Thông quan điện tử: Thuận lợi nhiều, nhưng...

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang
TP - Thay vì chỉ chọn doanh nghiệp lớn, có lý lịch tốt, hạn ngạch xuất nhập khẩu cao, Tổng cục Hải quan đang xây dựng kế hoạch triển khai thông quan điện tử cho mọi doanh nghiệp có nhu cầu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lý
khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.


Doanh nghiệp được lợi gì?

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 9 giờ sáng một ngày giữa tháng 5-2010, từng đoàn xe container chở máy móc, nông cụ lớn từ phía bên kia biên giới đang nối hàng dài chờ nhập khẩu vào Việt Nam. Tại dãy ghế chờ trước bộ phận kê khai, anh Trần Bằng Toàn, cán bộ xuất nhập khẩu thuộc Công ty cổ phần Thế Mỹ (trụ sở TP Lạng Sơn) đang chờ nhận trả kết quả khai báo nhập khẩu lô hàng máy nghiền đá, khoan đá.

Theo anh Toàn, một tuần anh mất khoảng 3-4 ngày làm thủ tục nhập hàng về. “Nhưng từ khi Tổng cục Hải quan áp dụng thông quan điện tử, tôi mất 20 phút đầu giờ sáng khai qua mạng rồi truyền lên cửa khẩu. Khoảng 30 phút sau, có thể lên lấy kết quả. Cộng với cả bốc xếp hàng, tất cả chỉ hơn một giờ là xong. So với thời kê khai trên giấy trước đây, doanh nghiệp đã tiết giảm được thời gian đi lại, chờ đợi cho doanh nghiệp”, anh Toàn nhận xét.

Tại Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang (thuộc Hải quan Lạng Sơn), dù đã 5 giờ chiều nhưng vẫn tấp nập doanh nghiệp chờ hoàn tất thủ tục xuất nhập hàng. Thừa nhận ưu điểm của kê khai hải quan qua mạng là nhanh gọn, tiết giảm thời gian đi lại và chi phí cho doanh nghiệp, dù vậy, anh Đỗ Minh Tuấn, nhân viên xuất nhập khẩu thuộc doanh nghiệp Sanyo (khu công nghiệp Đình Trám) không khỏi phàn nàn: “Từ hôm khai báo điện tử đến giờ, chúng tôi gặp trục trặc liên tục. Có lúc thì do lỗi phần mềm của công ty, lúc lại do đường truyền phía hải quan chưa ổn. Cho nên nhanh thì có nhưng đôi khi vẫn trục trặc”.

Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc, Phó Chi cục trưởng Hải quan Hữu Nghị, tính đến tháng 4-2010, tại cửa khẩu Hữu Nghị, đã có 49/1.500 doanh nghiệp thực hiện kê khai hải quan điện tử. “Với những hồ sơ luồng xanh, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động khai báo, khâu thông quan cũng gần như thực hiện luôn (theo phân loại của hải quan, có 3 luồng, xanh, đỏ, vàng tương ứng với chất lượng hoạt động rất tốt- trung bình- và xấu của doanh nghiệp - PV). Phần hậu kiểm hoặc phân lại luồng chỉ xảy ra với những hồ sơ có vấn đề. Tuy nhiên, nếu có, hải quan phải đưa ra lý do thuyết phục”- Ông Bảo Ngọc khẳng định.

Một ưu điểm của thực hiện hải quan điện tử qua kinh nghiệm của cửa khẩu Hữu Nghị (thu gần 1.500 tỷ đồng tiền thuế/năm) là thay vì tiếp xúc với 4 khâu, hiện doanh nghiệp chỉ còn làm việc với hai bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ. “Sau một thời gian thí điểm, chúng tôi nhận thấy điều này làm giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan, hạn chế đáng kể những tiêu cực có thể phát sinh” - Ông Bảo nhấn mạnh.

Triển khai đại trà: Không dễ

Lạng Sơn là một trong 10/33 Cục Hải quan trong cả nước được chọn thí điểm kê khai hải quan điện tử giai đoạn 1 (từ năm 2005). Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Vấn đề lớn nhất trong thực hiện thông quan điện tử là doanh nghiệp phải đạt đủ điều kiện cũng như có đầu tư phần mềm, trang thiết bị kỹ thuật. Những doanh nghiệp này, chúng tôi chỉ cần hỗ trợ công nghệ lắp đặt ban đầu. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp (chủ yếu xuất khẩu nông sản) họ rất nghèo nàn về cơ sở, trang thiết bị, nên khó làm đại trà”.

Còn Phó Chi cục trưởng Hải quan Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quang Bách cho hay: “Tồn tại lớn nhất hiện nay, đó là hệ thống xử lý dữ liệu thông quan điện tử còn chậm. Bên cạnh đó, hệ thống đường truyền luôn báo lỗi, tỷ lệ các tờ khai phân luồng vàng, luồng đỏ còn rất cao, các phần mềm vừa chạy, vừa xây dựng nên vẫn còn trục trặc. Điều này khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà, thậm chí có doanh nghiệp nản, muốn quay lại việc khai báo truyền thống.

Với gần 1.500 doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu Hữu Nghị đến từ khắp mọi miền, ông Bảo lại băn khoăn trước nguồn lực có hạn mà các cán bộ về công nghệ thông tin của chi cục phải bôn ba để lo kiểm tra, cài đặt, nâng cấp đường truyền cho doanh nghiệp. “Thời gian tới, nếu mở rộng, chúng tôi không thể có đủ nguồn lực để làm”- Ông Bảo nói.

Một điều tưởng nhỏ nhưng lại trở thành vấn đề với cửa khẩu đang chuẩn bị thực hiện thủ tục hải quan điện tử như Chi Ma, Cốc Nam của Lạng Sơn - “Mất điện thường xuyên khiến chúng tôi buộc phải sử dụng máy phát. Mà mỗi giờ chạy máy cũng tốn tới 250 ngàn đồng tiền dầu, trong khi vài bộ hồ sơ khai của doanh nghiệp chỉ thu được lệ phí 20 ngàn đồng/bộ. Phần này, chúng tôi tính vào đâu?”- Đại diện Chi cục hải quan Cốc Nam kiến nghị.

Theo ông Trần Quốc Định, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa - Tổng cục Hải quan, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tại hai cục Hải quan TP Hải Phòng và TPHCM, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại các cục Hải quan: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Quảng Ngãi. Và mới nhất, Tổng cục Hải quan đồng ý thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại Cục Hải quan TP Cần Thơ và Lào Cai (sẽ chính thức thực hiện từ tháng 8-2010).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.