Tám tháng thực hiện Luật Hải quan mới, doanh nghiệp vẫn 'muốn khóc'

Thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Huy
Thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Huy
TP - Những thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm dịch với hàng hóa năm 2015 không đơn giản hơn trước dù Luật Hải quan mới hứa hẹn nhiều cải cách đột phá đã có hiệu lực từ đầu năm.

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã than vãn như vậy tại hội thảo đánh giá 8 tháng thực hiện Luật Hải quan do Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Lên viện hàn lâm… kiểm tra lông vũ

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với nhiều lô hàng, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Các DN dệt may thường phải nhập khẩu lông vũ, lông cáo, chồn để làm hàng xuất khẩu. Những mặt hàng này đã có kiểm dịch động vật từ phía nước xuất khẩu, nhưng về Việt Nam vẫn phải làm lại quy trình xin kiểm dịch.

Quy trình cụ thể được bà Dung cho biết bắt đầu từ gửi công văn lên Cục Thú y, Bộ NN&PTNN và chờ có chứng nhận thường sẽ mất 5-7 ngày. Sau đó, DN tiếp tục phải xin đăng ký kiểm dịch, hun khử trùng tại cửa khẩu nhập thường là 1-2 ngày. Kết quả sau hun khử trùng tiếp theo phải gửi lên Viện Sinh thái Môi trường hoặc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giám định. Tổng thời gian thực hiện kiểm dịch mặt hàng này có thể lên tới 20 ngày. Trong thời gian ấy, các đơn vị nhập khẩu không chỉ phải chịu chi phí kiểm dịch mà còn gánh thêm phí lưu kho bãi có thể lên vài chục triệu đồng”, đại diện ngành dệt may cho biết.

“Thời gian hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm 2015 so với trước đó chưa cải thiện nhiều khi 78,6% DN cho rằng thời gian kiểm dịch không nhanh hơn. Thời gian kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho kết quả không thay đổi gì. Đặc biệt, 88,5% DN tham gia cho biết để hàng được thông quan thì các đơn vị vẫn phải làm thủ tục trực tiếp với bộ phận giám sát”.

 Kết quả khảo sát của USAID

Chưa hết, DN còn “muốn khóc” với yêu cầu của cơ quan chức năng là phải photocopy một bản kèm các tờ khai hàng gia công đã nộp cho hải quan dù đã thực hiện theo phương thức điện tử. “Bộ photocopy chứng từ đó là gì, tại sao phải nộp, cái này cần làm rõ”, bà Dung nói.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn thừa nhận: “Một số cơ quan vẫn chưa thay đổi thủ tục hành chính liên quan và vẫn yêu cầu chứng từ là không đúng tinh thần của nghị định”. Hiện cơ quan chức năng tiến hành đo thời gian kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa.

Nguy cơ phân biệt đối xử

Liên quan đến thời gian kiểm tra hàng hóa, ông Nguyễn Hoài Nam Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra thực tế: Chỉ một số ít DN trong ngành thủy sản hiện được vào luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa). Bản thân DN thuộc luồng xanh cũng không hiểu vì sao được vào khu vực ưu tiên này.

Chuyên gia hải quan của USAID ông Phạm Thanh Bình (nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan) cho biết, “Có DN làm hàng xuất khẩu mà chỉ 1% hàng thuộc luồng xanh. Thậm chí nhiều DN có 100% hàng hóa thuộc luồng đỏ”, vị này nói.

Ông Bình cho hay, nguyên nhân xuất phát từ việc một số mặt hàng đã cơ quan chuyên ngành kiểm tra, nhưng vẫn bị kiểm tra lại theo diện luồng vàng. “Tức một số mặt hàng đã được cơ quan nhà nước chăm sóc hơi kỹ. Ta cần tính lại, quản lý rủi ro là hiện đại nhưng không cẩn thận thì thành phân biệt đối xử”, vị chuyên gia này cảnh báo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.