Thêm một năm thực hiện Nghị định 67

Ngư dân tiếp tục được nhà nước hỗ trợ bám biển. Ảnh: Phạm Anh.
Ngư dân tiếp tục được nhà nước hỗ trợ bám biển. Ảnh: Phạm Anh.
TP - Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, một số chính sách hỗ trợ ngư dân đã hết hiệu lực thực hiện từ 31/12/2016. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý gia hạn những chính sách này thêm 1 năm, vì nhiều nội dung hỗ trợ còn dở dang.

Thêm cơ hội cho ngư dân đóng mới tàu

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi bộ này báo cáo và đề xuất gia hạn, Thủ tướng đã đồng ý với phương án kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67. 

Theo ông Trung, dù triển khai mới hơn 2 năm, nhưng nhiều nội dung hỗ trợ ngư dân của Nghị định 67 còn dở dang như: Nhiều tàu được hỗ trợ vốn vay để đóng mới vẫn đóng chưa xong, đào tạo tập huấn cho ngư dân chưa được bao nhiêu (đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng)… “Giai đoạn đầu chủ yếu lo thủ tục, phương án, thời gian gấp gáp nên nhiều ngư dân chưa kịp làm”. Ông Trung nói.

Theo ông Trung, thực hiện Nghị định 67, Bộ NN&PTNT đã phân bổ về các địa phương đóng mới 2.284 tàu cá. Đến nay, các tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.884 tàu, trong đó hơn 800 tàu đã được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng, hơn 300 tàu đã đi vào hoạt động. Theo đánh giá, hầu hết “tàu cá 67” khi đi vào hoạt động đều cho kết quả khả quan, các tàu đã bắt đầu trả nợ gần 30 tỷ đồng, như Bình Định, Quảng Ngãi, Nam Định… 

 “Thấy các tàu mới hoạt động hiệu quả, nên nhiều ngư dân muốn vay vốn để đóng tàu vươn khơi. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại vì sợ chính sách bị dừng, vốn vay bị dở dang nên cũng dừng làm thủ tục. Thủ tướng đồng ý kéo dài Nghị định 67 thêm 1 năm, ngư dân rất phấn khởi”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo ông Trung, vẫn còn những vấn đề trong quá trình triển khai Nghị định 67 cần tiếp tục tháo gỡ. Chẳng hạn, có ngư dân đang đóng dở tàu thì ngân hàng thắt chặt cho vay; có tàu vẫn chưa vận hành tốt, trục trặc, thậm chí tai nạn…

 Dự kiến, quý 1/2017, Bộ NN&PTNT cùng một số bộ ngành và các địa phương tham gia tổ chức tổng kết Nghị định 67. “Các kiến nghị, đề xuất liên quan đến Nghị định 67 sẽ được tập hợp, xem xét để đề xuất Chính phủ xin ý kiến”, ông Trung nói.

Tạm dừng ký mới bảo hiểm

Liên quan tới chính sách hỗ trợ phí mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo Nghị định 67, tháng 12/2016 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình tạm dừng ký mới hợp đồng bảo hiểm từ ngày 31/12/2016. 

Việc tạm dừng này do Nghị định 67 đã hết hiệu lực. Dù Thủ tướng đã đồng ý gia hạn Nghị định 67 thêm 1 năm, nhưng để những chính sách hỗ trợ ngư dân tiếp tục được triển khai phải đợi Chính phủ ban hành khung pháp lý mới.

Ông Lê Nguyên Khánh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Thanh Khê Đông (Đà Nẵng) cho biết, ông rất mừng vì Nghị định 67 tiếp tục được triển khai. Riêng với chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, ông Khánh đề xuất, cần đơn giản hóa thủ tục, mở rộng tuyên truyền để ngư dân dễ hiểu, dễ thực hiện.

 Đồng thời, mở rộng thêm các doanh nghiệp bảo hiểm để ngư dân có thêm sự lựa chọn. Ngoài ra, cần mở rộng vùng biển tàu thuyền ngư dân được trả quyền lợi bảo hiểm (nếu xảy ra tai nạn), để khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Vì theo ông Khánh, hiện phạm vi vùng biển tàu cá hoạt động nếu xảy ra sự cố được chi trả quyền lợi bảo hiểm vẫn còn hẹp, chưa khuyến khích được ngư dân vươn khơi xa.

MỚI - NÓNG