Nếu tiếp tục cạn kiệt:

Thuỷ điện Hòa Bình chỉ còn phát điện 10 ngày

Thuỷ điện Hòa Bình chỉ còn phát điện 10 ngày
Tổng Cty điện lực VN (EVN) cho biết, đầu tháng 5/2005, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn, ngành điện sẽ phải cắt điện luân phiên trên phạm vi cả nước.

Dường như dự báo của các chuyên gia đưa ra từ đầu mùa hạn: “Năm 2005 hạn hán sẽ gây thiệt hại 8.000 tỷ đồng” đang trở thành hiện thực.

Theo ông Đặng Huy Cường-Phó GĐ Trung tâm điều độ điện quốc gia (TTĐĐĐQG), có 2 lý do khiến tình trạng cung cấp điện trở nên căng thẳng: hồ thuỷ điện thiếu hụt nước nghiêm trọng và mức phụ tải tăng đột biến. Với lý do thiếu hụt lượng nước, theo ông Cường, bên cạnh hồ thuỷ điện Hoà Bình đang suy kiệt nước (mực nước ngày 25/4 chỉ còn 89m, mức thấp kỷ lục nhất từ trước tới nay, nước ở các hồ thuỷ điện khác cũng suy kiệt nặng.

Lượng nước thiếu hụt của cả nước khoảng 30-80%. Tổng lượng nước thiếu hụt 3,5 tỷ m3, tương đương 100 triệu kwh. Ông Cường liệt kê những hồ thuỷ điện đang bị thiếu hụt nghiêm trọng gồm: Thác Bà (hụt 2 m nước); Vĩnh Sơn B (hụt 5 m); Hàm Thuận (thiếu 5 m); Đa Nhim năm 2004 mực nước là 1028.9 m thì năm 2005 chỉ còn 122.10 m, trong khi nước về chỉ 1-2 m3/s; Hồ Sông Hinh mực nước chỉ cao hơn mực nước chết 30-40 cm.

Hiện tại, chỉ rất ít hồ còn mực nước tương đối lớn như Thác Mơ, Hàm Thuận, Trị An khả dĩ có thể phát điện trong thời gian dài hơn. Song, nước ở hồ Trị An lại phải dành để đẩy mặn sông Sài Gòn. Thuỷ điện hiện đóng góp 34-40% tổng lượng điện cả nước, nhưng do thiếu hụt lượng nước, nên khả năng chỉ duy trì được ở mức 18%. Trường hợp tức thời phải đáp ứng 43% lượng điện của cả nước thì chỉ trong nửa tháng nữa, cả nước cũng sẽ phải nhịn “xài” lượng điện gần bằng 43%.

Ông Nguyễn Khắc Thục-Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình:

“Chúng tôi đang mong chờ...lũ từng ngày”

Trao đổi với Tiền Phong vào chiều ngày hôm qua 25/4, ông Nguyễn Khắc Thục-Phó giám đốc Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình cho biết “công suất của nhà máy theo thiết kế là trên 40 triệu kw/ngày. Thế nhưng trong những ngày gần đây chúng tôi chỉ đủ nước để hoạt động khoảng 1/5 công suất, như ngày hôm qua chúng tôi chỉ sản xuất đuợc 8 triệu kw”.

- Tình trạng thiếu nước sản xuất có thường xuyên xảy ra với Nhà máy, không thưa ông?

+ Tình trạng này thường xảy ra vào mùa khô, nhưng năm nay tình trạng thiếu nước đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết so với cùng thời điểm các năm trước. Chúng tôi đang mong chờ những cơn lũ như thường lệ, nhưng...không thấy.

- Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, liệu người dân dùng điện sẽ chịu ảnh huởng đến mức nào?

+ Việc phân phối điện không thuộc trách nhiệm của Nhà máy, chúng tôi chỉ là nơi sản xuất điện. Nhưng dĩ nhiên là thuỷ điện Hoà Bình giảm công suất thì sản lượng điện sẽ không đủ để cung cấp toàn quốc như hiện nay. Sẽ có nhiều nơi phải chịu cắt điện. Bên thuỷ văn vừa báo về cho tôi là thời tiết có thể “dịu” đi vào các ngày tới, và chúng tôi đang hy vọng...

- Nhà máy đang làm gì để sản xuất trong tình trạng hiện nay?

+ Chúng tôi đang cho nạo vét dòng sông, và điều phối các tổ máy hoạt động sao cho đảm bảo cung cấp đủ công suất của nhà máy vào các giờ cao điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Nếu đợt thiên tai này kéo dài thì sự mất cân đối về điện là rất lớn, bởi ngay cả khi ngành điện đang chấp nhận sản xuất điện bằng than, khí, dầu… với giá thành sản xuất đắt gấp 2 lần sản xuất từ nước thì nguồn nguyên liệu này cũng không đáp ứng đủ. EVN hiện cần hơn 13 triệu m3 khí /ngày, nhưng Tổng Cty dầu khí chỉ cấp được 10 triệu m3/ngày…

Với lý do tăng phụ tải điện, đến nay, những con số tăng phụ tải đã đến mức báo động. Theo dõi những ngày sử dụng điện gần đây, EVN cho biết, trong mấy ngày chớm nắng tháng 4/2005, phụ tải điện tăng đến 157 triệu kwh/ngày.

Trong khi đó, mức tăng phụ tải điện bình quân tháng 4/2004 chỉ là 129 triệu kwh/ngày. Tại miền Bắc, phụ tải điện đang tăng 17,6%; miền Nam, tăng 15,2%. Con số này là tín hiệu vui của nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng điện cao, nhưng với ngành điện lại là sức ép lớn về cân đối. Khả năng mất cân đối điện còn vì một số dự án điện không cung cấp được điện đúng kế hoạch. Nhà máy điện Na Dương lẽ ra phát điện vào đầu năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa phát điện.

Vì sao giải pháp vẫn chỉ là… tiết kiệm?

TTĐĐĐQG cho biết, nếu phải cắt điện luân phiên sớm từ đầu tháng 5/2005 thì đây cũng mới chỉ là sự khởi đầu giai đoạn khủng khoảng thiếu điện. Từ lâu, EVN đã dự báo, từ 2005-2007, lượng điện sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là những vùng nào sẽ bị cắt điện ngay trong tháng 5 này?

Theo ông Đặng Huy Cường, tất cả các tỉnh đều có kế hoạch cụ thể cắt điện luân phiên. Nguyên tắc là vùng nào cũng có khả năng bị cắt điện. Không ưu tiên khu dân cư sử dụng điện nhiều. Những vùng, đơn vị có thể ưu tiên là: sản xuất, chống hạn, bệnh viện, xí nghiệp. Kế hoạch cắt điện sẽ được Sở điện lực các tỉnh trình UBND tỉnh đó trước khi thực hiện.

Một vài giải pháp để đảm bảo cung cấp điện tốt nhất có thể được trong thời gian tới EVN đưa ra là: rút ngắn tiến độ thi công một số đoạn đường dây 500 kv mạch 2, đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh để đưa vào vận hành cuối tháng 4; kêu gọi người dân tiết kiệm điện tối đa để thời gian mọi người đều được dùng điện kéo dài hơn trong thời điểm khó khăn. Cần coi việc thiếu hụt nước phát điện là thiên tai. Hạn hán đã làm mất lượng điện lớn, do đó lượng điện rất nhỏ còn lại nếu “xài” hoang phí hôm nay, thì ngày mai sẽ không còn nữa.

Thực tế này còn tiếp diễn đến khi nào trời có mưa. Hiện EVN cũng đã sẵn sàng mua điện của nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thái-Giám đốc TTĐĐĐQG, thì EVN chỉ mua được điện từ một vài tỉnh phía Nam Trung Quốc thông qua tỉnh Hà Giang. Tuy thế, lượng điện mua “tiểu ngạch” này còn quá ít, về lâu dài là không khả thi.  

Nếu phải cắt điện dài ngày thì đây sẽ là tác động xấu đến phát triển, đặc biệt là sự tác động về giá. Theo một quan chức Bộ CN, mực nước thiếu hụt ai cũng thấy, đong đếm được song sử dụng nó thế nào cho hiệu quả lại phụ thuộc đầu óc của con người và khả năng sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm của người dân. Như vậy cũng có nghĩa tiết kiệm điện vẫn là giải pháp tức thời và lâu dài ở nước ta.

MỚI - NÓNG