Tín dụng năm 2013: Cấp 'quota' hay cào bằng?

Các Ngân hàng đang chờ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 Ảnh: PV
Các Ngân hàng đang chờ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 Ảnh: PV
TP - Năm 2012, thị trường ngân hàng bỗng nhiên ồn ào bởi câu chuyện Ngân hàng Nhà nước “phân chia” chỉ tiêu tín dụng.

> Nợ xấu, đến hẹn có ùa về?
> Những đại gia nợ ngàn tỷ

Còn nhớ, thời đó các ngân hàng nhận được chỉ tiêu tăng trưởng cao trong nhóm 1, nhóm 2 đều vội vã công bố các mức tăng 17% và 15% như để minh chứng cho việc mình không “rơi” vào nhóm yếu kém hay phải tái cơ cấu sáp nhập. Năm nay, câu chuyện sẽ ra sao?

Các Ngân hàng đang chờ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 Ảnh: PV
Các Ngân hàng đang chờ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2013.  Ảnh: PV.

Tín dụng âm: quan ngại

Thông tin từ Vụ Dự báo và Thống kê NHNN tính đến 6/2, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng âm 0,16% so với cuối năm 2012. Xuất hiện quan ngại tín dụng tăng trưởng âm tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Một lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn Hà Nội nhận định, việc tín dụng không tăng trong những tháng đầu năm đã dự đoán từ trước. Bởi thông thường DN chủ yếu vay vốn ngắn hạn vào cuối năm trước để phục vụ cho kinh doanh những tháng đầu năm nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Đến đầu năm DN lo đi trả nợ và cán bộ tín dụng ngân hàng lại lo đi thu nợ. Đó là lý do tín dụng cuối năm thường tăng mạnh, đầu năm không tăng.

“Trước đây, thường các ngân hàng trích một ít tăng trưởng tín dụng từ cuối năm làm của để dành cho đầu năm để giữ “thành tích”. Nhưng hai năm trở lại đây tín dụng gặp khó nên lo đắp đủ chỉ tiêu đã đủ mệt lấy đâu ra để dành”, một cán bộ tín dụng NHTMCP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho hay.

Phó Tổng giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho rằng, tín dụng giảm một hai tháng chưa nói lên điều gì. Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho rằng, độ trễ chính sách trong năm 2013 phát huy hiệu quả điều đó đồng nghĩa nền kinh tế sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.

Do đó, đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% không phải là quá khó, thậm chí có thể vượt kế hoạch đề ra. Ông Tuấn tiết lộ trong năm 2012 OCB tăng trưởng tín dụng 15%, còn năm 2013 ngân hàng đang “đợi” chỉ tiêu của NHNN.

Có nên áp chỉ tiêu?

“Tín dụng không thông vì lãi suất cao, ngân hàng cho vay nhỏ giọt”. Một chuyên gia nhận định: chỉ có giảm ngay lãi suất mới giúp DN mạnh tay hơn khi vay vốn. Đồng tình điều này, lãnh đạo một DN sản xuất hàng tiêu dùng kể ông đang cần một nguồn vốn khá lớn và chắc chắn, phương án dòng tiền vào - ra của công ty ông có hiệu quả.

“Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tôi thấy các ngân hàng vẫn khá dửng dưng và chưa mặn mà chuyện ưu đãi lãi suất với khách tốt, nên cũng phải chờ xem sao đã” - ông cho hay.

“Ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất tốt với DN đang hoạt động hiệu quả hoặc chỉ gặp khó khăn tạm thời. Nhưng với DN vay để đảo nợ duy trì hàng tồn kho thì ngân hàng không thể rót vốn vào được” - ông Trần Xuân Quảng phân tích.

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cũng đồng tình lãi suất không phải là yếu tố quyết định giúp DN tiếp cận vốn nhiều hơn. Mà thời điểm này điều mà DN mong chờ là khơi thông thị trường.

Theo ông Tuấn, khi đầu ra được thông thoáng, kinh doanh thuận lợi DN mới cần nhiều vốn. Theo đó, tín dụng mới tăng nhanh hơn. Trong thời gian tới NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD.

Theo đó, chỉ tiêu này phù hợp với quy mô, chất lượng tín dụng, khả năng quản lý thanh khoản cũng như quản trị điều hành của TCTD và chủ trương của Chính phủ.

Một số ngân hàng lại cho rằng, năm 2013 không cần chia theo nhóm. Ông Lê Quang Trung, Quyền Tổng giám đốc VIB nhận định, có thể những năm trước đây các ngân hàng tăng trưởng nóng gần như là tăng hết khả năng để chạy theo lợi nhuận.

Nhưng bài học tăng trưởng tín dụng nóng trong vài năm qua khiến nợ xấu ăn dần vốn tự có các ngân hàng. Đến thời điểm này bản thân ngân hàng nhận thức sâu sắc hơn quản trị rủi ro luôn phải đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy, NHNN chỉ nên áp dụng tăng trưởng chung toàn hệ thống. 5 lĩnh vực NHNN nên ưu tiên đó là: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNVVN và lĩnh vực công nghệ cao áp trần lãi suất cũng là định hướng cho các ngân hàng trong hoạt động tín dụng năm 2013.

“Sự điều chỉnh linh hoạt sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiệu quả hơn”, ông Trung nhấn mạnh.

Đừng biến thành chùm... khế ngọt

Nói về việc các NHTM đang chờ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013, một chuyên gia ngân hàng lưu ý với Tiền Phong: Việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng nếu có cần công bố những điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng.

“Chứ đừng như năm ngoái dân tình ngân hàng còn kháo nhau chuyện có ngân hàng còn ăn mừng tưng bừng khi biết được “lĩnh” chỉ tiêu tăng trưởng thuộc nhóm 2 tức tăng 15%. Phải làm sao để tránh biến phân chỉ tiêu tín dụng thành “chùm khế ngọt” tạo cơ chế xin- cho”- vị này bình luận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG