Thống đốc: Giải phóng nợ xấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn

Thống đốc Lê Minh Hưng.
Thống đốc Lê Minh Hưng.
TPO - Tại hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp sáng 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh việc giải phóng nợ xấu cũng như tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.

Tại hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp sáng 17/5, trước lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng đã điểm lại bức tranh toàn cảnh trong mối quan hệ của ngành ngân hàng với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.  

Trở lại 1 năm sau hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp 2016 từ đó đến nay, ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. 

Lãi suất giảm bằng 40% so với cách đây 6 năm

Về điều hành lãi suất và mong muốn đề nghị hạ lãi suất tín dụng của doanh nghiệp được Chính phủ từng chỉ đạo rất quyết liệt trong suốt năm qua, theo Thống đốc, NHNN đã kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

”Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với SXKD, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011)”, Thống đốc nói.

Liên quan đến thắc mắc của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp từng lên tiếng cho rằng lãi suất của Việt Nam vẫn cao hơn khu vực, Thống đốc dẫn dụ. Một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì: Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; Khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao; Hoạt động SXKD của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

“Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, nền kinh tế chưa thực sự bền vững…. dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Hưng khẳng định.

Theo ông, các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD. Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

Thống đốc: Giải phóng nợ xấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ảnh 1

Tín dụng, tỷ giá trong vòng kiểm soát

Về điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Theo đó, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với DNVVN chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.”, Thống đốc nhấn mạnh.

Theo ông, về tín dụng trung-dài hạn, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Về điều hành tỷ giá, Thống đốc khẳng định, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực.

“Tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay; đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đôla hóa.”, Thống đốc cho biết.

Giải phóng nợ xấu, tạo điều kiện cho vay DN

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. “NHNN đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu”, Thống đốc nói.

Ông cũng phân tích cho thấy nếu xử lý được chúng ta sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, Thống đốc trình bày.

Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó đặc biệt là cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường cho vay tín chấp.

Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong 4 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nhận được 17 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và 12 kiến nghị do VCCI tổng hợp. Đến nay, ngành Ngân hàng đã có văn bản trả lời đầy đủ các kiến nghị này và Chính phủ đã đăng công khai trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này đều tập trung vào một số vấn đề đã được báo cáo trên đây.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.