Thoái vốn, “ông chủ” là ai cũng không cần lo lắng

Tới đây, 98% vốn Nhà nước sẽ cải cách theo hướng cổ phần đa sở hữu.
Tới đây, 98% vốn Nhà nước sẽ cải cách theo hướng cổ phần đa sở hữu.
TP - “Người đại diện (NĐD) vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phải có tính chuyên nghiệp cao. Không có chuyện lo lắng khi không còn phần vốn Nhà nước vì “ông chủ” nào vào thay SCIC đều cần những người quản trị vốn tốt”- Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhìn nhận.

Mong trao quyền chủ động hơn

Ngày 14/8 tại Đà Lạt, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức Hội nghị công tác đại diện vốn Nhà nước tại DN.

Theo ông Lê Thành Liêm, đại diện vốn SCIC tại Vinamilk (mã CK: VNM), hiện Vinamilk đã công bố thông tin theo quy định. Đến hôm nay, tổng vốn hóa của VNM đạt 9,5 tỷ USD. Với việc SCIC còn giữ 39,3% số vốn nhà nước thì vốn hóa VNM của SCIC là 3,73 tỷ USD. “Phần người đại diện (NĐD)  của SCIC tại VNM đã phối hợp chặt chẽ thường xuyên trao đổi có liên quan. Hiện công tác bán vốn nhà nước tại VNM cũng được SCIC làm khá tốt, việc này đã được thông tin trên phương tiện truyền thông...”, ông Liêm khẳng định.

Nhìn nhận về vai trò, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng để NĐD phát huy hơn nữa khả năng và đóng góp cho Vinaconex, SCIC nên trao quyền nhiều hơn cho NĐD để họ được chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. “Các quy định về quyền và nghĩa vụ của NĐD theo quy chế cần được quy định nới lỏng theo hướng NĐD được tự mình quyết định các vấn đề kinh doanh nhưng gắn liền giao các chỉ tiêu vĩ mô mà SCIC đặt ra đồng thời gắn trách nhiệm khi thực hiện”, ông Quỳnh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam lại bày tỏ mong muốn SCIC tiếp tục hỗ trợ DN trong việc điều hành hoạt động DN, góp phần nâng cao hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN. “SCIC cần quy định rõ về quyền lợi của NĐD cũng như các chế khác để khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của Người đại diện trong công tác quản trị DN, đặc biệt là các chế độ sau khi thôi NĐD do SCIC thoái vốn tại DN” ông Tuấn Anh lưu ý

“Để hài hòa các lợi ích nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho cả DN và Nhà nước thì việc tách bạch và phân biệt rõ ràng từng vai trò của NĐD phần vốn nhà nước tại DN (nhất là tách bạch giữa quyền sở hữu và quản trị DN)”- Ông Hoàng Công Doãn, Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên  kiến nghị. Theo ông Doãn, điều này sẽ  giúp cho mỗi vai trò đều được thực hiện tốt theo nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mục tiêu được giao phó, đồng thời vì lợi ích cao nhất của DN.

Cần chuyên nghiệp

Tại hội nghị, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc phụ trách đã thông tin kết quả về công tác đại diện vốn thời gian qua. Theo lãnh đạo SCIC, sau 10 năm tổ chức hội nghị Người đại diện, so với thời điểm tổ chức Hội nghị Người đại diện năm 2009, tỷ lệ Người đại diện chuyên trách giảm 7,2%, Người đại diện là cán bộ SCIC tăng 21,8%. “Đây là kết quả lớn trong công việc kiện toàn hệ thống Người đại diện của Tổng công ty”, ông Học nhấn mạnh.

Phát biểu, Chủ tịch HĐTV SCIC ông Nguyễn Đức Chi nói khá vui khi thấy Hội nghị năm nay xem xét và tôn vinh khen thưởng các cá nhân đạt được thành tích tốt nhất trong công tác NĐD (được SCIC đề xuất, Bộ trưởng, Thủ tướng tặng bằng khen, giấy khen). Đây là điều đáng mừng. “Các trường hợp vi phạm quy chế và không tuân thủ ngày càng ít đi, chỉ còn cá biệt. Như vậy công tác NĐD rất tích cực; chúng tôi phấn khởi trước xu thế đó”. Ông Chi nói.

Tương lai công tác NĐD sẽ theo hướng nào? Lãnh đạo SCIC cho biết, công cuộc cải cách DNNN đang tiến hành, Hội nghị TƯ 5 có nghị quyết 13 về DNNN và tái cấu trúc DNNN vẫn khẳng định: tái cấu trúc mạnh mẽ và cải cách theo hướng cổ phần đa sở hữu. Rất ít ngành nghề Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Như vậy 98% vốn Nhà nước sẽ được đa sở hữu (CPH, IPO), khi DNNN trở thành đa sở hữu, NN là 1 cổ đông như nhiều cổ đông, thì công tác đại diện vốn và quy mô vốn còn lại sẽ rất lớn.

Nhìn thấy trước tương lai đó, Chủ tịch HĐTV SCIC đề nghị tới đây NĐD càng phải có tính chuyên nghiệp cao. “Ông chủ nào vào DN thay SCIC đều cần những người quản trị vốn chuyên nghiệp. Sau thời gian ngắn, họ sẽ biết cần ai để tiếp tục công việc điều hành doanh nghiệp, cho nên không có gì phải lo lắng và  NĐD phải cần một sự chuyên nghiệp cao”, ông Chi khẳng định.

“Ông chủ nào vào DN thay SCIC đều cần những người quản trị vốn chuyên nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC

MỚI - NÓNG