Những 'đại bàng' đang gãy cánh - Bài 2:

Tisco: Sẽ phá sản nếu dừng đầu tư tiếp

“Đắp chiếu” hơn 4 năm nay, hầu hết máy móc, thiết bị cho Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã hoen gỉ. Ảnh: Phạm Thanh.
“Đắp chiếu” hơn 4 năm nay, hầu hết máy móc, thiết bị cho Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã hoen gỉ. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng GĐ Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO),  nếu Chính phủ dừng đầu tư tiếp vào Dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2, phải tách dự án khỏi nhà máy hiện tại. Nếu không tách, công ty chắc chắn sẽ phá sản, vì mỗi tháng công ty phải gánh 30 tỷ đồng tiền lãi, chưa kể số nợ gốc đã rót vào dự án (gần 3.000 tỷ đồng).

Đội vốn vì quy trình “rườm rà”?

Liên quan tới Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Diệp cho biết: Dự án mở rộng nhà máy đội vốn hơn gấp đôi do thời gian làm thủ tục đầu tư quá lâu, khiến tổng mức đầu tư lập năm 2005 tới năm 2007 (khởi công dự án) đã không còn phù hợp. Khi dự án tăng tổng mức đầu tư, Chính phủ đồng ý cho điều chỉnh lên hơn 8.104 tỷ đồng, nhưng thiếu quyết liệt trong giải quyết thủ tục, thu xếp vốn làm kéo dài thời gian và đội vốn tiếp.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã rót hơn 4.500 tỷ đồng vào dự án, nhưng nhà nước nên xem xét không tiếp tục rót thêm tiền vào nữa, vì tính khả thi không cao, và lĩnh vực gang thép tư nhân làm được nhà nước nên để tư nhân làm, ông nghĩ sao về điều này?

“Do ô nhiễm nên nhiều nước không phát triển ngành gang thép nữa, Trung Quốc cũng vậy, nhưng nước mình còn nghèo vẫn phải làm”. 

TGĐ TISCO Hoàng Ngọc Diệp

Không nên chỉ xét hiệu quả dự án còn hay không, cần xét thêm yếu tố xã hội, công ăn việc làm của hơn 5.500 lao động công ty và các nhà máy phụ trợ đi kèm. Ngoài ra, ngành thép chúng ta nên ưu tiên, vì mình có mỏ quặng, mục tiêu ổn định nguồn cung phôi thép trong nước, tránh phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài. Như giai đoạn 2011-2012, có thời điểm giá phôi thép Trung Quốc lên tới 13 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, nếu đầu tư tiếp phải có cơ chế ưu đãi để giảm vốn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả dự án cao nhất. Nếu chậm một ngày giá cả sẽ tăng và máy móc đã nhập về sẽ hư hỏng thêm. Khi thực hiện phải công khai, minh bạch để các cơ quan và xã hội cùng giám sát. Đầu tư tiếp sẽ có cơ hội thu hồi số vốn đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), dự án chỉ cần đội vốn thêm 395 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 7.871 tỷ đồng như đề xuất của TISCO, hoặc giá phôi thép giảm 10%, sẽ không còn hiệu quả. Như vậy, mức độ rủi ro của dự án rất lớn?

Tổng mức đầu tư đó của đơn vị tư vấn độc lập thẩm định và đưa ra, không phải của TISCO tự tính, nên đảm bảo chính xác. Với giá phôi thép, Hiệp hội Thép thế giới dự báo trong 5 năm tới sẽ từ 9-10 triệu đồng/tấn, thực tế giá phôi thép trong nước năm 2015 là 7 triệu đồng/tấn, đầu năm nay đã lên 11 triệu đồng/tấn. Dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra nên đảm bảo chính xác, như vậy dự án vẫn khả thi. Do ô nhiễm nên nhiều nước không phát triển ngành gang thép nữa, Trung Quốc cũng vậy, nhưng nước mình còn nghèo vẫn phải làm.

Tisco: Sẽ phá sản nếu dừng đầu tư tiếp ảnh 1

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng GĐ Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Phá sản nếu dừng đầu tư

Nếu bán nhà máy cho tư nhân thực hiện tiếp dự án, ông thấy sao?

Tiền túi của tư nhân họ sẽ phải nghĩ nát óc mới đầu tư, và phải đầu tư vào dự án của mình, trong khi tỷ suất lợi nhuận của dự án chênh không nhiều, nhà nước còn bỏ chạy hỏi còn ai muốn mua? Tôi là người trong cuộc còn thấy nguy hiểm, nói gì nhà đầu tư. Chỉ có cách đầu tư tiếp, khi dự án hoạt động tốt nhà nước mới thoái vốn cho tư nhân làm. Hoặc giờ nhà nước bán toàn bộ công ty, để tư nhân nắm quyền chi phối may ra còn có người quan tâm. Nếu tư nhân mua nhà máy công nhân sẽ bị cắt giảm, khi đó ai sẽ lo cho họ?

Trường hợp nhà nước không tiếp tục đầu tư cho dự án, công ty sẽ ra sao?

Không đầu tư tiếp cũng được, nhưng phải tách toàn bộ phần dự án mở rộng khỏi nhà máy hiện tại, để không ảnh hưởng tới công ty. Nếu không có dự án, nhà máy vẫn hoạt động tốt và có lãi trong 4-5 năm tới. Nếu không tách phần dự án, chắc chắn không quá một năm công ty sẽ phá sản. Hiện lãi vay ngân hàng cho số tiền đầu tư vào dự án khoảng 30 tỷ đồng, toàn bộ số vốn lưu động của công ty hơn 1.800 tỷ đồng đã rót vào đó.

Theo ông hiệu quả dự án ra sao nếu đầu tư tiếp?

Nếu không có ưu đãi tổng vốn đầu tư dự án phải trên 9.500 tỷ đồng, không chỉ dự án không hiệu quả, công ty cũng chết theo. Nếu đầu tư tiếp, nhà máy phải cơ cấu lại lao động còn khoảng 3.500 người để giảm giá thành sản phẩm. Nếu muốn nhàn thân thì bỏ mặc cho đỡ khổ, nhưng còn người lao động mình vẫn phải lo.

Ông nghĩ sao về những sai phạm trước đây đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra?

Sai phạm phải xem vì mục đích gì, sai do yếu kém hay vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, những thay đổi một phần thiết bị, công nghệ so với hợp đồng ban đầu mục đích để nhà máy hoạt động hiệu quả hơn, công nghệ hiện đại hơn. Tuy nhiên, những yếu tố kỹ thuật đó chỉ những người trong ngành mới hiểu, nhưng làm như vậy lại sai quy trình. TISCO thanh toán 93% giá trị máy móc, thiết bị nhập về cho nhà thầu cũng theo hợp đồng đã ký kết.

 Xin cảm ơn ông.

Tổng Giám đốc TISCO Hoàng Ngọc Diệp cho biết: Những năm qua ngành thép đối mặt nhiều khó khăn, do thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt được nhập về. Giai đoạn 1999-2000, TISCO từng đứng bên bờ vực phá sản với gần 10.000 công nhân. Thời điểm đó, nhiều công nhân phải vào rừng lấy củi, trồng sắn để sống qua ngày. Sau đó Trung Quốc hỗ trợ nâng cấp và mở rộng nhà máy giai đoạn 1, giúp nâng cao năng suất và công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây hoạt động theo cơ chế thị trường nên nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, TISCO cũng không ngoại lệ. Năm 2013-2014 nhà máy khó khăn vì thua lỗ, nhưng năm 2015 đã có lãi, và quý I/2016 công ty tăng trưởng 200% so với cùng kỳ.

MỚI - NÓNG