Trở thành triệu phú chứng khoán có thể do gen

Benjamin Graham nổi tiếng thích cổ phiếu bị hắt hủi. Ảnh: Financial Post
Benjamin Graham nổi tiếng thích cổ phiếu bị hắt hủi. Ảnh: Financial Post
Một số nghiên cứu cho thấy môi trường sống, thậm chí cả yếu tố bẩm sinh cũng có thể tác động tới sở thích mua cổ phiếu.

Theo Wall Street Journal, một số người thích cổ phiếu bị định giá thấp do trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống. Benjamin Graham – người thầy của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett và là tác giả cuốn "Phân tích chứng khoán" là một ví dụ. Mẹ ông là một nhà đầu cơ nhỏ. Khi bà thất bại vì cuộc khủng hoảng tài chính 1907, Graham mới 13 tuổi.

Vì thế, sau này, Graham thường rót tiền vào các công ty bị nhà đầu tư chê bai, thậm chí có cổ phiếu bị đánh giá "chết còn có giá hơn sống". Ông là người nổi tiếng với chiến lược đi ngược lại đám đông - "mua vào khi hầu hết mọi người, và cả các chuyên gia, đang bi quan, và bán khi họ cực kỳ lạc quan".

Một ví dụ khác là John Templeton, con trai một luật sư tại Winchester, Tenn. Cha Templeton chuyên đầu cơ hợp đồng mua bán bông tương lai. Nhưng đến một ngày, ông về nhà và nói với cả gia đình: "Các con, chúng ta mất hết rồi". Vì thế, Templeton sau này đã phải làm nhiều việc lặt vặt để có tiền vào đại học.

Năm 1939, ở tuổi 27, ông bỏ ra 100 USD mua các cổ phiếu đang niêm yết tại Mỹ có giá 1 USD trở xuống. 4 năm sau, ông đã kiếm được gấp 4 số tiền. "Mọi người thường hỏi tôi liệu triển vọng đầu tư có tốt không. Nhưng đó là câu hỏi sai lầm. Đúng ra phải là: Khi nào triển vọng có vẻ thê thảm nhất?", Templeton nói.

Có thể những trải nghiệm thuở nhỏ đã giúp các nhà đầu tư như Graham hay Templeton có xu hướng chuộng cổ phiếu "bèo bọt" hơn là cổ phiếu "đang tăng giá". Tuy nhiên, sở thích này cũng có thể do gen.

Trong một cuộc nói chuyện tại Đại học Babson (Mỹ) năm 2010, nhà đầu tư nổi tiếng Seth Klarman tiết lộ nghiên cứu trên ruồi giấm cho thấy phần lớn chúng sẽ bay về nơi có ánh sáng. Nhưng một phần nhỏ có vẻ hệ gen đã được lập trình phải tránh xa những nơi đó. Klarman gọi đó là những con ruồi "đi ngược trào lưu", cũng giống như một số nhà đầu tư vậy.

Đa phần mọi người có gen trội là theo đuổi những thứ hào nhoáng và rực rỡ. Nhưng một phần nhỏ lại chỉ thích những thứ méo mó, ít phổ biến.

Ba nhà kinh tế học - Henrik Cronqvist, Frank Yu từ Trường Kinh doanh quốc tế châu Âu – Trung Quốc ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Stephan Siegel tại Đại học Washington (Mỹ) đã khảo sát hệ gen và danh mục đầu tư của 35.000 cặp song sinh tại Thụy Điển. Họ phát hiện ra rất nhiều nhà đầu tư có thể có gen thích săn lợi nhuận trên thị trường chứng khoán, dù môi trường sống cũng đóng góp phần lớn vào hình thành tâm lý này.

Các cặp song sinh cùng trứng giống nhau 100% về gen, trong khi sinh đôi khác trứng chỉ có gen giống nhau như anh chị em thông thường. Nghiên cứu đã so sánh sự tương đồng giữa danh mục đầu tư của các cặp sinh đôi cùng trứng và khác trứng. Việc này cho phép các nhà kinh tế học đo lường ảnh hưởng của gen với sở thích đầu tư.

Họ kết luận sự khác biệt về hệ gene có thể giải thích khoảng 24% sự khác biệt về khuynh hướng đầu tư. Kết quả này tương đối chính xác do số người tham gia lớn và luật pháp Thụy Điển yêu cầu các nhà đầu tư cá nhân phải công khai hoàn toàn tài sản.

Dường như việc mua cổ phiếu giá trị thấp hoặc cổ phiếu tăng trưởng nhanh không chỉ là sở thích. "Ít nhất nó cũng có phần do bẩm sinh", ông Siegel nói.

Các yếu tố môi trường cũng có ảnh hưởng đến khuynh hướng đầu tư, nghiên cứu trên cho biết. Ví dụ, nếu nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái mạnh, còn nhà đầu tư ở độ tuổi 18-25, hoặc có gia cảnh nghèo khó, anh ta có xu hướng chọn cổ phiếu giá rẻ.

Ý nghĩa của những phát hiện trên chính là để bạn thăm dò cố vấn tài chính hay giám đốc đầu tư của mình. Hãy hỏi họ các câu như: "Anh đã gặp phải bất hạnh nào trong cuộc đời?" hay "Nghèo khó có ý nghĩa gì với anh?". Vì nếu chưa từng trải qua thời kỳ gian khổ, họ sẽ không giữ lại các cổ phiếu giá rẻ khi chúng mất giá.

Theo Hà Thu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.