Siết quản lý tài sản công, hết thời bảo tàng bán bia

Nhà hàng ăn uống tại 25 Tông Đản thuê lại của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Nhật Minh.
Nhà hàng ăn uống tại 25 Tông Đản thuê lại của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Nếu Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được thông qua, Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ bịt được nhiều lỗ hổng trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay. Việc bảo tàng bán bia, bệnh viện công dồn bệnh nhân dẫn tới quá tải để lấy chỗ kinh doanh… sẽ không nhức nhối như hiện nay.

Bệnh viện công dồn bệnh nhân lấy chỗ kinh doanh

Chiều 25/5, Bộ Tài chính đã họp báo về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, do lịch sử để lại, tài sản công được chia ra quy định tại nhiều luật chuyên ngành khác nhau. Vì vậy, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ có quy định khung để bao quát quản lý toàn bộ tài sản công. Qua đó ngăn chặn thất thoát, lãng phí, tham nhũng và khai thác được hết nguồn lực tài sản công cho phát triển đất nước.

Liên quan tới các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản Nhà nước giao, đầu tư để kinh doanh, liên doanh liên kết, như bảo tàng cho thuê đất mở quán bia, trung tâm tiệc cưới, bệnh viện quá tải nhưng vẫn mở phòng dịch vụ… Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Thịnh cho biết theo dự luật này các đơn vị sự nghiệp công tiếp tục được sử dụng tài sản dôi dư vào kinh doanh. Tuy nhiên, dịch vụ kinh doanh phải cùng ngành nghề, đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, các cơ sở sử dụng vào kinh doanh, liên doanh, liên kết phải được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, và chỉ được thực hiện khi cơ sở hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu. “Việc này đã được bàn nhiều. Các bệnh viện quá tải, hoặc dồn người bệnh vào để làm phòng dịch vụ là không đúng, không phải đem bệnh viện do nhà nước đầu tư ra để làm việc này (kinh doanh, liên kết - PV). Hay việc bảo tàng cho thuê đất làm quán bia, trung tâm tiệc cưới cũng vậy, đơn vị này không có chức năng, nhiệm vụ kinh doanh bia”, ông Thịnh nói.

Về số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết, theo ông Thịnh, hiện số lượng đơn vị nhà nước, sự nghiệp công lập sử dụng tài sản kinh doanh, liên kết chưa nhiều. Nguồn thu từ hoạt động liên doanh, liên kết được hòa chung vào nguồn thu của đơn vị, quyết toán kinh phí cũng tính chung, nên chưa tách được.

Vì vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý Công sản, luật mới sẽ quy định bắt buộc kê khai tài sản công qua cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Trong kê khai, cũng quy định các đơn vị phải kê khai rõ phần tài sản nào dư thừa đem kinh doanh, liên doanh, liên kết; cho ai thuê, liên kết với ai, giá cả bao nhiêu; nguồn thu từ từng hoạt động này được bao nhiêu, chi thế nào…

Với các đơn vị nhà nước khác, Luật Quản lý sử dụng tài sản công cũng quy định, không được dùng ngân sách đầu tư, mua sắm vượt nhu cầu, định mức để dôi dư đem kinh doanh. Việc đầu tư mới phải được cơ quan tài chính cùng cấp phê duyệt định mức mới được đầu tư, mua sắm.

Siết quản lý tài sản công, hết thời bảo tàng bán bia ảnh 1 Bộ Tài chính kỳ vọng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ bịt được các lỗ hổng hiện nay. Ảnh minh họa: Phạm Thanh.

Cấm dùng ô tô biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi lần này tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội nên bổ sung thêm 2 hành vi nghiêm cấm mới. Theo đó, nghiêm cấm các đơn vị nhà nước sử dụng ô tô và tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định này nhằm ngăn chặn việc các địa phương, đơn vị nhận và sử dụng ô tô đắt tiền (xe sang) của doanh nghiệp biếu tặng như thời gian qua.

“Khi nhận xe biếu tặng, cơ quan nhà nước phải thẩm định lại giá, không lấy giá kê khai của doanh nghiệp để đưa vào sổ sách. Hy vọng quy định này sẽ ngăn chặn được việc tặng xe sang nhưng kê khai giá thấp để phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng của cơ quan nhà nước. Còn việc anh tặng xe phục vụ mục đích an sinh, như xe chữa cháy, xe cứu thương sẽ chẳng ai nói gì”, ông Nguyễn Tân Thịnh nói.

Đồng thời, nghiêm cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Điều này nhằm ngăn chặn việc trang bị ô tô, tài sản công cho các đơn vị cấp dưới vượt định mức, hoặc không có tiêu chuẩn vẫn được trang bị sử dụng.

Dự luật cũng quy định rõ về hình thức khoán định mức sử dụng tài sản công, để mở đường cho việc áp dụng rộng rãi hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công và các tài sản, dịch vụ công khác. Nâng cấp chức năng ban hành tiêu chuẩn, định mức một số loại tài sản lên Chính phủ thay cho quyết định của Thủ tướng. Quy định này hướng tới việc ban hành tiêu chuẩn, định mức phải được lấy ý kiến các đơn vị liên quan, có đánh giá tác động.

Làm như vậy sẽ khắc phục việc các cơ quan, đơn vị mua sắm, sử dụng tài sản công vượt định mức. Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung 2 hình thức giám sát, là giám sát cộng đồng thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; giám sát của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị với việc quản lý, sử dụng tài sản công tại nơi mình công tác.

Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng các tài sản công khác, như tài sản hạ tầng, vùng trời, vùng nước, tần số điện, khoáng sản, đất đai… Dự kiến Dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 29/5 tới.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện tổng trị giá tài sản Nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 50 tỷ USD). Nếu tính hết các loại tài sản được xác định là tài sản công (như kết cấu hạ tầng giao thông, nước sạch, khoáng sản, đất đai…) tổng trị giá phải lên tới 10 triệu tỷ đồng. Thậm chí, một số tổ chức quốc tế tính toán tài sản công tại mỗi quốc gia có trị giá gấp 4 lần GDP, tại Việt Nam có thể hơn (Quỹ Tiền tệ quốc tế tính toán, GDP năm 2014 của Việt Nam tính theo sức mua tương  đương khoảng 500 tỷ USD, tổng tài sản công sẽ gấp 4 lần con số này).

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.