Thế giới Di động thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh

Thế Giới Di Động thâu tóm Trần Anh sẽ là nước đi khôn ngoan để giải quyết bài toán thị phần và tăng trưởng tại thị trường phía Bắc? Ảnh minh họa
Thế Giới Di Động thâu tóm Trần Anh sẽ là nước đi khôn ngoan để giải quyết bài toán thị phần và tăng trưởng tại thị trường phía Bắc? Ảnh minh họa
TPO - Sau nhiều thông tin đồn đoán, Trần Anh chính thức công khai thông tin chuyển nhượng trên 25% cổ phần cho Thế giới Di động. Nếu thương vụ mua bán sáp nhập giữa Trần Anh và Thế giới Di động thành công thì đây là thương vụ lớn nhất trong năm 2017 về thị trường bán lẻ điện máy.

Ngày 21/8, Công ty CP Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG) có tờ trình do Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Xuân Kiên ký để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (Mã CK: MWG) nhận chuyển nhượng cổ phiếu TAG dẫn đến tỷ lệ sở hữu trên 25% vốn điều lệ và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. TAG cũng xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với lý do tìm kiếm đối tác chiến lược, tái cơ cấu công ty. Sau đó, cổ phiếu TAG sẽ đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Cũng tại văn bản này, Hội đồng Quản trị TAG cho biết, sau khi hủy niêm yết, nếu cổ đông có yêu cầu, công ty sẽ mua lại cổ phiếu đó làm cổ phiếu quỹ.

Theo báo cáo tài chính của Trần Anh, tính đến cuối quý I/2017, Trần Anh đạt doanh thu thuần 1.134 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn với vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cũng thể hiện, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp quá cao là nguyên nhân khiến lãi sau thuế của công ty không mấy khả quan. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Trần Anh mấy năm gần đây không cao, trong đó lý do chính đều do giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý cao.

Đại diện Cty CP đầu tư Thế giới Di động cho biết, cách đây vài ngày, Thế giới Di động cũng phát đi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng ngân sách thực hiện M&A (mua bán sáp nhập) trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó. Ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm. Như vậy, nếu cả 2 bên Trần Anh và Thế giới Di động được cổ đông thông qua thì việc sáp nhập Trần Anh về Thế giới Di động chỉ còn là thủ tục.

Hệ thống điện máy Trần Anh hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Hà Nội là thị trường lớn nhất được Trần Anh phủ tới 14 điểm bán. Trong khi đó, chuỗi Điện máy xanh (thuộc Thế Giới Di Động) hiện vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc, nhất là khu vực trung tâm thủ đô, còn đối tác lại có khoảng 40 cửa hàng phủ rộng khắp.

Nếu thương vụ mua bán sáp nhập giữa Trần Anh và Thế giới Di động thành công thì đây là thương vụ lớn nhất trong năm 2017 về thị trường bán lẻ điện máy.

Trước đó, thị trường điện máy trong nước có sự cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu bán lẻ lớn cả trong nước lẫn nước ngoài đều là những 'tên tuổi' cũng lâm vào cảnh khó khăn. Cách đây 2 năm, vào khoảng đầu năm 2015, hàng loạt siêu thị điện máy TopCare tại Hà Nội đã bất ngờ đóng cửa. Tuy nhiên sau đó hệ thống siêu thị này được một tập đoàn lớn 'tái cơ cấu'.

Theo thống kê của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trong vòng 5 năm từ 2011 đến 2015, có đến 5 hệ thống siêu thị điện máy phải đóng cửa như: WonderBuy; Best Carings; HomeOne; Việt Long và TopCare.

MỚI - NÓNG