Tín dụng âm có đáng lo?!

TP - Hai năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng luôn bị âm trong 1, 2 tháng đầu năm, năm 2014 cũng không ngoại lệ. Hiện tượng này có quá bất thường và phải làm gì?

Âm tạm

Theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng, đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,11%. Về điều này, NHNN lý giải: Phù hợp với quy luật của những năm gần đây là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88%, 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%.

Tín dụng âm có đáng lo?! ảnh 1

Tín dụng 2014 - khó tăng đột biến.

Lãnh đạo Sacombank cũng nhìn nhận: việc tín dụng âm chỉ là tạm thời. Thông thường, đầu năm tín dụng chịu ảnh hưởng nhiều do yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh của DN như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhất là năm nay nghỉ tết kéo dài, nhu cầu vay vốn hạn chế. “Phải hết quý 1 mới đánh giá được tình hình tăng trưởng tín dụng như thế nào”- Vị này nói.

Một nguyên nhân khác được nhận định là tác động đến quyết định vay vốn của DN đó là tín hiệu lạm phát giảm ngay cả những tháng Tết. Mặt khác, việc các NH chủ động hạ lãi suất huy động và những khẳng định của cơ quan quản lý về một mặt bằng lãi suất thấp hơn hiện tại 1 - 2% cũng tạo ra tâm lý chờ đợi lãi suất cho vay thực sự giảm rồi mới tiếp cận. “Hiện tại lãi suất không phải còn quyết định tác động đến việc vay vốn của DN nhưng đây cũng là “lý do” không thể bỏ qua”, lãnh đạo một NH phân tích. Dẫu vậy, các NH vẫn khá thận trọng đối với kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Chạy theo chất hay lượng?

Một số NH trong năm 2013 xin NHNN nới room tín dụng cũng cho biết thời điểm này họ chỉ “dám nhận” đúng chỉ tiêu tăng trưởng của NHNN. Cụ thể, lãnh đạo Sacombank cho biết trước mắt NH thực hiện theo chỉ tiêu NHNN phân bổ này là 13%; tại HDBank là 12%...

Nhận định của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng khó xảy ra khả năng tín dụng tăng đột biến. “Chỉ khi kích cầu sản xuất và nhất là cầu tiêu dùng đẩy mạnh thì mới có thể gia tăng cầu vốn. Vì khi XH tiêu dùng nhiều hàng hóa mới bán ra thì lúc đó DN cần vốn”- Ông Tùng lưu ý.

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện kinh tế quản lý Trung ương, tăng trưởng tín dụng năm 2014 tốt hay không còn phụ thuộc vào 3 yếu tố: xử lý nợ xấu, cải tổ hệ thống NH và phối hợp với chính sách tài khóa. Thường mọi năm cả tài khóa lẫn tiền tệ cung ứng rất chậm những tháng đầu năm và thường dồn vào cuối năm gây khó khăn điều hành kinh tế vĩ mô. “Năm nay nếu phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ mà cụ thể Bộ Tài chính và NHNN thống nhất về lượng, cơ cấu kỳ hạn cũng như mức lãi suất TPCP và thời điểm phát hành chia đều các quý tạo điều kiện cho các nhà “quản lý” vốn”, một chuyên gia NH nói thêm.

Song theo ông Thành, dù có thể tăng trưởng tín dụng cao hơn kế hoạch 12 - 14% nhưng điều quan trọng vẫn là chất lượng tín dụng. Có thể trước đây để có được 1% tăng trưởng GDP thì phải cần tới 4 - 5% tăng trưởng tín dụng đối ứng. Nhưng vài năm trở lại đây thì chỉ cần khoảng 1,7% đến hơn 2% tăng trưởng tín dụng để có được tăng trưởng GDP như mục tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, chất lượng tín dụng sang năm 2014 bền vững lành mạnh hơn nhiều. Vì DN nghiêm túc thận trọng khi vay vốn từ NH. Còn bản thân NH trong giai đoạn tái cấu trúc vừa qua cũng sẽ trách nhiệm hơn khi lựa chọn đánh giá phương án vay của khách hàng. “Cho nên vốn NH bơm ra trong thời gian tới sẽ lành mạnh, chất lượng hơn. Theo đó tác động nền kinh tế tốt hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, ông Tùng khẳng định.

MỚI - NÓNG