Thứ trưởng Tài chính lo khó thu ngân sách

Khối DN nhà nước làm ăn kém hiệu quả kéo khó khăn của thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý
Khối DN nhà nước làm ăn kém hiệu quả kéo khó khăn của thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Như Ý
TP - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa có những chia sẻ về thu ngân sách nhà nước năm 2016 và những nỗi lo toan cho năm 2017 khi có những khoản hụt thu lớn từ khối doanh nghiệp (DN) nhà nước.

3 cái khó của thu ngân sách

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã phân tích 3 cái khó của thu ngân sách nhà nước năm 2016, đặc biệt với thu ngân sách trung ương. Khó đầu tiên là  khối DN nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, dù khu vực này nắm phần lớn nguồn lực quốc gia. Năm 2016, đóng góp của các DN nhà nước vào ngân sách giảm 5% so với năm 2015 (giảm gần 9.000 tỷ đồng), so với dự toán Quốc hội giao giảm 19.000 tỷ đồng. Qua số thu giảm thể hiện hiệu quả, chất lượng và những tồn tại lớn của DN nhà nước hiện nay, năm 2017-2018 điều này còn tiếp tục.

Ngân sách còn gặp khó khi đóng góp của khu vực tài chính, ngân hàng cũng sụt giảm. Thống kê cho thấy, số thu từ khu vực này năm 2016 giảm 21% so với năm 2014-2015. Do hơn 60 tổ chức tín dụng này đang phải xử lý nợ xấu bằng phương thức cơ bản là trích dự phòng rủi ro (với trên 8.000 tỷ đồng).

Nếu tính toàn bộ DN nhà nước trên toàn quốc, tới nay mới thoái được 5,5% vốn nhà nước. Cùng với đó, ngoài 5 DN nhà nước lớn thua lỗ 30.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội, còn 12 dự án lỗ 55.000 tỷ đồng Chính phủ đang kiểm tra.

Thứ trưởng Tài chính

 Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Nguồn thu lớn thứ 3 tới từ dầu khí, cùng với lý do từ giá dầu thô thế giới giảm, theo ông Tuấn, còn tới từ việc nhà nước giảm các nghĩa vụ thuế trong nước với DN thăm dò và khai thác dầu khí trên 2.400 tỷ đồng, từ năm 2016. Giảm thuế này để các nhà đầu tư nước ngoài giữ được ưu đãi như đã ký kết với Việt Nam.

“Cả 3 cái khó trên tác động trực tiếp vào ngân sách trung ương và ngân sách 13 tỉnh thành có điều tiết nguồn thu về trung ương”, ông Tuấn nói. Trong đó, riêng ngân sách trung ương giảm trên 32.000 tỷ đồng so với kế hoạch giao, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm thu trên 2.500 tỷ đồng, Quảng Ngãi và Cà Mau hơn 7.000 tỷ đồng. Dù khó khăn như vậy, nhưng thu ngân sách nhà nước năm 2016 vẫn vượt 7,8% (vượt 94.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, phần vượt đều thuộc ngân sách địa phương, ngân sách trung ương cơ bản hoàn thành dự toán năm (chỉ vượt dự toán 200-300 tỷ đồng). Trong khi ngân sách trung ương là chủ đạo, nếu không hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ kinh tế - xã hội quốc gia.

Thứ trưởng Tài chính lo khó thu ngân sách ảnh 1

Thứ trưởng Tài chính  Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Theo ông Tuấn, dù ngân sách địa phương vượt kế hoạch, song vẫn cảm thấy lo lắng. Bởi, phần vượt của ngân sách đó tới 1 nửa (47.000 tỷ đồng) thu từ bán quyền sử dụng đất và chỉ thu được 1 lần. Chỉ một nửa trong số thu vượt đó đáng mừng, vì phần tăng thu này từ phát triển sản xuất, kinh doanh của DN ngoài nhà nước.

Vì vậy, cần tập trung nguồn lực, giải pháp để phát huy tiềm lực từ DN. Năm 2016, số DN phát sinh thuế tăng 52.000 DN so với năm trước (đạt mức 570.000 DN). Nhờ đó, số thuế từ khu vực DN ngoài quốc doanh tăng 21%, DN vốn đầu tư nước ngoài tăng 15%, và hộ gia đình tăng 15% so với năm trước.

Cùng với tăng thu thuế từ khối DN, việc thu hồi nợ đọng thuế cũng mang lại nguồn thu quan trọng. Khi đầu năm 2016, tổng nợ thuế 76.000 tỷ đồng, tới cuối năm chỉ còn 72.000 tỷ đồng. Trong tổng số nợ thuế đó, có tới 59,8% là nợ thuế và phạt chậm nộp của thời kỳ 2008-2012, trong đó có cả DN đã phá sản, giải thể 2-3 năm nay.

Chỉ còn cách tạo thuận lợi cho DN

Năm 2017, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn dự báo thu ngân sách sẽ rất nặng nề, khó khăn, khi các lý do ảnh hưởng tới thu ngân sách năm 2016 còn tiếp tục. Cả nước chỉ còn 870 DN nhà nước chưa cổ phần hóa. Nhưng thực tế mới cổ phần được 8% vốn nhà nước và chỉ tính các DN nhà nước lớn. Nếu tính toàn bộ DN nhà nước trên toàn quốc, tới nay mới thoái được 5,5% vốn nhà nước. Cùng với đó, ngoài 5 DN nhà nước lớn thua lỗ 30.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội, còn 12 dự án lỗ 55.000 tỷ đồng Chính phủ đang kiểm tra. “Những con số này cho thấy tồn tại lớn của nền kinh tế hiện nay, hụt thu ngân sách từ những nguồn này sẽ còn tiếp tục”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, khối tổ chức tín dụng và ngân hàng trước đây đóng góp cho ngân sách không nhỏ, nhưng năm 2016 cũng sụt giảm. Nhiệm vụ chính của các ngân hàng hiện vẫn là xử lý nợ xấu, chắc phải tới năm 2019 mới kết thúc. Hụt thu từ khối ngân hàng khoảng 6.000-8.000 tỷ đồng, cộng với hụt thu từ khối DN nhà nước ngân sách đã hụt thu tới 22.000 tỷ đồng, cần tìm nguồn để bù thu.

Năm 2017, ông Tuấn không lo về phần thu từ dầu thô, khi năm nay chỉ dự toán thu với mức giá dầu khoảng 50 USD/thùng (bằng giá thị trường hiện nay).

Để bù những khoản hụt thu trên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, chỉ còn cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển, để có nguồn bù hụt thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra thuế với các DN đáng ngờ, chống chuyển giá, trốn thuế; Kiên quyết cưỡng chế 100% đối với tất cả người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cố tình chiếm dụng thuế. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hết năm 2016, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán. Trong đó, thu ngân sách địa phương vượt 18,6% dự toán, hầu hết địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (có 5 địa phương không đạt); thu ngân sách trung ương (không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án) cơ bản đạt dự toán đề ra.

MỚI - NÓNG