Thông tư 36 phòng rủi ro cho ngân hàng

Thông tư 36 xây hệ thống phòng thủ rủi ro cho các ngân hàng.
Thông tư 36 xây hệ thống phòng thủ rủi ro cho các ngân hàng.
TP - Sau hơn một tuần gây sóng gió trên thị trường, sức nóng và phản ứng về Thông tư 36 đã bắt đầu dịu lại.  Ngoài những điểm bất cập và “động chạm” đến lợi ích của một bộ phận giới đầu tư tài chính, phải thừa nhận văn bản này ra đời đã lập tức trở thành công cụ hữu nghiệm để lập lại trật tự, phục vụ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; giúp minh bạch hóa, giảm sở hữu chéo, lành mạnh hệ thống.

Siết cho vay và đầu tư chứng khoán

Theo một lãnh đạo NHNN, trong quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại các TCTD theo QĐ254/TTCP, có thể nói, đây là văn bản được thị trường nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng rất chờ đợi, là bước đi cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của các TCTD, giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ, phòng ngừa rủi ro hệ thống, hỗ trợ thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh.

Ông Đỗ Tuấn Anh - quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam ( Techcombank)  nhận định: “Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành vừa qua hoàn toàn không ảnh hưởng gì, thậm chí các ngân hàng (NH) sẽ có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, và khách hàng sẽ yên tâm hơn với các khoản tiền gửi của mình”. 

Ông Tuấn Anh đơn cử Thông tư đề cập tới tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 80% đối với Ngân hàng TMCP trong khi đó tỷ lệ này được quy định ở các nước như Trung Quốc, Philipphines là 75%; Hàn Quốc là 110,4% như vậy đó là con số khá phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam. Hiện tại, tỷ trọng cho vay trung dài hạn của các NH hiện chiếm khoảng 40-60%, trong khi đó tỷ trọng huy động trung dài hạn chỉ chiếm 20-25%. Do vậy, cần thiết phải giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay so với tiền gửi <100% nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản. 

Như vậy sẽ giúp kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các TCTD.

Trong Thông tư 36, dư luận đặc biệt quan tâm tới tỷ lệ an toàn vốn quy định đối với các tổ chức tín dụng. Theo Thông tư, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và an toàn vốn tối thiểu hợp nhất đều ở mức 9% trên cơ sở kế thừa Thông tư 13 nhưng có thay đổi mới trong việc tính toán hệ số rủi ro của tài sản để tính tỷ lệ an toàn vốn. Trước đây, đối với khoản phải đòi được bảo đảm bởi bất động sản hoặc cho vay bất động sản, hệ số rủi ro quy định là 250% , nay còn 150%. Thứ 2 các khoản phải đòi để đầu tư nhanh chứng khoán cũng vậy, trước  đây quy định 250% giờ rút xuống còn 150%. 

Theo ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN đây là mức giảm mức thấp nhất và không thể thấp hơn được nữa theo thông lệ quốc tế nhằm phù hợp với tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản và chính sách của NHNN hiện nay.

Hướng tới  Basel II

Đặc biệt, Thông tư còn thể hiện tính tích cực qua định hướng, yêu cầu các TCTD nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018. Thực tế, ngân hàng đã có sự chuẩn bị của riêng mình. 

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV  cho biết: “BIDV đã nỗ lực và chủ động đáp ứng các yêu cầu của Thông tư mới, đặc biệt với việc xây dựng thành công dự án thông tin quản lý MIS, BIDV đã có một mô hình dữ liệu chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu quản trị điều hành, trong đó có nội dung kiểm soát tuân thủ theo quy định mới của Thông tư 36. BIDV cũng chủ động xây dựng các quy định nội bộ bao gồm quy định Quản lý thanh khoản; Quy định cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng và người có liên quan, Quy định về hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính đảm bảo an toàn trong hoạt động (từ 2010), trong đó quy định việc đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động theo TT13 và hướng tới thông lệ theo Basel II”.

Lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát NHNN thừa nhận: Cùng với việc nâng cao các tiêu chuẩn an toàn hoạt động hệ thống, Thông tư 36 sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD giúp hệ thống TCTD Việt Nam phát triển ổn định, bền vững trong những năm hậu tái cơ cấu.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định 6 nhóm tỷ lệ, giới hạn an toàn đối với các TCTD. Cụ thể, Thông tư 36 bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn; bổ sung và xác định rõ giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (tối đa 5% vốn điều lệ); nâng cao điều kiện được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu (TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% thay vì 5% như quy định tại thông tư trước đó); quy định các tỷ lệ thanh khoản, khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn phù hợp với từng loại hình TCTD; bổ sung giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD khác...

MỚI - NÓNG