin sẽ nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá?

Đúng vậy. Hiện nay, Vinashin đạt mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 30%, với mục tiêu phát triển đến năm 2010 là xây dựng 3 trung tâm đóng tàu lớn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Vinashin sẽ tiếp tục phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực các nhà máy để đóng được các loại tàu kỹ thuật cao phục vụ ngành dầu khí và quốc phòng, sản xuất, lắp ráp các thiết bị thuỷ, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá vật tư thiết bị phục vụ đóng mới và sửa chữa tàu cho khách hàng trong và ngoài nước.

Nhờ có nguồn phôi thép, Vinashin sẽ chủ động được toàn bộ thép tấm - nguyên liệu quan trọng nhất trong đóng tàu. Từ đó, nâng tỷ lệ nội địa hoá tăng cao, lên khoảng 60%, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2010, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu ngang bằng với các nước khác trong khu vực.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG