Thị trường chứng khoán VN đang rất hấp dẫn

Thị trường chứng khoán VN đang rất hấp dẫn
TPO – Đây là khẳng định của ông Steve Targett, GĐ điều hành nhóm thể chế của ngân hàng ANZ trong cuộc trao đổi với Tiền phong bên lề “Diễn đàn đầu tư Việt Nam lần 2” về thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Là một chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng, ông đánh giá thế nào về thực trạng của thị trường chứng khoán Việt  Nam hiện nay?

Thị trường vốn Việt Nam hiện đang ở giai đoạn thứ hai của sự phát triển. Trong thời gian tới chắc chắn Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc cổ phần hoá và đưa ra thêm nhiều công ty niêm yết hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán hiện nay.

Thị trường trái phiếu ở Việt Nam cũng đang trong giai đoạn phát triển nhưng vẫn còn nhỏ. Chắc chắn trong thời gian tới, với nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng và nhu cầu đầu tư cho những dự án lớn thì thị trường này cũng sẽ phát triển rất nhanh và mạnh.

David Hornery, Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ châu Á :

"Trong năm 2006 vừa qua, số lượng công ty niêm yết tại trung tâm chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội tăng từ 32 lên 193 công ty. Nếu tính cả 5 tỷ USD trái phiếu, vốn hoá của thị trường tài chính Việt Nam chiếm 35% GDP. Indonesia 35%, Phillipines là 45% GDP. Hy vọng trong một vài năm tới, Việt Nam cũng sẽ đạt mức ngang bằng với các đối thủ nặng ký trong khu vực". (TBKTVN)

Thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn, thế nhưng nó vẫn còn hơi nhỏ so với quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, cầu trên thị trường này dường như lớn hơn so với lượng cung. Chính vì vậy Chính phủ cần tăng lượng cung hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.

Nếu xét về mức độ rủi ro, bất cứ thị trường ở nước nào cũng có rủi ro cả chứ không phải chỉ riêng ở thị trường Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là đang tăng quá nóng. Giải pháp tăng cung lên chắc chắn sẽ giúp hạ nhiệt cho thị trường này. Đây là một hình thức giúp thị trường tự điều tiết.

Tôi tin rằng, điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nếu các Cty vẫn tiếp tục phát triển nhanh và có thể chứng tỏ được nguồn thu, lợi nhuận của mình vẫn tăng và có triển vọng tăng đáng kể thì yếu tố tăng giá trên thị trường chứng khoán là điều tất nhiên.

Nhiều ý kiến cho rằng chính phủ không nên có các biện pháp can thiệp trước sự phát triển của thị trường chứng khoán ở Việt Nam hiện nay. Ý kiến của ông như thế nào?

Tôi là người luôn tin tưởng vào cơ chế của thị trường tự do. Trong 2 tuần vừa qua, khi tôi ở châu Âu và Mỹ, tôi đã nói chuyện và thấy có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Tôi nghĩ giai đoạn này là giai đoạn mà chính phủ cần phải làm sao cho vẫn duy trì được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường này. Chính phủ không nên đưa ra bất cứ rào cản giả tạo nào, bởi nếu đưa ra rào cản sẽ ngay lập tức sẽ làm cho các nhà đầu tư cảm thấy bị nguội lạnh trong ý đồ đầu tư của họ. Tôi nghĩ rằng nên để cho cơ chế thị trường và các khung pháp lý tự điều chỉnh thị trường này.

Vậy theo ông, thị trường vốn ở Việt Nam có những điểm hạn chế cũng như điểm mạnh nào?

Điều mà chúng tôi muốn đó là trong tương lai, Chính phủ Việt Nam xem xét lại việc cho phép ngân hàng nước ngoài được tham gia nhiều hơn nữa trong các hoạt động đầu tư vào các ngân hàng trong nước, mà cụ thể là tăng mức giới hạn cổ phần 10% hiện nay lên cao hơn nữa.

Chúng tôi cũng tin rằng một hệ thống ngân hàng vững mạnh là yếu tố hết sức quan trọng đối với các nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng mạnh thì mới dẫn đến việc tất cả người tiêu dùng được bảo vệ và được tận dụng các cơ hội mà thị trường mang lại.

Với tư cách là một người làm ngân hàng, tôi cho rằng, với một quốc gia có 85 triệu dân mà mới chỉ có 5 triệu người có hoạt động mở tài khoản thì chắc chắn đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng, cả với các ngân hàng nước ngoài và trong nước.

Tuy nhiên để bảo đảm thị trường ngân hàng này hoạt động một cách thực sự hiệu quả thì khung pháp lý cũng như độ cởi mở, việc minh bạch trong việc công bố các thông tin của Chính phủ và các công ty là yếu tố hết sức quan trọng. Nếu chúng ta làm được điều này thì sự lớn mạnh và sự phát triển của nền kinh tế sẽ mang tính lâu dài hơn.

Vậy ông đánh giá như nào về tính ổn định của thị trường vốn ở Việt Nam hiện nay? Thời gian tới, thị trường này sẽ phát triển như thế nào?

Theo tôi, điều mà Chính phủ Việt Nam cần và nên làm đó là hợp tác nhiều hơn nữa với tất cả các tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm và đang hoạt động tại các thị trường mới nổi. Các tổ chức này, từ thực tế hoạt động của mình sẽ giúp tiên đoán, nhìn thấy được những vấn đề mà thị trường Việt Nam đang và sẽ gặp phải, để từ đó có những biện pháp tháo gỡ.

Về cá nhân thì tôi cho rằng chúng ta không nên quá lo ngại về mức độ “nhộn nhịp” của thị trường chứng khoán ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

Thị trường ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn phát triển tất yếu, nhất là khi trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều nguồn vốn trong khi Việt Nam lại đang là điểm hấp dẫn đầu tư.

Chính vì vậy, nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào đây là việc bình thường. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục xây dựng khung pháp lý cũng như cơ chế để thị trường càng ngày càng minh bạch. Đây sẽ là yếu tố duy nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Như ông nói, triển vọng của thị trường Việt Nam dường như rất lạc quan trong khi lại có những lời cảnh báo trái chiều từ những nhà kinh tế trong nước?

Đúng là tôi rất lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Tất nhiên cũng có điều cần lưu ý đó là làm thế nào để Việt Nam thu hút được nguồn đầu tư thật chứ không phải là nguồn vốn đầu cơ. Riêng xét về các yếu tố như: Con người, địa lý, cam kết của chính phủ Việt Nam đã cho thấy một bức tranh rất tích cực về triển vọng kinh tế. 

Nếu Chính phủ Việt Nam cho phép tăng ngưỡng giới hạn khống chế 10% cổ phần đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội thì ANZ có kế hoạch đầu tư như thế nào?

Thực ra ngay cả khi thị trường chứng khoán ở Việt Nam đang ở giai đoạn được coi “nóng” như hiện nay thì đối với chúng tôi, chúng tôi cũng không nhìn nhận thị trường này tại một thời điểm cụ thể mà chúng tôi nhìn nhận nó trong một giai đoạn từ 10 đến 20 năm nữa.

Mục tiêu của ANZ là làm sao trở thành một ngân hàng phục vụ cho toàn bộ khách hàng ở Việt Nam, từ  bán lẻ cho đến thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy chúng tôi rất chờ đợi ngày Chính phủ Việt Nam nới lỏng mức đầu tư 10% để chúng tôi có thể tiếp tục tăng mức cổ phần đang đầu tư tại Sacombank lên mức 20% hoặc 30% . Đây là một trong những mục tiêu lâu dài mà chúng tôi muốn thực hiện tại Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.