Thay tiền giấy bằng tiền polymer - lãng phí lớn?

Thay tiền giấy bằng tiền polymer - lãng phí lớn?
TPCN - "Nếu so sánh với những tiêu chuẩn mà Ngân hàng Nhà nước vẫn ca ngợi về tờ tiền này thì rõ ràng trên thực tế tiền polymer đã không đáp ứng được mong đợi của người dân". Ông Nguyễn Văn Chu, người có hơn 40 năm công tác tại Nhà máy in tiền quốc gia nhận xét. 

>> Công nghệ in tiền polymer có bị lỗi?

>> Thanh tra việc ''con Thống đốc liên quan đến tiền polymer''

>> Chất lượng tiền polymer chưa cao ?

Thay tiền giấy bằng tiền polymer - lãng phí lớn? ảnh 1
Ảnh : Tuổi trẻ

Từng giữ các vị trí phó xưởng trưởng xưởng chế bản, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng, Trưởng ban thanh tra nhân dân NMITQG, ông Nguyễn Văn Chu luôn tự hào vì những gì đã đóng góp cho tập thể.

Với trách nhiệm của một công dân, một đảng viên ngay cả khi đã về nghỉ hưu, ông tự thấy cũng không thể ngồi yên trước những hiện tượng  lãng phí rất lớn tài sản của Nhà nước đang diễn ra.

Công nghệ in tiền polymer – Có vấn đề ngay từ đầu?

Thay tiền giấy bằng tiền polymer - lãng phí lớn? ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Chu : Đáng tiếc, đó chính là những điểm quan ngại mà chúng tôi - với trách nhiệm của một người thợ và người công dân muốn bảo vệ uy tín đồng tiền quốc gia - đã lên tiếng ngay từ đầu nhưng đã bị bỏ qua.

Dư luận mấy ngày nay “ồn” lên vì chuyện tiền polymer ngày càng bộc lộ  nhiều nhược điểm. Với kinh nghiệm của một người “thợ cả” được đào tạo bài bản ở nhiều nơi, nhiều nước trong lĩnh vực chế bản tiền, ông nghĩ sao về phản ánh này và về nhận định công nghệ in tiền polymer đang có vấn đề?

Nếu so sánh với những tiêu chuẩn  mà Ngân hàng Nhà nước vẫn ca ngợi về tờ tiền này (như: không thể xé được, bền đẹp, yếu tố bảo an chống giả rất dễ nhận biết) thì rõ ràng trên thực tế tiền polymer đã không đáp ứng được mong đợi của người dân.

Chỉ qua một thời gian ngắn lưu hành, đồng tiền này đã cho thấy vô số điểm bất cập như dễ rách, nhòe mực, lỗi thiết kế...

Đáng tiếc, đó chính là những điểm quan ngại mà chúng tôi - với trách nhiệm của một người thợ và người công dân muốn bảo vệ uy tín đồng tiền quốc gia - đã lên tiếng ngay từ đầu nhưng đã bị bỏ qua.

Ông có thể nói rõ hơn...?

Từ khi NMITQG đi vào hoạt động (1991) đến nay, lúc nào Đảng và Nhà nước cũng chủ trương: Chúng ta phải chủ động làm lấy đồng tiền trong nước để đảm bảo an ninh quốc gia.

Năm 1997, NHNN đã cho nhập về 2 công nghệ chế bản - một theo phương pháp in tiền cổ điển của Thụy Sỹ để in tiền giấy cotton (Nga, Mỹ, Đức, Trung Quốc... hiện vẫn đang dùng) và một  phương pháp làm bản in Intaglio từ bản polymer.

Khi đó, anh em đã chạy thử và rất phấn khởi khi chắc chắn từ nay mình đã có thể tự chủ động chế ra bản in tiền truyền thống trên giấy cotton đáp ứng nhiều yếu tố mà hiện chưa một nước công nghiệp hiện đại nào từ bỏ.

Về phương pháp làm bản in Intaglio từ bản polymer, việc thử nghiệm cho thấy có thể thành công trên các chứng chỉ, giấy tờ có giá (trái phiếu, công trái). Tuy nhiên,  với sản phẩm tiền thì chưa lần nào “thành công” ngoài tờ tiền lưu niệm.

Mặc dù thời điểm đó, trong 2 tuần sang Singapore tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm (trước đó, năm 1968, ông Chu đã  được cử đi học về công nghệ chế bản tiền tại Hungari 4 năm), chúng tôi đã phát hiện, cảnh báo về nguy cơ kém chất lượng, khó thành công khi chuyển giao công nghệ.

Và trên thực tế điều này đã diễn ra ngay cả trên bản do chuyên gia nước ngoài mang sang giới thiệu (ông Chu đặt câu hỏi, không biết tại thời điểm này ban lãnh đạo NMITQG có báo cáo thật với Thống đốc NHNN) để rồi ít lâu sau thật bất ngờ khi NHNN có quyết định chuyển sang in tiền polymer.

Và ông đã có phản ứng thế nào?

Ngay khi những tờ tiền đầu tiên được in, các yếu tố bất ổn về kỹ thuật của đồng tiền polymer đã sớm  bộc lộ. Đầu tiên là việc in trên nền giấy độc quyền polymer ( phụ thuộc hoàn toàn vào duy nhất nhà cung cấp NPA -  nhà máy in tiền quốc gia của Australia) dẫn đến bị độc quyền khống chế cả về giá thành và chất luợng giấy.

Trên thực tế, chất lượng giấy không đảm bảo đã dẫn đến việc nhà máy phải cử thêm một bộ phận để chọn. Thứ nữa là việc lệ thuộc và trông chờ vào phim chế bản đồng tiền trong ổ máy tại nhà máy in tiền Australia.

Vậy lấy gì đảm bảo những thông tin này được bảo mật tuyệt đối? Chưa hết, chỉ cần một chút nước bôi lên mặt tờ bạc, gập 2 mặt, xoa nhẹ vài lần vào nơi có nước sẽ thấy mực tan ra, phai nhòe - điều không hoặc có rất ít trên tiền cotton; chưa kể đến việc lọt lưới do giấy chọn còn sót hay những khiếm khuyết do công nghệ in chưa đảm bảo (trường hợp tờ tiền 500.000 đồng thiếu hình hoa văn nhũ phía dưới - PV).

Thay tiền giấy cotton bằng tiền polymer - Một sự lãng phí lớn?

Những bất cập về kỹ thuật mà ông vừa phân tích  dựa trên kinh nghiệm của một người thợ. Còn ý kiến mà ông cho rằng thay in tiền giấy cotton bằng tiền polymer là một sự lãng phí lớn, có thể hiểu thế nào thưa ông?

Đầu tiên là việc một hệ thống dây chuyền liên hoàn rất hoàn thiện và có thể nói hiện đại bậc nhất Đông Nam Á thời điểm bấy giờ dùng để chế ra khuôn mẫu in tiền cotton vừa mới nhập về chỉ kịp chạy thử đã bị bỏ quên.

Tôi có thể nói với chủ trương của Đảng, Nhà nước phải chủ động làm lấy đồng tiền để đảm bảo an ninh quốc gia thì việc nhập công nghệ chế bản này về vào thời điểm đó là hết sức đúng đắn và cần thiết.

Vậy mà từ bấy đến nay, hệ thống (điện tử) có một trị giá tiền không nhỏ này chỉ để không, ngoại trừ khi còn công tác thi thoảng tôi ra lệnh anh em cho chạy khởi động (ông Chu về nghỉ hưu tháng 5/2005).

Đi kèm với đó là sự lãng phí tiền của trong việc hư hỏng một số vật tư nhập về phục vụ cho việc chế bản phim in tiền giấy cotton, cùng những lãng phí về nhân lực, con người khi trước đó NHNN đã có chủ trương đào tạo theo phương pháp học nhiều nước (Nga, Thuỵ Sỹ...).

Cũng từ những chi phí giấy, mực, chế bản độc quyền của công nghệ in tiền polymer kể trên, cộng thêm việc tăng chi phí lao động giờ làm (so cùng một lượng tiền giấy cotton, việc in tiền polymer tốn nhiều công lao động hơn),  giá thành làm tiền polymer đắt hơn tiền cotton.

Chất lượng tiền không đảm bảo trong khi đó mục đích lớn nhất để chống giả cũng không thành công vì thực tế cho thấy chỉ 4 tháng sau khi đồng polymer đầu tiên được đưa vào lưu thông, tờ tiền polymer giả đầu tiên đã xuất hiện và từ bấy đến nay công nghệ giả ngày càng tinh vi hơn.

Cộng tất cả những sự lãng phí trên lại, có thể thấy việc thay thế in tiền giấy cotton bằng tiền polymer là một sự lãng phí lớn.

Trong thời gian còn đang công tác, với trách nhiệm của một đảng viên, một “thợ” lành nghề, lại từng được  tín nhiệm bầu vào ban thanh tra nhân dân của  NMITQG, ông có dám thẳng thắn đấu tranh?

Trong quá trình công tác, tôi luôn thẳng thắn đấu tranh theo tinh thần Đảng. Tuy nhiên do đấu tranh nội bộ nhiều lần, có việc vẫn không hiệu quả, có nhiều dấu hiệu bưng bít, che giấu khuyết điểm.

Có cán bộ chủ chốt còn mắng mỏ, xỉ nhục tôi bằng những lời lẽ thô tục, nói xấu hòng hạ thấp, làm mất uy tín của tôi trước tập thể nhưng khi đó không một ai đứng ra bảo vệ. Tôi vẫn hy vọng đến một lúc nào đó, sự thật sẽ được làm sáng tỏ...

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.