Sẽ có quy định mới về điều kiện kinh doanh đòi nợ, cầm đồ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong thời gian đủ 5-7 năm liền kề trước đó đến ngày đăng ký kinh doanh, người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ phải không bị xử lý hình sự về nhiều tội danh.

Theo dự thảo Nghị định quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh phải có điều kiện gồm: Sản xuất con dấu; kinh doanh công cụ hỗ trợ; kinh doanh các loại pháo; dịch vụ cầm đồ; dịch vụ xoa bóp; thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; dịch vụ bảo vệ; kinh doanh súng bắn sơn; trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; dịch vụ đòi nợ; kinh doanh casino; dịch vụ đặt cược; kinh doanh khí; vật liệu nổ công nghiệp; tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh dịch vụ in; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; dịch vụ karaoke, vũ trường; dịch vụ lưu trú; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

Ngoài ra, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp yêu cầu thực tiễn và theo quy định của pháp luật.

Dự thảo đề xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ thuê phải duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Không sử dụng cơ sở kinh doanh để thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Các cơ sở kinh doanh 2 dịch vụ này chỉ sử dụng nhân viên đã đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, không nghiện ma túy. Không được sử dụng nhân viên đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, bị quản chế hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn…

Trong thời gian đủ 5 năm liền kề trước đó đến ngày đăng ký kinh doanh, người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải không bị xử lý hình sự về một trong các tội: Xâm phạm sở hữu; chống người thi hành công vụ; cố ý gây thương tích; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; đánh bạc; tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; các tội liên quan đến ma túy. Đồng thời có kho bảo quản tài sản cầm cố diện tích nhỏ nhất là 20m2.

Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong thời gian đủ 7 năm liền trước đó đến ngày đăng ký kinh doanh không bị xử lý hình sự về một trong các tội: Giết người; đe dọa giết người; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; làm nhục người khác; các tội xâm phạm quyền sở hữu; chống người thi hành công vụ; gây rối trật tự công cộng; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; đánh bạc; tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; các tội liên quan đến ma túy.

Đáng chú ý, dự thảo do Bộ Công an xây dựng yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Hộ chiếu hoặc các loại giấy có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp còn giá trị sử dụng của người mang tài sản đến cầm cố, photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh; lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.

Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy tờ sở hữu, chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy tờ sở hữu và phải giữ lại bản chính (photocopy) của giấy tờ đó trong thời gian cầm cố tài sản. Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

“Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá 20%/1 năm; tiền công bảo quản tài sản của người cầm cố do hai bên thỏa thuận”- dự thảo nêu rõ.

Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dự thảo quy định, chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ.

“Phải có văn bản thông báo về việc thực hiện đòi nợ ít nhất trước 3 ngày cho cơ quan Công an cấp xã nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ. Khi thực hiện đòi nợ không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, phương tiện, thiết bị làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng hoặc vệ sinh môi trường. Không sử dụng những người không phải là nhân viên của cơ sở kinh doanh thực hiện việc đòi nợ”- dự thảo nêu rõ điều kiện.

Nhân viên dịch vụ xoa bóp phải có chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp phải có nơi cất giữ tư trang, tài sản của khách. Phòng xoa bóp không được dùng khoá, chốt bên trong; phần trên cửa ra vào lắp kính trắng để bên ngoài có thể quan sát được toàn bộ khu vực phòng. Phải bố trí phòng nam riêng, nữ riêng; có nhân viên y tế thường trực tại cơ sở khi hoạt động dịch vụ và có đủ cơ số thuốc phục vụ cấp cứu theo quy định; phải đặt chuông báo cấp cứu tại khu vực kinh doanh. Nhân viên xoa bóp phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định, mặc trang phục kín đáo và đeo biển hiệu (có dán ảnh) ghi rõ họ, tên.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG