Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không đột phá khó hấp dẫn nhà đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh ngày 24/4. Ảnh: Hòa Hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh ngày 24/4. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh hôm qua, 24/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh này cần phải có những bước đột phá cơ bản để thu hút đầu tư.

Để thu hút các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng Trà Vinh cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế kiểu mẫu thích ứng biến đổi khí hậu. Hơn nữa, xem xét quy hoạch lại các khu công nghiệp để liên kết chuỗi giá trị và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, cần có những ưu tiên trọng tâm để xây dựng chiến lược tiếp cận hợp lý”-Thủ tướng nói.

Tư duy đột phá

Theo Thủ tướng, ngoài nông nghiệp là chủ đạo, Trà Vinh phải hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là chế biến sâu. Hơn nữa, với lợi thế có bờ biển dài gần 70 km, Trà Vinh cần có chiến lược đầu tư vào du lịch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Thủ tướng cho rằng chính quyền tỉnh Trà Vinh cần phải có bước đột phá. “Trà Vinh phải có giải pháp đột phá, tích tụ ruộng đất tốt, thực hiện các dự án quy mô lớn để đi lên sản xuất hàng hóa lớn, có thế thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư”-Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Trà vinh có lợi thế là sở hữu nguồn nước lợ có diện tích lớn và chất lượng tốt nhưng việc tận dụng lợi thế này còn rất hạn chế. Vì thế, Trà Vinh cần tập trung nuôi tôm siêu thâm canh, và đó là hướng đi đột phá. Tuy nhiên, để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, chế biến để tạo nên thương hiệu mang bản chất địa phương.

Thủ tướng cũng cho rằng, nông dân cũng phải có bước đột phá trong tư duy. “Nông dân muốn giàu có thì cần phải có tư duy đột phá bằng cách góp vốn, góp sức từ thửa ruộng của mình để cùng nhà đầu tư tạo nên một doanh nghiệp. Đây là giải pháp chuyển đổi kinh tế nông hộ nhỏ lẻ sang kinh tế sản xuất hàng hóa”. Bằng cách này, nông dân không phải mất đất mà có quyền với mảnh đất của mình nhưng góp vốn, góp sức, cho thuê hay bằng cách khác theo quy định để có mảnh ruộng rộng và quy mô hơn để sản xuất hàng hóa lớn. Chính phủ đã cho phép mở rộng hạn điền để sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều địa phương đã làm và bước đầu mang lại thành công như Hà Nam, Thái Bình...

PGS.TS Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, muốn phát triển, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh phải có khát vọng để các nhà đầu tư đến. Hơn nữa, phải xác định nhu cầu thực của địa phương là cái gì và phải cụ thể hóa cho bằng được thì mới có cơ hội tiến xa. 

Điểm yếu nguồn nhân lực

Ông Hứa Ngọc Lâm-Tổng Hội trưởng Hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam chỉ ra điểm yếu của Trà Vinh hiện nay chính là lao động có tay nghề. Theo ông Lâm, hiện có đến 5.000 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ở Việt Nam, trong đó, Bình Dương có 1.000 doanh nghiệp. Còn ở Trà Vinh chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp sản xuất giày với 23.000 lao động địa phương đang làm việc tại đây. Một công ty may mặc khác đầu tư 30 triệu USD mới được tỉnh trao giấy phép kinh doanh vào ngày 24/4.

Ông Lâm cho biết, sở dĩ 1/5 trong tổng số 5.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam tập trung tại Bình Dương là vì lãnh đạo tỉnh này nhiệt tình, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Ông cho rằng, nếu Trà Vinh tạo điều kiện thuận lợi thì sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan khác đến đầu tư. Ông Lâm đề xuất địa phương chú trọng đào tạo nghề, nhất là ở cấp phổ thông để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khi đến đầu tư. Ông Lâm chia sẻ bài học từ Đài Loan: “Công nghiệp Đài Loan phát triển mạnh là do làm tốt công tác đào tạo nghề bậc cơ sở”.

Đồng quan điểm với ông Lâm, ông Takachi, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về cơ khí đang hoạt động tại Trà Vinh cho rằng, ở địa phương có nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, kỹ thuật chuyên môn của nhiều người chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

Ông Trầm Bê, người đã đầu tư hơn chục hécta nuôi tôm sạch theo quy trình khép kín  tại Trà Vinh kiến nghị, nhà nước hỗ trợ các hộ nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn, cũng như chính sách hạ tầng về điện, đường, pháp lý để nông dân tham gia xây dựng chuỗi tôm sạch. 

Ông Đồng Văn Lâm-Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cam kết tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về chính sách và pháp lý giúp cho không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp ngoài nước hoạt động dễ dàng. Về nguồn nhân lực, ông Lâm cho biết sẽ chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác đào tạo. 

“Nông dân muốn giàu có thì cần phải có tư duy đột phá bằng cách góp vốn, góp sức từ thửa ruộng của mình để cùng nhà đầu tư tạo nên một doanh nghiệp. Đây là giải pháp chuyển đổi kinh tế nông hộ nhỏ lẻ sang kinh tế sản xuất hàng hóa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

MỚI - NÓNG