TPHCM vận động hộ nông dân lên… doanh nghiệp

TPHCM đang vận động hộ nong nghiệp, tổ hợp tác, trang trại chuyển đổi thành doanh nghiệp
TPHCM đang vận động hộ nong nghiệp, tổ hợp tác, trang trại chuyển đổi thành doanh nghiệp
TPO - Sẽ có 150 nghìn HTX, hộ nông dân sản xuất giỏi ở TPHCM chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp lên doanh nghiệp đến năm 2020.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Chuyển đổi lên doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra ngày 21/9 tại TPHCM.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trực – Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết việc làm này là rất cần thiết, tuy nhiên vấn đề mấu chốt là làm sao để các cơ quan nhà nước giúp đỡ người sản xuất nhỏ lẻ chuyển đổi lên doanh nghiệp mới là vấn đề.  

Theo mục tiêu từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 150.000. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hiện việc đầu tư cho nông nghiệp rất ít được quan tâm vì nhiều rủi ro, tỷ lệ sinh lợi thấp trong khi sự quan tâm của các sở ngành về nông nghiệp cũng rất hạn chế.

“Khi hộ nông dân chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ để dàng hơn trong việc mua bảo hiểm nông nghiệp, phòng tránh rủi ro điệp khúc “được mùa mất giá”, bởi với tư cách pháp nhân của mình, họ dễ dàng vay vốn ngân hàng, được các tổ chức xã hội, nhà nước hỗ trợ nhiều mặt…” – ông Trực cho hay.

Dù rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi lên doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các nhà nông vẫn rất đắn đo, cân nhắc khi tham gia mô hình chuyển đổi. Ông Trần Đức Trọng – công ty CP nông nghiệp Bình Nguyên (H.Củ Chi) đặt câu hỏi nhà nước có hỗ trợ gì từ vay vốn đến đầu ra sản phẩm hay không? Bởi dù có lên doanh nghiệp đi chăng nữa, thì người sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, họ có được giới thiệu đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại không, hay vẫn “tự bơi” tìm thị trường như từ trước khi lên doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Văn My – Giám đốc Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng, khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, thành phố có nhiều chính sách để hỗ trợ lãi vay, còn hỗ trợ tiêu thụ thì còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Cũng theo ông My, những tiêu chuẩn nông nghiệp như VietGap, GlobalGap… chỉ là tiêu chuẩn đáp ứng theo yêu cầu của từng đối tác. Ví dụ như đưa vào siêu thị thì cần phải có các tiêu chuẩn này, nhưng nếu muốn xuất khẩu thì nước ngoài thì lại phải thực hiện quy trình của riêng các nước muốn xuất khẩu.

“Tiêu chuẩn VietGap hiện nay chỉ duy trì ở mức 60%, giảm rất nhiều. Đây không phải là tiêu chuẩn bắt buộc để làm hàng hóa. Nhiều nơi được cấp giấy chứng nhận nhưng khi làm thì lại khác, khi chúng tôi lấy mẫu kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Người sản xuất phải tự chịu trách nhiệm trước các sản phẩm của mình” – ông My nói.

MỚI - NÓNG