Sẽ không còn chuyện DNNN thua lỗ nhưng không ai chịu trách nhiệm

Sẽ không còn chuyện DNNN thua lỗ nhưng không ai chịu trách nhiệm
TP - Đó là khẳng định của Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông tại hội thảo Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 23/8.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam quyết tâm tách chức năng quản lý nhà nước và quyền sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra khỏi các bộ ngành chủ quản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là chỉ ra cách làm như thế nào.

Theo Thứ trưởng Đông, cơ quan chuyên trách sẽ không trực tiếp điều hành hoạt động của từng DN, mà quản lý bằng việc đưa ra kế hoạch, chủ trương. Mỗi DN sẽ ký kết hợp đồng với cơ quan chuyên trách. Nhân sự trong cơ quan chuyên trách thực hiện theo quy chế thị trường về tiền lương, chế độ đãi ngộ…và phải trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch cao. Nếu vi phạm sẽ cách chức, sai thải. Sẽ không còn câu chuyện DNNN thua lỗ nhưng không có người chịu trách nhiệm.

“Đâu đó sẽ có những cá nhân muốn can thiệp chính trị vào cơ quan chuyên trách này nhưng tôi khẳng định cơ hội cho người  muốn can thiệp, trục lợi cá nhân rất ít vì mọi hoạt động phải chịu trách nhiệm giải trình rất lớn. Mọi hoạt động của cơ quan này đều có cơ quan kiểm toán độc lập đánh giá”, ông Đông nói.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, cơ quan chuyên trách sẽ quản lý, định hướng DNNN tham gia lĩnh vực khó, không thu hút được tư nhân như y tế, giáo dục ở vùng nông thôn, miền núi… Các lĩnh vực có thể xã hội hóa sẽ để tư nhân tham gia, nhà nước không cạnh tranh với tư nhân.  

Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) William P.Mako cho rằng, DNNN đang trói chân nền kinh tế, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng. Cơ chế quản trị còn manh mún, mỗi bộ ngành phụ trách một vài DNNN. Cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên trách chia thành 6 ban chuyên môn (đầu tư tài chính, phân tích, dự báo…) sẽ cồng kềnh, lãng phí. Thậm chí, có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp vào hoạt động hàng ngày của DN. Đây là bất cập đang diễn ra đối với ủy ban giám sát quản lý tài sản nhà nước của Trung Quốc. Nếu áp dụng kinh nghiệm của Thụy Điển, cơ quan chuyên trách chia thành các nhóm nhỏ 3 người, phụ trách từ 1-3 tập đoàn, tổng công ty cùng nhóm ngành.

MỚI - NÓNG