Thuốc nội chưa được tín nhiệm cao

Thuốc nội chưa được tín nhiệm cao
Chỉ thị 05/2004/CT – BYT của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường sử dụng thuốc nội. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện chiếm tỷ lệ rất thấp (19 - 20%), thấp hơn ngoài thị trường (40 - 44%).

Chị Như Ngọc, ở phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) khi mua thuốc chữa bệnh cho con, dù chỉ là bệnh viêm họng, tiêu chảy, cũng nhất định mua thuốc ngoại loại tốt nhất và đắt nhất .Vì chị chưa mấy tin tưởng vào chất lượng và hiệu quả chữa bệnh của thuốc nội.

Trên thực tế, không ít người suy nghĩ như chị Ngọc, cho rằng thà bỏ ra một khoản tiền mua thuốc ngoại sử dụng để yên tâm hơn. Trong khi đó, việc quảng bá, giới thiệu cho người dân biết tính năng, công dụng của thuốc nội còn rất hạn chế. Ngay cả các chương trình quảng cáo trên truyền hình cũng chỉ quanh quẩn với những loại thuốc thông thường... xem mãi cũng nhàm.

Dạo qua thị trường Hà Nội, so sánh giữa các loại thuốc cùng tên do các hãng trong nước sản xuất cũng đã thấy sự khác biệt đáng kể: Thuốc "Bổ phế chỉ khái lộ" loại nước của 2 Cty cổ phần Dược phẩm Nam Hà và Hà Nam thành phần có 16 dược phẩm cùng tên, dung lượng thuốc chênh hơn nhau khoảng 25%, nhưng giá cả lại gấp 3 lần.

Cùng loại viên “bổ phế ngậm” với thành phần gần như nhau của 2 Cty Nam Hà và Hà Nội, nhưng hiệu quả điều trị xem ra cũng khác nhau. Rõ ràng là mỗi Cty đều có năng lực, bí quyết riêng trong sản xuất.

Dược sĩ Nguyễn Thị Chương - Chủ cửa hàng thuốc 832 Minh Khai - cho biết: Thuốc nội đã được cải tiến nhiều về mẫu mã, chất lượng, nhiều loại thuốc nội có chất lượng tương đương với thuốc ngoại, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khách đến mua thuốc nội ở cửa hàng chủ yếu là các loại thuốc thông thường còn thuốc đặc trị, phần lớn là mua thuốc ngoại, kể cả các loại biệt dược đắt tiền.

Theo Tiến sĩ, Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết, số thuốc nội Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức sử dụng trong năm 2004 chỉ đạt 20% (43/212 loại thuốc). Hai tháng đầu năm 2005, con số này cũng chỉ tăng lên 30% ( 54/ 177 loại thuốc).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cao về sử dụng thuốc ngoại. Một phần do các bác sĩ dựa trên phác đồ điều trị, cần ưu tiên một số nhóm thuốc điều trị ngoại đặc biệt. Ở một số khoa phòng, do tính chất đặc thù, cũng cần biệt dược ngoại như: nhóm gây tê, gây mê, tim mạch, hồi sức tích cực, điều trị tự nguyện…

Phần nữa còn do các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước chưa tạo được lòng tin đầy đủ đối với các bác sĩ và người dân. Việc quảng cáo, giới thiệu thuốc của các hãng trong nước mới dừng ở mức giới thiệu sản phẩm chứ chưa làm rõ, khẳng định được công dụng của các loại thuốc mới.

Tại Viện E, tình hình cũng không khả quan hơn. Chị Phạm Hồng Minh, ở khoa Dược cho biết: Trong năm 2004, loại thuốc nội tiêu thụ nhiều nhất là các vitamin và kháng sinh, chiếm khoảng 10% so với tổng số thuốc được cung ứng.

Dự đoán, trong năm nay, con số này tăng lên không đáng kể. Các hãng thuốc ngoại mỗi khi giới thiệu sản phẩm của mình đều dành ra một phần chiết khấu cho quảng cáo, vì vậy dễ thu hút được sự chú ý của các bác sĩ và người dân. Các hãng thuốc trong nước thì chưa làm được điều đó.

Thạc sĩ Tô Minh Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cũng đưa ra một số điểm hạn chế của thuốc như: hạn sử dụng ngắn; bao bì bảo quản chưa tốt; một số loại thuốc còn chưa ghi hạn dùng trên ống thuốc, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng; giá thuốc còn chênh lệch; phần hướng dẫn sử dụng sơ sài…

Chưa tự tin trong quảng bá

Thuốc nội chưa được tín nhiệm cao ảnh 1
Có thuốc ngoại không?

Tâm lý chung của bác sĩ và người dân là chưa thật sự tin tưởng vào thuốc nội. Còn các nhà sản xuất nghĩ sao? Được biết, hiện nay, cả nước có 165 doanh nghiệp sản xuất tân dược, trong đó có 48 cơ sở đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GMP. Giá các loại thuốc trong nước thấp hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu ít nhất 50%, thậm chí có loại, giá chỉ bằng 1/10 hàng ngoại.

Tính đến hết tháng 12/2004, đã có 7569 thuốc được cấp số đăng ký (SĐK) sản xuất trong nước với tổng số hoạt chất được đưa vào sản xuất đã lên tới 401 loại (Năm 1997 mới là 175 hoạt chất).

Công nghệ sản xuất thuốc ngày càng được nâng cao, đặc biệt là từ khi các liên doanh nước ngoài hoạt động. Các đơn vị trong nước đã nhập khẩu thiết bị hiện đại, mua dây chuyền công nghệ hoặc sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao.

Thuốc sản xuất trong nước đã tương đối đa dạng về chủng loại và số lượng như các nhóm: Thuốc dung dịch tiêm truyền, thuốc tiêm, kháng sinh và các nhóm thuốc khác.

Tiền thuốc sử dụng trong dân cũng tăng lên: Bình quân năm 2003 khoảng 7,6 USD/ đầu người; năm 2004 là 8,3 USD/ đầu người. Trong khu vực bệnh viện, tiền thuốc được trả bằng bảo hiểm y tế mặc dù có giảm về tỷ lệ so với tổng số tiền thuốc đã dùng (năm 2003 là 36%; năm 2004 là 33%), nhưng tính theo số tuyệt đối vẫn tăng đáng kể (năm 2003 là 485,7 tỷ đồng; năm 2004 là 541,5 tỷ đồng).

Doanh thu sản xuất trong nước tăng khá nhanh. Năm 2000 tăng xấp xỉ hai lần so với năm 1996. Năm 2002 đạt 3282,9 tỷ đồng. Năm 2003 đạt 3968,6 tỷ đồng. Năm 2004 ước đạt 4700 tỷ đồng… Nhưng đến nay, thuốc nội vẫn chưa tìm được vị thế trong bệnh viện, nếu xét từ góc độ người sản xuất cũng có nhiều nguyên nhân.

Bà Lê Thị Việt Nga - Tổng Giám đốc Cty Dược Hậu Giang - cho biết: Các doanh nghiệp lâu nay phần nào đã tự cảm thấy bằng lòng với doanh thu kinh doanh. Cty Dược Hậu Giang đã có 28 đại lý trên 64 tỉnh, thành phố của cả nước. Riêng ở miền Bắc, Cty đã có hơn 2000 khách hàng là các nhà thuốc, đại lý bán lẻ sản phẩm với đội ngũ 300 trình dược viên rải ở nhiều tỉnh thành. Nhưng Cty mới chỉ quan tâm khâu tiếp thị ở thị trường chung, do khả năng hạn chế, chưa sản xuất được những loại thuốc đặc trị, nên chưa đủ “tự tin” để “tiếp cận” với bác sĩ…

Qua thống kê, xem xét tình hình sử dụng thuốc tại 25 bệnh viện Trung ương, 162 bệnh viện tỉnh phần nào đã phản ánh những mặt hạn chế cần khắc phục trong khâu sản xuất thuốc. Thiết nghĩ, để nâng được tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong bệnh viện, các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới công nghệ, trang thiết bị để có thể sản xuất các loại thuốc có chất lượng cao, kể cả các loại thuốc đặc trị để thoả mãn yêu cầu của các thầy thuốc và bệnh nhân.

Cần tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm để bác sĩ và người dân có thêm niềm tin vào thuốc nội. Cần có sự phối hợp giữa các Công ty dược phẩm và các bệnh viện trong sản xuất và cung ứng thuốc, điều này đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của Cục Quản lý dựoc và Vụ Điều trị (Bộ Y tế).

Mặt khác, cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thông tin, tuyên truyền, khuyến khích người dân trong sử dụng thuốc nội và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thuốc ngoại đang tràn lan.

MỚI - NÓNG