Tái cơ cấu giai đoạn 2: Các ngân hàng phải tìm lối đi riêng

Sau 3 năm, nền tảng khách hàng cá nhân đã được xây dựng chắc chắn.
Sau 3 năm, nền tảng khách hàng cá nhân đã được xây dựng chắc chắn.
TP - Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã khởi động bước sang giai đoạn 2 quãng từ năm 2016 - 2020. Trong khi nhiều ngân hàng vẫn bộn bề chờ hiệu lệnh, thì một số nhà băng đã bứt lên chủ động chuyển mình sang giai đoạn mới. Có thể kể ra đây những cái tên như TienphongBank, NCB, PVcomBank…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương xây dựng đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn tới cũng là quãng thời gian các ngân hàng tiếp tục có cơ hội tái cấu trúc để có thể tiếp tục phát triển bền vững cũng như sẽ phải tìm lối đi riêng cho mình. Trường hợp huy động vốn từ cổ đông hiện hữu không khả thi, các ngân hàng buộc phải tìm các đối tác tương xứng để tiến hành hoạt động sáp nhập.

Gian nan chặng đường

Ngày 1/10/2013, thương hiệu PVcomBank chính thức ra mắt, qua hợp nhất giữa Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) và công ty Tài Chính cổ phần Dầu khí (PVFC). Ba năm đầu thực hiện tái cơ cấu,  PVcomBank đang vượt qua những thách thức trọng yếu.

Nhớ lại, thời điểm đó, PVcomBank là ngân hàng hoàn toàn mới, ra đời trong thế khó khi thị phần của cả hai tổ chức cũ đều eo hẹp, nặng gánh. Những bộn bề khi sáp nhập dẫn đến vô số lo toan, từ giữ nhân sự, bộ máy đến đảm bảo lương, thu nhập cho cả ngàn CBCNV; nặng gánh hơn chính là xây dựng một cỗ máy ngân hàng hoàn chỉnh và chạy tốt.

Ý thức điều đó, việc đầu tiên của PVcomBank là xác lập thương hiệu với điểm nhấn tập trung đầu tư thiết lập một hình ảnh mới.  Thuê tư vấn nước ngoài, bảo hộ tại hơn 100 quốc gia, mất 3 năm, công nghệ ngân hàng lõi mới chuẩn chỉnh sau hợp nhất. “Sinh sau đẻ muộn” nhưng đổi lại, PVcomBank nhanh chân phát triển nhanh và ấn tượng các tiện ích ngân hàng hiện đại.

Ví như, khách hàng chỉ cần có quan hệ mở tài khoản gửi tiết kiệm một lần lập tức được gắn số tài khoản với số chứng minh nhân dân và link từ sổ tiết kiệm cá nhân đến tài khoản; từ đó khách hàng có thể dễ bề quản lý số dư, thời điểm rút hay gửi tiền; hay như trải nghiệm sản phẩm PV Mobile Banking, hàng trăm tiện ích và giao dịch ngân hàng, thanh toán… tích hợp và xử lý nhanh chóng...

Sự mở rộng nhanh chóng nền tảng khách hàng cá nhân tạo bước tiến cần thiết cho yêu cầu phát triển một ngân hàng bán lẻ. Quan trọng hơn, điểm chuyển biến này giúp PVcomBank từng bước ổn định và đảm bảo thanh khoản tốt, đặc biệt chỉ số an toàn vốn (CAR) đạt được 11,6% (cao hơn mức 9% theo yêu cầu của NHNN).

Kết quả không phụ lòng người

Tiến dần từng bước để rút ngắn khoảng cách hạn chế về nền tảng khách hàng cá nhân khi hợp nhất, 3 năm qua, PVcomBank đã nhanh chóng tạo và mở rộng thị phần. Cùng đó, xử lý nợ xấu được PVcomBank tập trung làm mạnh. Ngân hàng đã thu hồi nợ xấu và tái cấu trúc 3.000 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là thu hồi nợ nhóm liên quan đến Western Bank trước đây là 1.238 tỷ đồng, Vinashin là 224 tỷ đồng, Vinalines 1.208 tỷ đồng, nhóm PVC 142 tỷ đồng…

Nếu tại thời điểm hợp nhất, Western Bank gặp khó khăn thanh khoản, thì PVcomBank sau hợp nhất, theo đánh giá của NHNN, thanh khoản luôn được duy trì tốt, đồng thời đã chủ động trong cơ cấu và dịch chuyển tài sản sang những khoản có tính chuyển đổi cao, an toàn như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.  Chưa kể, chiến lược phát triển tín dụng của PVcomBank đã cẩn trọng hơn, theo quan điểm “nắm đằng chuôi” các tài sản đảm bảo để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của PVcomBank đã đưa ra chiến lược tăng trưởng bằng cách tạo nên sự khác biệt trên cơ sở hiểu biết nhu cầu khách hàng và hướng tới khách hàng. Cụ thể là thông qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ phong phú, linh hoạt, thông minh phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng dựa trên nguồn vốn vững mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú với phương châm: khách hàng là trọng tâm. Cùng với đó, PVcomBank luôn chú trọng đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa tiện ích sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ.

Cơ hội vàng lành mạnh hóa

Cơ chế và thời gian là hai điều cần nhất với một ngân hàng có nhiều cái khó và bộn bề như PVcomBank. Thấu hiểu khó khăn đó, sau khi đã được sự nghiên cứu và đồng thuận của nhiều bộ ngành có liên quan, PVcomBank chính thức bước sang giai đoạn mới.

Tái cơ cấu giai đoạn 2: Các ngân hàng phải tìm lối đi riêng ảnh 1

PVcomBank với những bước đi  bài bản trong giai đoạn II tái cơ cấu  2016-2020

Ngày 10/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ra chủ trương cho phép kéo dài quá trình tái cơ cấu đến 2020, cũng là một điều kiện về thời gian. Ðề án tiếp tục tái cơ cấu được NHNN phê chuẩn. Ðây là tiền đề quan trọng tạo dựng nền tảng vững chắc đưa ngân hàng vững bước vào giai đoạn II - tăng dần tốc độ phát triển để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Lần giở lại lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 của PVcomBank đã được phê duyệt, thấy bao gồm những mục tiêu chiến lược do BCG tư vấn như: nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR > 9%), tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động của ngân hàng. Cùng đó, tăng trưởng về quy mô và tổng tài sản tối thiểu theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 và hướng tới mục tiêu theo tư vấn chiến lược BCG về quy mô và tổng tài sản.

Cụ thể, PVcomBank dự kiến tổng tài sản từ gần 129.000 tỷ đồng năm 2016 lên gần 155.000 tỷ đồng năm 2020; tương ứng giai đoạn này từ 135 chi nhánh/phòng giao dịch lên con số 200; từ gần 160 mạng lưới ATM lên 450-500; phát triển mạng lưới các kênh bán phục vụ khách hàng ưu tiên trong và ngoài PVN.

Tái cơ cấu giai đoạn 2: Các ngân hàng phải tìm lối đi riêng ảnh 2

Theo lãnh đạo PVcomBank, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý, ngân hàng đã đi vào hoạt động ổn định, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về mục tiêu tái cấu trúc và mục tiêu tài chính. Bên cạnh cơ hội tạo điều kiện từ cơ chế chính sách, cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), nắm 52% vốn, vẫn là một điểm tựa trách nhiệm, hỗ trợ trong quản lý vốn và phát triển kinh doanh, trước khi chuyển giao phần vốn sang NHNN đại diện khi kết thúc tái cơ cấu.

Theo ngân hàng nhà nước, giai đoạn 2011 - 2015, số lượng TCTD đã giảm 19 tổ chức thông qua việc thực hiện M&A, giải thể, thu hồi giấy phép. Trong đó, có 9 ngân hàng, 2 TCTD phi ngân hàng và 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn còn có tới 12 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng.

Tái cơ cấu PVcomBank qua các mốc thời gian

Ngày 18/5/2013, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC (mã PVF-HOSE) thông qua bản đề án hợp nhất PVFC và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Western Bank).

Ngày 12/9/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Quyết định số 2018/QÐ-NHNN chấp thuận việc hợp nhất hai tổ chức trên thành Ngân hàng TMCP Ðại chúng (PvcomBank).

Ngày 1/10/2013, thương hiệu PVcomBank chính thức ra mắt với thiết kế và nhận diện thương hiệu bắt mắt cùng sologan dễ gần: “Ngân hàng không khoảng cách”.

 Cuối năm 2013, PVcomBank làm việc với đơn vị tư vấn ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ (BCG) để xác định chiến lược kinh doanh và phát triển dài hạn với mục tiêu trở thành 1 trong 7 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam về quy mô tài sản vào năm 2020.

Ngày 10/3/2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016- 2020 và NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Ðề án tái cơ cấu PVcomBank.

Ngày 3/6/2016, NHNN có văn bản phê duyệt chính thức đề án này chấp thuận PvcomBank bước sang giai đoạn II tái cơ cấu với lộ trình và định hướng bài bản.

MỚI - NÓNG