Sốt nhân lực chứng khoán

Sốt nhân lực chứng khoán
TP - Cùng với cơn sốt chứng khoán chưa có điểm dừng  thì nhân lực cho thị trường này cũng đang là bài toán nan giải cho cả cơ quan quản lý lẫn các Cty chứng khoán  vì quá thiếu.
Sốt nhân lực chứng khoán ảnh 1
Nghề chứng khoán - nghề thời thượng hiện nay  Ảnh: Phạm Yên

Đã có gần 60 Cty chứng khoán hoạt động nhưng số nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề mới dừng ở con số 300 trong khi nhu cầu cần ít nhất 1.500 người.

Không chỉ những Cty mới ra đời mà cả SSI, VCBS, BVS, ACBS…cũng đang tìm “đỏ mắt” cũng không tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết…

Kỳ 1: Nước không chảy chỗ trũng

Trả lương cao, thưởng hậu, có cả cổ phiếu ưu đãi nhưng tìm  được nhân lực chủ chốt cỡ trưởng, phó phòng vẫn là niềm ao ước của lãnh đạo các Cty chứng khoán vào thời điểm này. Không những vậy, ngay cả những sinh viên mới ra trường nếu có thêm các chứng chỉ đào tạo nghề chứng khoán thì không những cánh cửa các Cty chứng khoán luôn rộng mở mà mức lương 8-10 triệu đồng/ tháng chưa tính tiền thưởng hiện cũng quá dễ dàng.

Săn lùng nhân sự chứng khoán

Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán  TPHCM cho biết: “2 năm trước được mặc áo broker (nhân viên môi giới) dù ở các  Cty hay ngay tại Trung tâm đều được xem là khá lý tưởng với nhiều nhân viên, nhưng nay thì ngay cả chúng tôi cũng luôn trong tình trạng thiếu người”.

Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nơi đang trả cho những nhân viên giỏi của mình mức lương 10-15 triệu đồng/tháng từ ba tháng nay cũng thường xuyên đăng tuyển dụng và nhờ cả các Cty “săn đầu người” nhưng cũng không đáp ứng nổi.

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  (UBCKNN) kiểm tra và phát hiện 27/39 nhân viên môi giới chứng khoán của SSI, 13/22 nhân viên của Cty chứng khoán NHNT (VCBS)  chưa có chứng chỉ hành nghề… là một minh chứng rõ nhất cho tình hình thiếu hụt trên.

Ngay cả UBCKNN và Trung tâm GDCK TPHCM, Trung  tâm GDCK Hà Nội cũng phải để nhân sự cấp cao của mình bị các Cty chứng khoán mới mở mời về đầu quân. Vụ phó Vụ Quản lý phát hành UBCKNN Lê Hồ Khôi giờ đã là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty chứng khoán Tràng An.

Còn tình trạng trưởng, phó phòng  Cty này tuần này sang tuần khác đã có chức vụ cao hơn ở Cty khác đã là chuyện thường ngày. Chúng tôi cũng đã từng gặp một Trưởng phòng của BVS cuối tháng 12/2006 nhưng đến 10/1/2007 anh đã sang làm Phó giám đốc cho một Cty chứng khoán mới.

Tổng GĐ SSI Nguyễn Duy Hưng thừa nhận giữ được nhân sự giỏi trong thời điểm này còn khó hơn điều hành kinh doanh.Ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng - Trưởng đại diện UBCKNN tại TP HCM cho rằng: “Căn cứ vào số lượng mới có 300 nhà môi giới có chứng chỉ thì mỗi người phải quản lý đến 500- 600 tỷ đồng, đó là một khối lượng công việc không tưởng nên các Cty chứng khoán chỉ còn cách sử dụng nhân viên môi giới, tư vấn chưa có chứng chỉ mà chỉ có kinh nghiệm, bằng cấp tài chính”.

“Broker ngàn đô”

Trước tình trạng trên, nhiều nhân viên trong ngành chứng khoán đã “làm giá” khá cao. Trước khi chính thức giao dịch, Ban giám đốc  Cty chứng khoán Thiên Việt đã ròng rã 4 tháng liền tìm cho đủ những vị trí cần thiết đến giờ chót.

Mức lương xấp xỉ 10 triệu đồng với những nhân viên môi giới giỏi, tư vấn có uy tín đã không còn là sức hút chủ yếu. Thay vào đó là những khoản thưởng ít nhất 20 triệu thời gian đầu, cổ phiếu ưu đãi của Cty hay những khả năng phát triển lên “ghế” cao hơn.

Ở không ít Cty, phòng nhân sự phải lục lại danh sách những nhân viên đã rời nhiệm sở vào thời kỳ ảm đạm 2003-2005 để mời họ về với mức lương cao gấp đôi thời kỳ trên.

Do thường xuyên phải làm việc căng thẳng từ 8 giờ sáng đến hết buổi sáng, khi phiên giao dịch kết thúc lại lo liên hệ với khách hàng, xem lại sổ sách, kiểm tra email, tin nhắn… nên suốt 3 tháng qua, nhân viên của SSI, BVS, ACBS… làm việc đến 6,7 giờ tối là bình thường.

Do áp lực công việc quá nặng, chỉ cần sai sót dấu phẩy, số 0 là thiệt hại hàng tỷ bạc nên không phải nhân viên nào cũng ưa thích công việc dù lương cao và được yêu chiều hết cỡ. Việc đền vài triệu đồng cho khách hàng, bị trừ lương, cắt thưởng… trước các Cty làm rất căng nhưng vài tháng nay cũng đã chùng xuống nhiều lần do thiếu nhân lực.

Phó GĐ một Cty chứng khoán than thở: “Mới gọi vào kiểm điểm hôm trước hôm sau có em đã viết đơn xin nghỉ và tuần sau họ lại mặc áo broker của Cty khác”. Cộng với lời mời chào của những Cty mới có mức lương đang được đẩy lên cả ngàn USD với nhân viên giàu kinh nghiệm thì việc broker “chảnh” với cấp trên, khó chịu với khách hàng để có cớ ra đi đang là “mốt”.

Nhưng có người tỉnh táo hơn như Đặng Thị Việt Anh (nhân viên ACBS) thì cho rằng “khi TTCK chững lại và đóng băng thì tụi tôi cũng hết thời, vì thế bây giờ phải tranh thủ tìm chỗ lương cao, hợp đồng dài hạn, đãi ngộ xứng đáng…”.

Nhiều Cty phải chấp nhận hợp đồng không xác định thời hạn thay cho việc gia hạn hàng năm, tăng lương năm một, ngoài lương còn có thưởng quý, phép… để giữ chân nhân viên nhưng “nhiều Cty lớn như SSI, BVS, VCBS… còn giữ không nổi huống hồ là chúng tôi” như lời của ông Bùi Việt,  Giám đốc Cty chứng khoán Ngân hàng Đông Á.

Đón đọc kỳ 2: Khan hiếm từ đầu vào

MỚI - NÓNG