Tất cả chứng khoán trên sàn đều giảm

Tất cả chứng khoán trên sàn đều giảm
Một hiện tượng hiếm thấy trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 8/5/2006: Tất cả các chứng khoán đều giảm giá, bán nhiều hơn mua.
Tất cả chứng khoán trên sàn đều giảm ảnh 1
Thị trường thực sự nóng: những chiếc quạt giấy cũng được huy động. Ảnh chụp ngày 4/5/2006: Vietnamnet

Chỉ số VN-Index tiếp tục giảm thêm 19,64 điểm tương đương giảm 3,31% so với phiên giao dịch trước và rớt xuống 574,25 điểm. Đây là phiên thứ ba liên tục chỉ số giảm kể từ ngày 4/5.

Trên thị trường lượng hàng đặt bán tiếp tục tăng cao hơn lượng đặt mua. Theo nhiều nhà quan sát, nếu như trong tháng 4/2006 thị trường vẫn trong tình trạng tranh mua thì những phiên đầu tháng 5 bắt đầu có xu hướng tranh bán.

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương, các đối tượng tham gia quá trình mua bán theo phong trào vẫn chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam mới tham gia thị trường.

Cụ thể, lượng cung hôm nay đạt 5,0 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong khi lượng cầu ở mức 2,0 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Khối lượng khớp lệnh thành công giảm còn 1,32 triệu cổ phiếu (-44%) và 0,32 triệu chứng chỉ quỹ, giảm 63% với giá trị tương đương 112 tỷ đồng – giảm 89 tỷ đồng so với phiên trước.

Trong phiên đầu tuần này, toàn bộ 35 mã cổ phiếu và 01 chứng chỉ quỹ niêm yết đều giảm giá. Tổng số mã chạm sàn là 26 loại với khối lượng dư bán giá sàn lên tới 2,15 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá gần 90 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chủ lực trên thị trường là REE, VNM, SAM, GMD lượng giao dịch vẫn lớn nhưng giá giảm lần lượt là 4.000, 3.000, 2.000, 1.000đ xuống mức giá 98.000, 90.000, 94.000, 80.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính cả cổ phiếu giao dịch thoả thuận và trái phiếu, tổng khối lượng chứng khoán giao dịch toàn thị trường ngày 8/5 đạt 3.244.620 đơn vị với tổng giá trị trên 272 tỷ đồng.

Giảm giá là bình thường

Tất cả chứng khoán trên sàn đều giảm ảnh 2
Đã xuất hiện tình trạng tranh nhau bán ra khi chỉ số VN- Index giảm liên tiếp. Ảnh: Vietnamnet

Ông Nguyễn Hữu Nam, giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, việc chứng khoán lên xuống là chuyện bình thường. Với mức dao động giảm như hiện nay, không ảnh hưởng gì đến tình hình kinh tế.

Ông Lưu Tường Bách, giám đốc Công ty Sông Ngân, nhận định rằng, chỉ số đi xuống là xu thế tất yếu. Theo dự đoán của ông Bách, chỉ số sẽ giảm một vài phiên nữa, sau đó sẽ dao động ở mức trên dưới 550.

Ông cho rằng, chỉ số này thể hiện khá chính xác tình hình kinh tế. Ông nói “Việc giá cổ phiếu phải trở về với giá trị thực là tất yếu”.

Theo ông Bách, có dấu hiệu một số nhà đầu tư thấy đã thu đủ lợi nhuận nên bắt đầu bán ra. Trong khi đó, nắm bắt xu hướng cổ phiếu các doanh nghiệp lên sàn, một số nhà đầu tư quay sang mua cổ phiếu OTC. Đây là nguyên nhân tác động khá lớn đến chỉ số trong ngày.

Tuy nhiên, nhiều người tham gia thị trường chứng khoán công nhận, sau thời kỳ giá cổ phiếu tăng vùn vụt trong thời gian qua, việc tất cả các cổ phiếu đồng loạt giảm giá cũng là điều đáng suy nghĩ.

Nhân viên một công ty chứng khoán phán đoán: “Phải chăng do thời gian qua báo chí cảnh báo quá nhiều, khiến người mua đã bắt đầu chùn bước, lo bán ra?”

Hiện nay, các công ty lớn, những người có nhiều kiến thức và thông tin, đều rất "kín tiếng" không đưa ra lời nhận định nào. Chỉ có những người mới tham gia, không đủ kiến thức về một thị trường đầy phức tạp này, họ đang chấp nhận tất cả những rủi ro với ước mơ "đổi xe đạp lấy BMW". Liệu những cảnh báo dành cho họ có là quá thừa?

Theo Đông Hiếu - Đặng Vỹ
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.