Thị trường bán lẻ có thực sự hấp dẫn?

Thị trường bán lẻ có thực sự hấp dẫn?
Mới đây Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearney đã đánh giá chỉ số phát triển bán lẻ chung của Việt Nam đạt 84 điểm, đứng thứ ba thế giới, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2005.
Thị trường bán lẻ có thực sự hấp dẫn? ảnh 1
Giá tiêu dùng là nhân tố chủ yếu làm cho bức tranh tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trở nên sáng sủa như vậy.

Theo logic hình thức, thay vì "tụt dốc" hầu như liên tục trong nửa cuối thập kỷ trước, sự tăng tốc liên tục của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua là điều  hết sức đáng mừng, bởi điều đó thể hiện sức mua của thị trường trong nước đã gia tăng mạnh mẽ trở lại, tạo nguồn động lực mạnh hơn thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách chi tiết hơn, vẫn có nhiều điều đáng ngại. 

Thứ nhất, theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua đã đạt 1.738,8 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 16,86%/năm.

Đây là nhịp độ tăng trưởng rất khích lệ, bởi con số này trong giai đoạn 1996 - 2000 chỉ là 12,71%/năm, đặc biệt là liên tục đạt được tốc độ tăng vượt trội 18,83 - 20,53% trong ba năm cuối, tức là đã khôi phục được ngưỡng tăng 20% của năm đánh dấu bước ngoặt chuyển từ "nền kinh tế thiếu hụt" sang "nền kinh tế dư thừa" vào giữa thập kỷ trước.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ở chỗ, chính giá tiêu dùng là nhân tố chủ yếu làm cho bức tranh tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trở nên sáng sủa như vậy.

Bởi lẽ, như kết quả tính toán mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, rõ ràng là mức tăng bình quân của giá tiêu dùng tới 7,7% năm 2004 và 8,3% năm 2005 đã làm "khuếch đại" tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai năm này lên rất nhiều.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2004 bị "co lại" chỉ còn 10,85% và năm 2005 cũng chỉ còn 11,29%, tức là tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua cũng chỉ dao động trên ngưỡng 10% ở mức không đáng kể (trừ năm 2003), không khác bao xa so với bốn năm "tụt dốc" cuối thập kỷ trước.

Tuy thị trường bán lẻ liên tục sôi động, nhưng tốc độ tăng trưởng vượt trội 7,79% trong 2004 và 8,43% trong 2005 của nền kinh tế nước ta chủ yếu là dựa vào sự tăng tốc của hai thị trường hàng hoá đầu ra còn lại là xuất khẩu và đầu tư, đây là điều dễ nhận thấy.

Thứ hai, giá tiêu dùng liên tục tăng vọt như vậy đồng nghĩa với việc người tiêu dùng liên tục bị "móc túi" ngày càng nhiều, cho nên đời sống của một bộ phận đông đảo những người càng nghèo càng khó khăn hơn.

Bởi lẽ, trong khi giá tiêu dùng bình quân năm 2002 và năm 2003 chỉ tăng ở mức tương đối khiêm tốn 3,9% và 3,2%, cho nên tốc độ tăng thực tế (đã loại trừ yếu tố tăng giá) so với tốc độ tăng danh nghĩa của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng chỉ bị giảm 4,29% và 3,68%, còn con số này năm 2004 là 8,53% và năm 2005 là 9,24%.

Các con số này đồng nghĩa với tổng mức thua thiệt về giá của người tiêu dùng trong hai năm 2002 và 2003 chỉ là trên 10 nghìn tỷ đồng, nhưng năm 2004 đã tăng vọt lên hơn 28 nghìn tỷ đồng và năm 2005 lên tới gần 37 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, "thủ phạm chính" đẩy giá tiêu dùng tăng vọt như vậy là do giá của các nhóm hàng thiết yếu nhất, gồm lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, dược phẩm và dịch vụ y tế đã lần lượt, thậm chí đồng thời tăng một cách "phi mã".

Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong các năm 2003-2004, chỉ riêng chi tiêu cho đời sống thường nhật của nhóm 20% dân cư có thu nhập thấp nhất của nước ta đã lớn hơn thu nhập 13,12%, còn tỷ lệ này của nhóm 20% dân cư có thu nhập dưới trung bình cũng tới 93,89%.

Điều này có nghĩa, cho dù thu nhập bình quân đầu người của cả nước trong hai năm 2003 - 2004 đã đạt được mức tăng rất đáng khích lệ tới 15,61%/năm, cao gấp 2,5 lần mức tăng bình quân trong giai đoạn 1999-2002, nhưng việc giá tiêu dùng tăng vọt đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của các bộ phận dân cư làm không đủ ăn và ở trong tình trạng "giật gấu vá vai" chiếm 40% dân cư của nước ta.

Tóm lại, cho dù thị trường bán lẻ của nước ta trong thời gian qua đã phát triển sôi động nhưng đang ẩn chứa những điều đáng lo ngại. Mặt khác, trong bối cảnh cánh cửa gia nhập WTO đối với chúng ta đang mở rất rộng và điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải mở cửa thị trường bán lẻ trong nước, rất có thể còn xuất hiện thêm những điều đáng lo khác.

Theo Nguyễn Đình Bích
Vneconomy

MỚI - NÓNG