Sửa luật để vào WTO

Sửa luật để vào WTO
“Muốn gia nhập WTO, trong mảng pháp luật kinh tế, các đối tác đàm phán muốn ta sửa đổi, bổ sung những nội dung gì, thì nên tập trung vào những vấn đề đó...” Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết.
Sửa luật để vào WTO ảnh 1
Để gia nhập WTO, VN cần sửa đổi một số điều luật để phù hợp với thông lệ quốc tế

Thưa ông, việc hoàn thiện một khối lượng lớn các văn bản pháp luật để phù hợp với các thông lệ quốc tế đã được Việt Nam tiến hành như thế nào?

Có thể thấy điểm cơ bản là khối lượng công việc thì rất lớn, nhưng thời gian lại không còn nhiều. Vì vậy chỉ nên tập trung vào những vấn đề mà các đối tác yêu cầu bổ sung. Như vậy mới có điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, thông qua 1 luật trong 1 kỳ họp theo đúng yêu cầu đề ra.

Trong quá trình đó, cần có nghị định hướng dẫn, bổ sung hay cụ thể hoá gì thì các cơ quan chức năng cần chuẩn bị sẵn, để khi Quốc hội thông qua một quy định mới thì đồng thời cũng ban hành được ngay văn bản hướng dẫn để luật đi vào đời sống.

Vậy chỉ nên tập trung vào một số điểm nào?

Ví dụ như luật thuế GTGT thì họ yêu cầu sửa Điều 8 quy định về các mức thuế suất đối với những nhóm mặt hàng khác nhau, Luật thuế TTĐB chỉ có Điều 7, Điều 16 về thuế suất và những trường hợp được xét miễn thuế, giảm thuế. Hay như luật hải quan thực ra chỉ có Điều 25, Điều 32 về thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải và kiểm tra sau thông quan là cần phải xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quốc tế, v.v....

Trong khi đó, đang có tình trạng ở một số dự án luật, các cơ quan trình đưa lên quá nhiều nội dung cho Quốc hội, trong đó có cả những vấn đề chưa cần thiết vào thời điểm này, như vậy khó đem lại hiệu quả.

Còn những vấn đề trong chính sách kinh tế vĩ mô thì sao, thưa ông?

Cũng tương tự như thế. Ví dụ như chính sách đấu thầu, khi quốc tế yêu cầu Việt Nam cần có quy định tất cả các công trình dự án liên quan đến chi tiêu từ ngân sách Nhà nước thì cho phép các doanh nghiệp, các nhà thầu trong nước, ngoài nước, trong quốc doanh, ngoài quốc doanh đều được tham gia đấu thầu không hạn chế thì chỉ cần sửa đổi ở cấp nghị định, kèm theo quy chế mà có thể chưa cần thay đổi pháp lệnh ngay.

Hay như vấn đề ngoại hối, công khai dự trữ ngoại tệ thì đây là vấn đề không chỉ đơn thuần xem xét ở luật.

Trong hệ thống pháp luật cần điều chỉnh để gia nhập WTO, dự án Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư (thống nhất) được quan tâm nhiều nhất. Ông nhận định về đạo luật này?

Đây là một trong những quy định, thiết chế cần được ưu tiên trước hết. Theo yêu cầu, Ban soạn thảo đã công bố sớm một bước dự thảo mới với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung. Các quy định đều hướng tới việc đơn giản hoá thủ tục, giảm rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, vấn đề tạo một sân chơi bình đẳng, như nhau cho một loại hình doanh nghiệp không nhất thiết phải đưa vấn đề mang tính "bài bản" như trên, hoặc nếu có thì là câu chuyện của năm 2006 hay 2007.

Trước mắt, theo tôi, cần phải lựa chọn những quy định mang tính đặc thù của loại hình doanh nghiệp Nhà nước để chuyển sang quy định trong luật doanh nghiệp chung là đủ. Sau này, ta có thể xem xét một cách hệ thống toàn văn để sửa đổi, bổ sung cũng chưa muộn. Rất nhiều luật mà chúng ta đặt lên bàn nghị sự lần này khi đối chiếu với yêu cầu các đối tác đàm phán thì chỉ cần thực hiện ở một số nội dung cơ bản mà thôi.

MỚI - NÓNG