Thẻ ngân hàng chết

Thẻ ngân hàng chết
Khoảng 20-30% trong số 2 triệu thẻ phát hành ở VN được liệt vào dạng "chết", không hoạt động.
Thẻ ngân hàng chết ảnh 1
Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng quốc tế rất thấp.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường thẻ thời gian qua (300-400% mỗi năm) là niềm mơ ước với bất cứ doanh nghiệp nào mỗi khi phát triển sản phẩm mới. Nếu như năm 2004, cả nước chỉ có 700 máy rút tiền tự động (ATM) với 560.000 thẻ thì đến cuối năm ngoái đã có 1.200 máy với hơn 2 triệu thẻ các loại.

Nghiên cứu của các tổ chức thẻ quốc tế cho thấy, 10-15 triệu người ở các đô thị Việt Nam có thể là khách hàng tiềm năng. Thị trường thẻ Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, song ngay ở đỉnh cao này, các nhà phát hành thừa nhận thời gian qua họ mới chú trọng phát triển theo chiều rộng, chưa đầu tư nhiều cho khâu hậu mãi.

Theo Chủ tịch Hội thẻ Nguyễn Thu Hà, ước tính tỷ lệ thẻ "chết" của tất cả các ngân hàng có thể lên tới 20-30% (thẻ "chết" là loại không hoạt động - non active, không có giao dịch rút tiền ra và nạp tiền vào trong một thời gian dài sau khi mở tài khoản).

Bà Hà cho rằng khâu marketing, tuyên truyền của các nhà phát hành thẻ đang có vấn đề, khiến nhiều khách hàng không biết hết tính năng, tiện ích của thẻ và chủ yếu dùng thẻ chỉ để rút tiền.

Thậm chí có lãnh đạo doanh nghiệp đi công tác nước ngoài vẫn phải mang theo va-li tiền mặt để chi tiêu, mà không biết có thể giải quyết việc đó dễ dàng chỉ bằng một chiếc thẻ tín dụng nhỏ gọn nằm trong ví.

Trưởng phòng thẻ Vietcombank chi nhánh TPHCM Trịnh Thượng Thức cho biết, phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa Connect24 của nhà băng này hiện là 150.000 đồng/thẻ, trong khi một số ngân hàng chỉ áp dụng mức phí trên dưới 50.000 đồng, thậm chí tặng luôn thẻ cho khách hàng.

"Chính điều này sẽ làm cho khách hàng cảm thấy thẻ cũng như món hàng khuyến mãi, được ngân hàng tặng kèm khi sử dụng sản phẩm mà không hề tìm hiểu những tiện ích của nó. Khá nhiều chiếc thẻ bị bỏ xó, trong khi ngân hàng tốn chi phí, công sức và thời gian để phát hành thẻ và duy trì tài khoản cho khách hàng", ông nói.

Ngân hàng Á Châu (ACB) đến nay vẫn chưa có hệ thống ATM riêng, nhưng tổng số thẻ do nhà băng này phát hành đã lên đến 200.000 chiếc khác nhau. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó giám đốc Trung tâm thẻ ACB, cho rằng, nhu cầu sử dụng thẻ làm phương tiện thanh toán thay thế tiền mặt ngày càng tăng cao là lý do khiến ACB phát hành thêm nhiều loại thẻ. Tuy nhiên, bà Phương thừa nhận bản thân mình cũng không nắm rõ số lượng thẻ chết của ACB là bao nhiêu.

Có 2 loại thẻ thanh toán đang sử dụng phổ biến trên thế giới là thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

- Thẻ tín dụng (credit card) cho phép chủ thẻ sử dụng trong hạn mức tín dụng tuần hoàn được cấp và chủ thẻ phải thanh toán toàn bộ các khoản dư nợ phát sinh theo quy định.

- Thẻ ghi nợ (debit) cho phép chủ thẻ sử dụng thẻ trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi của chính chủ thẻ.

Ngoài hai dòng sản phẩm chủ đạo kể trên, các ngân hàng liên kết với doanh nghiệp phát hành thẻ phụ. Cùng có chức năng thanh toán, song phạm vi sử dụng hạn hẹp nên loại thẻ này chưa phát huy hết hiệu quả.

Trong số các sản phẩm, dòng thẻ ghi nợ nội địa có tỷ lệ non active thấp nhất, bởi nó phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Dương Quang Khánh, Trưởng phòng Thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, Ngân hàng Công thương (ICB), hơn 90% trong số 400.000 thẻ ATM của nhà băng này đang hoạt động thường xuyên, với số dư bình quân gần 3 triệu đồng trên mỗi tài khoản.

Tỷ lệ thẻ chết trong dòng sản phẩm Connect24 của Vietcombank cũng chỉ khoảng 1-2%. Tần suất hoạt động cao, song các ngân hàng cho biết, việc sử dụng thẻ vẫn chủ yếu phục vụ cho mục đích rút tiền mặt.

Mảng sản phẩm mà các ngân hàng lo nhất chính là thẻ tín dụng quốc tế, tỷ lệ thẻ chết cao hơn nhiều so với mức bình quân. "Dùng thẻ tín dụng rất có lợi, khách hàng được sử dụng vốn của ngân hàng không mất phí. Song tâm lý người Việt vẫn ngại mang tiếng vay tiền ngân hàng để tiêu. Các chủ thẻ tín dụng chủ yếu chỉ dùng đến thẻ khi đi công tác nước ngoài", ông Khánh nói.

Mạng lưới chấp nhận chưa rộng rãi, việc sử dụng còn bất tiện, thậm chí thanh toán hàng hoá, dịch vụ còn phải chịu phụ phí, cũng là nguyên nhân khiến khách hàng ngại dùng thẻ quốc tế ở Việt Nam.

Vietcombank đang chiếm hơn 50% thị phần thẻ, song cũng vấp phải khó khăn tương tự khi muốn phát triển thẻ tín dụng quốc tế, tỷ lệ non active ở mảng sản phẩm này hiện là 30%.

Trong tổng số 252 tỷ đồng doanh số sử dụng thẻ quốc tế quý I, tỷ lệ chi tiêu ở nước ngoài chiếm tới 85%. Đại gia này cho biết sẽ ưu tiên phát hành thẻ debit trong kế hoạch phát triển sản phẩm mới của mình.

Với dòng credit card, sẽ tăng thêm tiện ích, các dịch vụ giá trị gia tăng; đặc biệt sẽ thiết lập mạng lưới chấp nhận thẻ vệ tinh, cho phép chi tiêu mà không thu phụ phí, thậm chí còn được ưu tiên, giảm giá.

Đặc thù của thị trường đã khiến Visa, vốn rất thành công khi phát triển sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế trên toàn thế giới, phải tung ra sản phẩm Visa Debit Card kể từ cuối năm ngoái, nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiền mặt của chủ thẻ Việt Nam.

Tình trạng thẻ chết ở các ngân hàng khiến người ta dễ liên tưởng tới vấn nạn thuê bao ảo của các mạng điện thoại di động. Tuy nhiên, nếu như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể "dọn dẹp" những số điện thoại không hoạt động sau một thời gian nhất định thì ngân hàng lại bó tay.

"Hiện chưa có quy định nào về vấn đề này. Cứ 6 tháng, chúng tôi tiến hành rà soát tổng thể một lần, để biết tình trạng hoạt động của thẻ ra sao. Tuy nhiên, dù thẻ không có giao dịch, số dư duy trì ở mức tối thiểu trong suốt một thời gian dài, chúng tôi cũng không thể đóng tài khoản được, vì còn bị ràng buộc bởi hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng cũng như nhiều vấn đề phức tạp khác", ông Dương Quang Khánh cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Hội thẻ Nguyễn Thu Hà, tình trạng thẻ chết chưa đến mức đáng lo ngại và là chuyện thường xảy ra ở các thị trường mới phát triển. Tuy nhiên, bà thừa nhận nếu không sớm khắc phục sẽ gây lãng phí thời gian và công sức quản lý của ngân hàng, dù chi phí để phát hành một chiếc thẻ không lớn.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG